Cần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử
Công tác cải cách tư pháp (CCTP) của tỉnh nhà năm 2014 được đánh giá có nhiều khởi sắc, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại.
Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về CCTP, Tiến sĩ (TS) Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết:
Công tác CCTP ở tỉnh ta thời gian qua có nhiều khởi sắc, các cơ quan tư pháp đã khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Tình trạng án tồn quá hạn luật định, việc lạm dụng bắt khẩn cấp, tạm giam, tạm giữ, xét xử, thi hành án không đảm bảo quy định pháp luật được khắc phục đáng kể.
Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được kiện toàn về tổ chức, xây dựng được đội ngũ cán bộ trưởng thành về bản lĩnh chính trị, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ; chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền được nâng lên.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực tư pháp bước đầu đạt kết quả khá tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác CCTP được chú trọng, trong đó có xây mới, sửa chữa và nâng cấp một số trụ sở.
Song bên cạnh đó, công tác CCTP vẫn còn những hạn chế như: Việc triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ CCTP vẫn còn thiếu đồng bộ; việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp còn khó khăn; công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP chưa rộng khắp, chưa tương xứng với tầm quan trọng và tính chất của công cuộc CCTP hiện nay.
* Phóng viên: Được biết, trong năm 2014, án hình sự có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
* TS. Lê Hồng Quang: Các cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngành Công an (CA) đã chủ động mở 3 đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và triển khai 13 kế hoạch chuyên đề để xử lý, giải quyết tình hình trật tự xã hội, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp.
Mặc dù tình hình tội phạm về trật tự xã hội có giảm (tội phạm hình sự giảm 2,8% so với năm 2013) nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng tăng, tính chất nghiêm trọng hơn như: Giết người cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, trong đó tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng.
Về tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nổi lên là việc lợi dụng các phương tiện, thiết bị viễn thông, mạng xã hội… để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, việc phát động phong trào Toàn dân phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở một số nơi có biểu hiện thiếu quan tâm và cho đây là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách.
Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ như sau:
+ Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ngành CA triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, không để xảy ra tình hình phức tạp gây dư luận xấu.
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức và nhân dân nâng cao nhận thức đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên về trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân phát sinh tội phạm cố ý gây thương tích, giết người do mâu thuẫn. Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội.
+ Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, các tụ điểm xã hội, tệ nạn xã hội. Kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, phấn đấu giảm từ 3 - 5% số vụ tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2014.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Tăng cường công tác đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.
Củng cố toàn diện lực lượng CA cấp xã; tiếp tục thực hiện Đề án bố trí lực lượng CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA cấp xã ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
* Phóng viên: Dư luận cho rằng, trong những nguyên nhân chủ quan của kết quả thi hành án dân sự (THADS) thấp là do năng lực của một số cán bộ, có hiện tượng “bao che, không khách quan đối với đối tượng thi hành án”. Ông có nhận xét gì về việc này và giải pháp nào để nâng cao tỷ lệ THADS?
* TS. Lê Hồng Quang: Công tác THADS là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, vì thực tế lượng án tồn đọng hàng năm còn nhiều. Lượng án thụ lý thi hành tăng cả về vụ việc và số tiền. Trong năm 2014, bình quân một chấp hành viên phải thi hành 439 việc.
Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành hiện chưa đồng đều, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý ngại khó, ngại đụng chạm, làm việc cầm chừng, chưa tích cực trong công tác; việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ; công tác xác minh, phân loại và xử lý án chưa chính xác, kịp thời theo quy định.
Một số chấp hành viên chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp thực hiện kế hoạch, xử lý đối với từng loại án mà chỉ chú trọng giải quyết loại án mới thụ lý, án có khiếu nại hoặc án thi hành theo đơn yêu cầu; chưa mạnh dạn áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp người phải thi hành án có tài sản giá trị lớn hơn nhiều lần số tiền phải thi hành…
Còn hiện tượng “bao che, không khách quan đối với đối tượng thi hành án” có phản ánh của người dân, tuy nhiên chưa phát hiện và chưa có căn cứ để xử lý.
Về giải pháp để nâng cao tỷ lệ THADS trong thời gian tới:
+ Các Ban Chỉ đạo THADS, các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác thi hành án và các ngành hữu quan cần quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án. Có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chuyên môn có liên quan và chính quyền địa phương… Chỉ đạo, phân công cán bộ ngành mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS theo quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án.
+ Các Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện phải duy trì tốt chế độ sinh hoạt theo quy chế hoạt động đã đề ra nhằm tăng cường chỉ đạo, giúp cơ quan THADS kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong công tác thi hành án, nhất là đối với những vụ án phức tạp kéo dài khó tổ chức thi hành.
Lãnh đạo Cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện thường xuyên kiểm tra chặt chẽ số án có điều kiện nhưng chưa được tổ chức thi hành để tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm trong khoảng thời gian nhất định, khắc phục tình trạng để tồn đọng, kéo dài như thời gian qua.
+ HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thị, thành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp để kịp thời phát hiện những mặt còn tồn tại, vi phạm trong công tác thi hành án, qua đó kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục sửa chữa; đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền có những biện pháp chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong tỉnh.
* Phóng viên: Trong thời gian tới, để hoạt động CCTP đạt hiệu quả như yêu cầu đặt ra, Ban Chỉ đạo (CCTP) tỉnh nhà cần có những việc làm gì, thưa ông?
* TS. Lê Hồng Quang: CCTP phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng nhằm bảo đảm Chiến lược CCTP được thực hiện đúng định hướng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.
Đảng lãnh đạo thực hiện đường lối CCTP theo đúng pháp luật nhưng không can thiệp sâu vào các hoạt động tác nghiệp của CCTP, để vừa tôn trọng tính độc lập của cơ quan tư pháp nhưng đồng thời cũng không buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện CCTP đã dẫn tới nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp và kèm theo đó là thay đổi về nhân sự, môi trường công tác, chuyển đổi những vị trí công tác. Trọng tâm của CCTP là nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án.
Để hoạt động CCTP đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo tỉnh về CCTP tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể:
+ Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược CCTP đến năm 2020 và tăng cường công tác kiểm tra công tác CCTP cấp huyện, thành, thị.
+ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và đổi mới tổ chức, hoạt động tư pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện các nhiệm vụ CCTP; nâng cao sự hiểu biết của người dân đối với chủ trương, nhiệm vụ CCTP, hoạt động tư pháp.
Bổ sung, hoàn chỉnh chương trình, kế hoạch để tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP phù hợp, sát hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng ngành, từng địa phương; xác định rõ lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm.
+ Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; khắc phục tình trạng án tồn đọng quá hạn luật định; có giải pháp làm rõ nguyên nhân án bị hủy, cải sửa, nhất là án dân sự do lỗi của thẩm phán và hội đồng xét xử; đấu tranh phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
+ Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của hệ thống tòa án nhân dân, trong đó chú trọng bảo đảm quyền dân chủ của các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa, xem đây là khâu đột phá của CCTP; đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp thụ lý và giải quyết các vụ án; đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động để chủ trương “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” thực sự trở thành điểm nhấn trong CCTP.
+ Tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng ở các cơ quan tư pháp trong xây dựng nội bộ và hoạt động chuyên môn; sắp xếp kiện toàn tổ chức các cơ quan tư pháp, phân công cán bộ phù hợp theo lộ trình CCTP.
Xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp thật sự trong sạch vững mạnh, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, nhất là cán bộ có chức danh pháp lý. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các cơ quan tư pháp, tạo chuyển biến tích cực trong việc đảng viên, cán bộ, công chức rèn luyện đạo đức, lối sống.
+ Phân công các thành viên Ban Chỉ đạo CCTP phụ trách các đơn vị, huyện, thành, thị để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp.
+ Giao Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về CCTP làm người phát ngôn của Ban Chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tư pháp và CCTP thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo.
* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
PHÙNG LONG (thực hiện)