Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Tiền Giang, cộng tác viên (CTV) Báo Ấp Bắc đã thực hiện phỏng vấn ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch hội về xây dựng và hoạt động của hội 10 năm qua.
* CTV: Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, ông giới thiệu đôi nét về tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh?
* Ông Lê Quốc Bảo: Hậu quả của chất độc hóa học trên đất nước ta đã làm cho hơn 3 triệu người trở thành nạn nhân; riêng tỉnh ta đến nay đã có 10.167 nạn nhân chất độc da cam. Đa số họ là người nghèo, không có điều kiện học hành, mang nhiều bệnh tật.
Có thể nói, họ là những người chịu nhiều đau đớn cả thể xác và tinh thần. Họ muốn đấu tranh để đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại. Họ muốn có chỗ dựa để giúp họ trong thực hiện các mối quan hệ, bảo vệ quyền lợi cho họ. Nói chung là giúp họ cả về vật chất và tinh thần. Hội Nạn nhân chất độc da cam ra đời từ nhu cầu đó.
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Tiền Giang được thành lập ngày 21-4-2005. Hiện nay có 10 tổ chức hội cấp huyện (TX. Cai Lậy chưa thành lập); 152 tổ chức hội cấp xã; 409 chi hội ấp, khu phố, với tổng cộng 9.866 hội viên.
* CTV: 10 năm qua, hội đã làm gì để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân?
* Ông Lê Quốc Bảo: Việc chăm lo đời sống cho nạn nhân là nhiệm vụ hàng đầu, cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất của các cấp hội. Trong phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ và trong nghị quyết của chi bộ hay trong kế hoạch hàng năm, chúng tôi đều đưa ra chỉ tiêu cụ thể về công tác này. Thông qua các chương trình như:
Vượt khó cùng ANCO (từ năm 2011 - 2013); trao học bổng, nhận đỡ đầu (do Hội Việt kiều Pháp tài trợ từ năm 2010 đến nay); nhận nuôi dưỡng thường xuyên (các nhà từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ thông qua các cơ sở thờ tự ở tỉnh từ năm 2014 đến nay); Chương trình vận động xây dựng nhà tình thương, tặng xe lăn, trợ cấp khó khăn, tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí…
Mặt khác, thông qua vận động trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; thông qua thư ngỏ, tuyên truyền trên báo, đài… Kết quả, 10 năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã vận động, giúp đỡ nạn nhân xây dựng mới 327 ngôi nhà; trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho trên 400 hộ; tặng 558 xe lăn, xe lắc; trao học bổng, đỡ đầu 110 lượt em; đang nuôi dưỡng thường xuyên 103 em; trợ cấp khó khăn đột xuất 3.386 suất; tặng 51.104 suất quà; khám bệnh và cấp thuốc cho 6.651 lượt nạn nhân… Tổng số tiền mặt và vật chất mà hội đã vận động giúp đỡ nạn nhân trong 10 năm qua là 33,95 tỷ đồng.
* CTV: Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân vẫn còn rất khó khăn và còn một số nạn nhân là dân thường bị nhiễm chất độc này chưa được hưởng chế độ hỗ trợ. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
* Ông Lê Quốc Bảo: Đúng vậy, hiện nay toàn tỉnh có 10.167 nạn nhân, trong đó chỉ có 1.489 nạn nhân hưởng trợ cấp theo Nghị định 31 của Chính phủ về thực hiện chế độ ưu đãi người có công; 7.542 nạn nhân hưởng trợ cấp theo Nghị định 13 của Chính phủ (Nghị định 13/2010 sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2007), là chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, mức trợ cấp hạn chế; còn lại 1.136 nạn nhân chưa được trợ cấp, vì chưa đủ tỷ lệ bệnh tật theo quy định. Cứ nhìn vào các con số này thì biết gia đình nạn nhân chất độc da cam còn khó khăn như thế nào.
* CTV: Hướng tới hội sẽ làm gì để giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, thưa ông?
* Ông Lê Quốc Bảo: Cứ nhà có 1 nạn nhân bị bệnh tật nặng thì phải mất 1 lao động để trông coi, chăm sóc; chưa nói nhiều nhà có tới 2 - 3 nạn nhân. Mình xây cho họ ngôi nhà, cho họ “cần câu” (trợ vốn sản xuất, kinh doanh nhỏ) nhưng chưa chắc họ có sức để mà “câu”.
Những gia đình khổ quá thì mình phải vận động đỡ đầu, vận động nhận nuôi dưỡng thường xuyên, vận động y - bác sĩ nhận chăm sóc sức khỏe tại nhà… Hướng tới, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện các chương trình có tính bền vững, giúp đỡ lâu dài để nạn nhân giảm bớt khó khăn. Trước mắt, năm 2015 hội phấn đấu vận động đạt chỉ tiêu từ 5 - 6 tỷ đồng.
* CTV: Vận động 5 - 6 tỷ đồng/năm không phải là ít. Để làm được điều đó, hội có khó khăn gì không?
* Ông Lê Quốc Bảo: Khó nhiều chứ. Khó lớn nhất của chúng tôi là kinh phí hoạt động và chế độ cho cán bộ chuyên trách hội ở cơ sở. Hiện nay, chỉ có 20 hội cơ sở của huyện Châu Thành là được công nhận đặc thù, nghĩa là hội được cấp kinh phí hoạt động, cán bộ chuyên trách được trả thù lao; còn lại thì tùy vào sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ sở.
Có nơi được cấp mỗi năm vài triệu đồng để hội hoạt động, có nơi không có đồng nào; cán bộ hội không có thù lao, mà có khi còn phải bỏ tiền túi ra để chi phí công tác. Đành rằng có thương nạn nhân, có lòng thiện nguyện thì người ta mới tự nguyện gánh vác công việc của hội, nhưng nếu không được quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho hội hoạt động thì khó tránh được biểu hiện mệt mỏi, sa sút nhiệt tình.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập hội, tôi kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội - từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hãy thể hiện tinh thần “lá lành đùm là rách”, đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam của tỉnh để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp các nạn nhân giảm bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
* CTV: Xin cảm ơn ông!
NHÃ NHƯỜNG (thực hiện)