Thị trường Tết bảo đảm ổn định, không tăng giá đột biến
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Tết Nguyên đán bao giờ cũng là thời điểm mà nhu cầu mua sắm của người dân luôn tăng cao. Do đó, để có những dự báo về tình hình giá cả, sức mua cũng như các giải pháp bảo đảm cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường tết, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết:
Trong năm 2014, tình hình giá cả tương đối ổn định, không xảy ra tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh, góp phần giảm chi phí vận chuyển; đồng thời hàng hóa phục vụ tết luôn được giới kinh doanh dự trữ phong phú nên dự báo giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015 sẽ không có xu hướng tăng cao.
Cùng với đó là các doanh nghiệp lớn cung ứng hàng hóa thiết yếu của tỉnh đã chủ động nguồn hàng hóa Tết từ trước nên sẽ tránh được tình trạng tăng giá đột biến. Dự báo nhu cầu mua sắm phục vụ Tết sẽ tăng hơn năm trước từ 5 - 10% và tăng so với ngày thường từ 30% trở lên.
* Phóng viên (P.V): Theo nhận định của ông thì sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015 sẽ tăng cao. Vậy Sở Công thương đã có kế hoạch như thế nào để bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và ổn định thị trường Tết, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Công: Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015 cũng như ổn định thị trường Tết, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 291/UBND-KH ngày 31-12-2014 về dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ tết. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hoá phục vụ tết, gồm:
Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn (Co.op Mart Mỹ Tho), HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, DNTN Thương mại - Dịch vụ Thành Phát, Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang và HTX Vĩnh Kim, với tổng trị giá 338,9 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu là 60 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa tết theo kế hoạch còn được vay vốn ưu đãi (trong thời gian 4 tháng), với tổng số tiền vay 28 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải treo băng rôn thông báo bán hàng bình ổn tại cửa hàng hoặc nơi bán hàng bình ổn; thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết theo quy định; khuyến khích bán giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng loại trên thị trường.
* P.V: Theo ông, việc triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán hàng năm của UBND tỉnh đã mang lại những kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Công: Năm nay đã là năm thứ 6, UBND tỉnh ban hành kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Việc triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết đạt được những kết quả đáng ghi nhận như:
Tạo cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp tết dồi dào, phong phú. Giá cả ổn định vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, vừa tạo tâm lý ổn định cho thị trường; đồng thời đã hạn chế được các hiện tượng đầu cơ găm hàng, chờ tăng giá tại thời điểm mua sắm và nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp tết.
Các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa Tết đạt khoảng 80% kế hoạch (ảnh chụp tại Co.op Mart Mỹ Tho). |
Việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ tết đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc khai thác nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, không để thiếu hàng hóa cục bộ, dẫn đến giá cả tăng, giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm trong dịp tết.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết cũng góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì các mặt hàng trong kế hoạch dự trữ đều do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
* P.V: Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ tết theo kế hoạch như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Công: Theo báo cáo của các DN tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, đến nay lượng hàng hóa tết được dự trữ đạt khoảng 80% theo kế hoạch, với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm...
Ngoài ra, các DN còn dự trữ các mặt hàng khác đế phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2015 như: bánh kẹo, mứt, lạp xưởng... Với lượng hàng dự trữ năm nay, các DN bảo đảm sẽ cung ứng đủ cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2015, góp phần ổn định thị trường và không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
* P.V: Để kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán năm 2015, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra và xử lý như thế nào nếu các hành vi vi phạm xảy ra, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Công: Để kiểm soát tốt thị trường Tết Nguyên đán năm 2015, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra về chất lương, nhãn mác,… hàng hóa theo chức năng, nhiệm vụ, nhất là kiểm tra hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 của các DN theo pháp luật thương mại;
Đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, ngăn chặn và xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 653/KH-QLTT ngày 28-11-2014 kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Theo đó, các mặt hàng được kiểm tra như: Nhóm hàng thực phẩm, mặt hàng xăng dầu; kiểm tra, ngăn chặn luôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
HỮU NGHỊ (thực hiện)