Ông Lâm Anh Tuấn: Tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân sẽ khó khăn
Vụ lúa đông xuân 2014-2015 chuẩn bị thu hoạch. Đây là vụ sản xuất lúa chính của cả năm, với năng suất và chất lượng gạo tốt nhất nhưng theo nhận định việc tiêu thụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đề cập đến vấn đề này, ngày 23-1 ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát đồng thời là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng:
Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức gần đây cũng cho rằng, năm 2015 tình hình sẽ còn khó khăn hơn nên khả năng lượng gạo xuất khẩu không cao, vì cơ bản thế giới hiện vẫn đang thừa gạo. Riêng giá xuất khẩu VFA sẽ cố gắng điều tiết theo cung cầu thị trường và theo giá thế giới; hướng dẫn doanh nghiệp (DN) mua bán với giá tốt nhất có thể để giữ giá, giúp nông dân có lãi.
Theo VFA, với giá xuất khẩu gạo trung bình của năm 2014 đạt 500 USD/tấn gạo thơm, 430 - 435 USD/tấn gạo thường thì nông dân có lãi khoảng 30 - 40% so với năm 2013. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì năm 2015 chắc chắn giá còn giảm, vì thế thu nhập của người trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng.
* Phóng viên: Ông có thể phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo sắp tới?
Ông Lâm Anh Tuấn: Một trong những nguyên nhân chính là đến thời điểm hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung nào được ký kết, do vậy không thể định hướng được giá lúa gạo trong nước mà phải theo quy luật cung cầu.
Thứ hai là, chắc chắn một điều khi Việt Nam bán gạo vào thị trường châu Phi sẽ đụng với kho gạo cũ của Thái Lan sẵn sàng bán ra với giá rẻ. Thái Lan vẫn còn tồn kho lớn nên vẫn quyết tâm bán gạo ra. Chẳng hạn, trong năm 2015 Thái Lan dự kiến bán ra khoảng 10 triệu tấn gạo. Trong khi đó mặt bằng chung, giá gạo của Việt Nam hiện tương đương với giá gạo của Pakistan.
Thứ nữa là thị trường châu Phi là lại cần gạo giá rẻ do kinh tế còn khó khăn nên gạo của Pakistan, Ấn Độ giao về châu Phi thuận lợi hơn gạo của Việt Nam nhờ chi phí thấp hơn khoảng 20 USD/ tấn. Do vậy, gạo của Việt Nam muốn tham gia được vào thị trường của châu Phi với điều kiện là có giá cạnh tranh.
Kế đến là biến động từ thị trường Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ gạo của Việt Nam, cả đường chính ngạch và tiều ngạch. Số liệu của VFA cho thấy, xuất khẩu gạo tiểu ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2014 khoảng 1,5 triệu tấn, nhưng thực tế có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc đã bị siết lại, mà chuyển dần sang tiêu thụ đường chính ngạch.
Tổng hợp các yếu tố của thị trường tác động, năm 2015 xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và chắc chắn một điều là giá bán sẽ không cao. Thực tế cũng cho thấy, lúc cao điểm gạo 5% tấm của Việt Nam được đẩy lên 430 - 450 USD/tấn nhưng hiện nay chỉ xoay quanh 365 USD/tấn.
Tiêu thụ lúa gạo tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn. |
* Phóng viên: Thực tế như thế dẫn đến giao dịch lúa gạo của Việt Nam đang trầm lắng?
Ông Lâm Anh Tuấn: Điều này là đương nhiên. Thực tế cho thấy là, hai đối tượng mua gạo của Việt Nam nhiều năm qua là các tập đoàn thương mại quốc tế và Chính phủ của các nước. Lẽ đương nhiên là các tập đoàn thương mại quốc tế phải lựa chọn những chỗ nào bán gạo giá rẻ nhất mới mua và bán nơi nào có giá cao nhất để kiếm lợi nhuận, nên không có lý gì họ phải mua gạo của Việt Nam khi mà giá gạo cao hơn của Thái Lan 20-30 USD/tấn.
Còn Chính phủ các nước trước đây mua gạo theo hình thức đàm phán, sau này lại mua theo kiểu đấu thầu. Nếu nước nào chào giá gạo đấu thầu rẻ nhất thì họ mua. Cụ thể là Thái Lan vừa thắng thầu cung ứng gạo cho Philippines 300.000 tấn gạo nhờ giá đấu thầu rẻ hơn giá gạo của Việt Nam.
Trong khi đó, cách mua bán gạo của Việt Nam cũng khác các nước. Chẳng hạn như Thái Lan, khi ký hợp đống bán ra ngoài 10.000 tấn gạo thì ít nhất trong kho cũng có khoảng chừng ấy số gạo hoặc nhiều hơn. Còn mô hình kinh doanh gạo của Việt Nam lại khác. Một đơn vị xuất khẩu khi ký hợp đồng 10.000 tấn nhưng thực sự làm chỉ làm khoảng 2.000 tấn, phần lớn còn lại được chia nhỏ ra cho các đơn vị cung ứng. Bản thân các nhà cung ứng lại làm với rất nhiều đối tác khác.
Do vậy, đến thời hạn giao hàng, dù giá nguyên liệu có biến động tăng cỡ nào buộc lòng nhà cung ứng phải mua vào giao cho đơn vị xuất khẩu để giữ chữ tín. Một đơn vị cung ứng lại giao gạo cho rất nhiều đơn vị xuất khẩu. Điều này dễ làm biến động giá gạo nguyên liệu, tạo nên những cơn sốt ảo.
*Phóng viên: Chính thực tế như thế đã tạo nên không ít áp lực đối với các DN kinh doanh, xuất khẩu lương thực?
Ông Lâm Anh Tuấn: Ngành gạo 2 năm nay bất ổn do tồn tại kho gạo của Thái Lan và là ẩn số vì không biết nước này xả hàng lúc nào. Do vậy, hiện nay hầu hết các DN trong ngành cũng không có nhiều giao dịch. DN không dám ký hợp đồng với giá thấp hơn mặt bằng chung hiện nay vì chưa thể dự đoán được tình hình giá nguyên liệu như thế nào.
Chẳng hạn, giá nguyên liệu gạo IR50404 hiện nay khoảng 6.400 đồng/kg, mặc dù biết tới đây giá có thể giảm hơn. Nhưng có điều khó cho các DN là còn phụ thuộc vào giá phụ phẩm. Chẳng hạn, giá cám hiện trên 5.000 đồng/kg, nhưng vào thu hoạch rộ có thể dưới 4.500 đồng/kg; tấm đang nằm ở mức 6.300 đồng/kg nhưng có khả năng rơi xuống dưới 6.000 đồng/kg.
Do vậy, mặc dù giá nguyên liệu có thể giảm nhưng giá phụ phẩm cũng giảm nên giá gạo thành phẩm giảm không tương ứng. Nêu tính toán giữa giá thành so với giá bán, DN sẽ không có lợi nên không dám ký hợp đồng. Thực tế cũng cho thấy, trong cả 3 vụ lúa của cả năm 2014 người nông dân đều có lãi nhưng hầu hết DN lại lỗ. Từ đó, DN kinh doanh xuất khẩu gạo bắt đầu “nhát tay” hơn, không dám bán đoán như trước, nếu có bán chỉ bán có mức độ để nghe ngóng thị trường.
Từ tất cả các động thái trên sẽ dẫn đến áp lực giảm giá khi thu hoạch rộ vụ đông xuân tới đây.
* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG ANH