Tranh thủ vận hành lấy nước cống Xuân Hòa khi độ mặn cho phép
Do xâm nhập mặn, đến nay, hầu hết các cống trong khu vực Dự án ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn. Việc vận hành lấy nước của cống Xuân Hòa, cống duy nhất còn lấy nước bổ cấp vào vùng ngọt hóa cũng không ổn định; mực nước kinh nội đồng đang xuống thấp gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất lúa trong vùng. Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi cho biết:
Theo quan trắc của công ty, diễn biến mặn trên sông Tiền thời gian qua rất phức tạp, khó lường và đột biến tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm. So với cùng kỳ năm rồi, năm nay cống Vàm Giồng đóng ngăn mặn sớm hơn 1 tháng (đóng vào đầu tháng 12) nên việc lấy nước tích trữ vào vùng dự án không thể thực hiện được theo kế hoạch.
Từ đó, công ty phải thay đổi kế hoạch là hạn chế xổ xả. Từ đó đến nay toàn vùng hoàn toàn phụ thuộc vào việc lấy nước của cống Xuân Hòa. Đã vậy, từ tháng 12 đến tháng 1, cống Xuân Hòa đã phải đóng ngăn mặn 2 lần do gió bấc, triều cường, điều này chưa từng xảy ra trước đó.
Còn từ 30 Tết đến mùng 2 Tết vừa qua, độ mặn đột ngột tăng cao, cống Xuân Hòa chỉ lấy được một con nước trong ngày. Sau đó, từ mùng 3 Tết đến mùng 5 Tết, công ty phải tổ chức lấy gạn nước qua cửa phẳng A3 của cống này để cố gắng duy trì mực nước kinh nội đồng. Từ mùng 5 Tết đến giờ, cống Xuân Hòa đã vận hành lấy nước trở lại nhưng lượng nước lấy cũng rất hạn chế.
* Phóng viên (PV): Vậy từ những diễn biến trên, tình hình nước nội đồng trong vùng ngọt hóa hiện nay như thế nào, thưa ông?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Do cống Vàm Giồng đóng ngăn mặn quá sớm nên mực nước nội đồng năm nay thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu nước đang tăng cao dẫn đến mực nước nội đồng xuống thấp. Đặc biệt, thời điểm trong Tết Nguyên đán, độ mặn tăng cao, cống Xuân Hòa lấy nước rất hạn chế trong khi nhu cầu nước trong vùng tăng cao đã đẩy mực nước nội đồng xuống rất nhanh.
Cụ thể, trước Tết Nguyên đán, nước nội đồng ở mức 0,6 - 0,75 m thì đến nay xuống còn 0,46 - 0,6 m. Những ngày qua, độ mặn giảm, công ty tranh thủ lấy nước qua cống Xuân Hòa nhưng vẫn không thể nâng được mực nước nội đồng lên.
* PV: Với diễn biến này, nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân ở vùng ngọt hóa Gò Công trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Theo thống kê, hiện nay, diện tích lúa còn sử dụng nước khoảng 25.000 ha. Dự kiến đến ngày 10 - 3, toàn vùng sẽ có trên 10.000 ha cắt nước. Và đến ngày 20 - 3, toàn vùng còn khoảng 4.000 ha còn sử dụng nước, tập trung ở các xã: Tân Phước, Gia Thuận (Gò Công Đông), Bình Xuân (TX. Gò Công), Đồng Sơn (Gò Công Tây).
Dù hiện nay độ mặn giảm, cống Xuân Hòa đã lấy nước trở lại nhưng đỉnh triều thấp, mặn áp sát nên cống vận hành lấy nước không ổn định, thời gian lấy nước của cống cũng rất ngắn trong khi trong vùng còn trên 25.000 ha lúa đang sử dụng nước nên tình hình nước cho sản xuất đang khó khăn hơn.
Với mực nước nội đồng như thế này, một số kinh sườn thiếu nước, một số diện tích xa nguồn người dân đã phải bơm chuyền. Và nếu đúng như dự kiến, cống Xuân Hòa chính thức đóng ngăn mặn vào ngày 10 - 3, khi đó toàn vùng còn trên 10.000 ha lúa còn sử dụng nước, khi đó nước phục vụ cho các diện tích lúa còn lại sẽ rất căng thẳng.
Cống Xuân Hòa, cống duy nhất còn lấy nước vào vùng Ngọt hóa Gò Công. |
* PV: Vậy, công ty đã và đang triển khai các giải pháp ứng phó gì để đảm bảo nước sản xuất ở vùng dự án trong thời gian tới?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Công ty đã bố trí gấp đôi lực lượng tại cống Xuân Hòa để tập trung, tranh thủ lấy nước qua cống này ngay khi điều kiện độ mặn cho phép, kể cả lấy gạn nước qua cửa phẳng A3 để duy trì, nâng mực nước đồng đảm bảo phục vụ trà lúa đông xuân 2014 - 2015 và nước sinh hoạt cho người dân vùng ngọt hóa Gò Công.
Công ty tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn nước, quan trắc mặn trên sông để tranh thủ lấy nước khi điều kiện cho phép; kiểm tra mặn phía sau các cống để ngăn chặn mặn xâm nhập vào nội đồng; nạo vét kinh mương, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục chính để tăng khả năng đưa nước đến những khu vực xa nguồn, hạn chế xổ xả.
Mặt khác, công ty cập nhật, thông báo diễn biến mặn, mực nước, vận hành các công trình cống trong Dự án ngọt hóa Gò Công và Bảo Định hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các ngành chức năng để khuyến cáo cho nhân dân chủ động sản xuất và có kế hoạch trữ nước.
* PV: Ông có đề xuất, khuyến cáo gì đến các cơ quan chức năng, địa phương và nhân dân trong vùng không?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Công ty đề nghị các địa phương nào chưa triển khai thì triển khai ngay kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, đặc biệt là tổ chức bơm trữ nước, bơm chuyền để bảo đảm nước phục vụ cho lúa; tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ gìn vệ sinh nguồn nước; không nên đăng, đặt đó, vó, chà trên kinh gây cản trở dòng chảy.
Hiện nay, chất lượng nước tương đối xấu, bị nhiễm mặn cao, không tốt cho một số cây rau, màu phát triển, bà con cần cẩn thận trong việc sử dụng nguồn nước này để tưới rau, màu; không nên tiếp tục xuống giống rau, màu.
Mặt khác, dù độ mặn hiện nay không ảnh hưởng đến lúa đông xuân nhưng với độ mặn này đưa lên ruộng lâu ngày sẽ tích lũy phèn, mặn trong đất rất nguy hiểm cho cây lúa giai đoạn mạ ở vụ sau. Vì thế, bà con không nên nóng vội xuống giống vụ hè thu tới mà cần phải làm đất, xổ xả, tháo rửa đồng ruộng thật kỹ trước khi xuống giống vụ mới.
* PV: Xin cảm ơn ông!
N.VĂN (thực hiện)