Nâng cao sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới
Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng có diện tích cây ăn trái rất lớn và đa dạng về chủng loại nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Đề cập đến lĩnh vực này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết:
Diện tích cây ăn trái cả nước khoảng 843.700 ha, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có 288.500 ha và dẫn đầu các tỉnh, thành là Tiền Giang với 70.000 ha. Đây là vùng có chủng loại cây ăn trái rất đa dạng với nhiều giống nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu; bưởi da xanh, bưởi Năm Roi; thanh long; sầu riêng Ri 6, sầu riêng Chín Hóa; nhãn tiêu da bò; chôm chôm nhãn, chôm chôm Java; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...
* Phóng viên (PV): Tiềm năng là vậy, nhưng ông đánh giá như thế nào về thực trạng của cây ăn trái Việt Nam nói chung, của tỉnh Tiền Giang nói riêng?
* TS. Nguyễn Văn Hòa: Diện tích cây ăn trái khá lớn và đa dạng về chủng loại, nhưng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn cần được giải quyết triệt để để nâng cao giá trị hàng hóa của trái cây Việt Nam trên trường quốc tế như:
Công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương; tỷ lệ nông dân áp dụng thành công tiêu chuẩn GAP trong sản xuất rau quả còn thấp, rải rác, phân tán dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, không rải vụ theo thời gian; sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn mong manh, dễ đổ vỡ; chuỗi cung ứng còn quá ngoằn ngoèo; dịch bệnh xảy ra khắp nơi do thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, tăng diện tích ồ ạt; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay còn quá lớn.
Ngoài ra, việc xử lý ra hoa nghịch vụ của người dân còn mang tính tự phát, dẫn đến được mùa nhưng mất giá, sản xuất thiếu định hướng. Công tác tiếp thị chưa đủ, không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của thế giới; thông tin thị trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại, thị trường, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh canh trên thế giới... Đặc biệt là nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường.
* PV: Được biết, Viện Cây ăn quả miền Nam có Phòng Nghiên cứu thị trường. Vậy phòng này đã có những hỗ trợ gì cho các tỉnh, thành, cũng như nông dân trong việc đưa trái cây ra thị trường các nước?
* TS. Nguyễn Văn Hòa: Phòng Nghiên cứu thị trường của Viện Cây ăn quả miền Nam được thành lập vào năm 1997. Phòng có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp thông tin về thị trường trong và ngoài nước cho người sản xuất, xuất khẩu rau quả, đặc biệt là đã xuất bản nhiều bản tin thị trường, nhưng sau này bị gián đoạn do thiếu kinh phí.
Hiện nay, những khảo sát về thị trường gần, xa, thị trường dễ tính, khó tính đều được báo cáo hàng năm. Các thông tin này, chúng ta có thể tìm thấy trong các tuyển tập hàng năm của viện, hay trong các tài liệu Hội nghị Khuyến nông @ theo từng số, từng nội dung, chuyên ngành. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng làm lại các bản tin thị trường và khởi động xây dựng tạp chí chuyên ngành về cây ăn quả và rau - hoa.
Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngay. |
* PV: Diện tích, sản lượng cây ăn trái của chúng ta rất lớn nhưng xuất khẩu sang các nước còn thấp. Ông có nhận xét gì về điều này?
* TS. Nguyễn Văn Hòa: Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng liên tục, lấy mốc từ năm 1996 ta chỉ xuất khẩu được 90,2 triệu USD/năm, nhưng đến năm 2008 đã vượt 400 triệu USD, năm 2011 vượt 600 triệu USD, năm 2012 trên 800 triệu USD, năm 2013 vượt mốc 1 tỷ USD và ước tính năm 2014 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2013. Trong 11 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu rau quả 882 triệu USD. Chúng ta đã xuất khẩu trái cây sang trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các tỉnh phía Nam là vùng sản xuất, xuất khẩu trái cây nhiệt đới chủ lực của đất nước. Mặc dù đóng góp rất lớn cho xuất khẩu nhưng so với các nước như Thái Lan, Malaysia... thì chúng ta còn rất yếu. Vì vậy, ngành chức năng cần cải tiến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chất lượng cao, sản lượng lớn, quanh năm và rộng khắp của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; tăng tính cạnh tranh của rau quả Việt Nam và khai thác mạnh hơn nữa tiềm năng của cây ăn trái để mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước và người nông dân nông thôn.
* PV: Để xuất khẩu được trái cây sang các nước, theo ông, các tỉnh, thành cần phải làm gì? Nông dân phải sản xuất ra sao?
* TS. Nguyễn Văn Hòa: Để sản xuất rau quả phát triển tốt, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất lớn, hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều, liên tục trong năm; giảm chi phí đầu vào, tinh gọn chuỗi giá trị và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới, độc chiêu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu mang tầm Quốc gia và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế sẽ quyết định đến khả năng cạnh tranh và nâng tầm trái cây Việt Nam trên thế giới. Cụ thể như: Tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ; sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, xây dựng và giữ vững thương hiệu mạnh đại diện cho Quốc gia; giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới…
* PV: Xin cảm ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)