Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các HTX
Phong trào phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh (SXKD), tự chủ trong hoạt động, khắc phục khó khăn, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút thêm hàng ngàn lao động. Nhân Ngày HTX Việt Nam 11-4, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đánh giá:
Qua hoạt động thực tế kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, các tổ hợp tác, HTX đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cấp ủy, chính quyền các cấp có quan tâm hơn đến phong trào KTTT ở địa phương, xem việc củng cố, phát triển KTTT là một tiêu chí không thể thiếu trong việc xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động.
Các HTX có nhiều nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát huy được quyền bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong SXKD, tích cực tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết tốt việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Liên minh HTX tỉnh cũng đã tích cực, chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, luôn đồng hành với những khó khăn của HTX, cùng với HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị các ngành chức năng giải quyết. Các sở, ngành tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho HTX hoạt động.
* Phóng viên (PV): Trong lĩnh vực KTTT vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần phải được các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ?
* Ông Nguyễn Văn Hồng: Tất nhiên là KTTT vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của một bộ phận cán bộ cơ sở và nhân dân chưa đầy đủ, mặt khác một số HTX khi thành lập chưa hội đủ các điều kiện để hoạt động (thiếu nhân sự, không huy động đủ vốn cổ phần theo điều lệ, thiếu cơ sở vật chất để hoạt động…).
Tư tưởng còn trông chờ vào sự hổ trợ của Nhà nước, xã viên vào HTX để được hưởng các chính sách ưu đãi; từ đó khi tham gia không thấy hết nghĩa vụ và trách nhiệm đối với HTX, phó mặc cho Ban quản lý; quyền lợi của HTX đem lại cho xã viên chưa nhiều, nên xã viên chưa gắn bó với HTX.
Dây chuyền chế biến thức ăn của HTX Chế biến thức ăn gia súc Bình Minh. |
Cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX đa số xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn, chuyên môn thấp, hoạt động bằng tâm huyết, nhiệt tình và kinh nghiệm thực tiễn nên thiếu năng động, nhạy bén trong SXKD, thiếu tầm nhìn chiến lược để định hướng SXKD lâu dài, việc tìm hiểu nắm bắt nhu cầu thị trường ít được quan tâm.
Đa số các HTX, nhất là HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, nên khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống nên hiệu quả chưa cao, lợi ích mang lại cho xã viên chưa nhiều và chưa đủ khả năng tích lũy nội bộ để tái đầu tư phát triển; không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước do không có tài sản thế chấp.
Công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của các HTX chưa được Ban quản trị các HTX chú trọng nên việc ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong việc thực hiện chính sách thuế đối với các HTX. Chưa kể, một số chính sách về KTTT chưa được các ngành, các cấp thực hiện kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là chính sách đất đai, thuế, tín dụng…
* PV: Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế, yếu kém đối với mô hình KTTT?
* Ông Nguyễn Văn Hồng: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế, yếu kém đối với mô hình KTTT là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của KTTT trong cơ chế mới nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; có nơi can thiệp quá sâu vào hoạt động SXKD của HTX hoặc buông lỏng quản lý đối với HTX dẫn đến nhiều HTX yếu kém, ngưng hoạt động nhiều năm liền, nhưng địa phương không có biện pháp củng cố hoặc giải thể.
Quản lý Nhà nước về KTTT còn nhiều hạn chế; các ngành tỉnh, huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách về KTTT theo Quyết định 272 ngày 31-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh và Ban chỉ đạo về Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT chưa thường xuyên; những khó khăn, vướng mắc của các HTX chưa được tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Một vài HTX, việc tuân thủ các nguyên tắc, giá trị HTX, tuân thủ các quy định về góp vốn, hạch toán kế toán và đại hội thường niên chưa được bảo đảm.
Xã viên HTX Quang Minh đang lao động sản xuất. |
* PV: Để giúp cho KTTT ngày càng phát triển ổn định cần phải tập trung giải pháp gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Hồng: Để KTTT ngày càng phát triển ổn định, cần tập trung một số giải pháp: Trước mắt Ban chỉ đạo Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT, các cấp cần khảo sát, phân loại, đánh giá đúng thực trạng các HTX, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các HTX.
Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các HTX hoạt động có hiệu quả. Hướng dẫn các HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đối với các HTX yếu kém không còn khả năng củng cố, nên giải thể để thành lập mới các loại hình kinh tế hợp tác đa dạng, phù hợp hơn theo nhu cầu của kinh tế hộ và đặc điểm của từng địa phương.
Nhà nước cần bổ sung, ban hành một số chính sách và thực hiện các giải pháp mang tính hỗ trợ về kinh tế, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển như: Nhà nước cần có chính sách để thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác lâu dài ở các HTX (nhất là HTX nông nghiệp) nhằm tăng cường năng lực hoạt động của các HTX, đáp ứng yêu cầu phát triển KTTT trong tình hình hiện nay.
Nhà nước cần có chính sách giao đất hoặc cho thuê ưu đãi, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng SXKD, nâng cao hiệu quả hoạt động; ngành Thuế cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên các HTX thực hiện việc hạch toán kế toán, chứng từ, hóa đơn đúng quy định nhằm tránh tình trạng để một thời gian dài mới kiểm tra, khi phát hiện sai sót thì truy thu số tiền quá lớn dẫn đến HTX không khả năng nộp, phải xử lý kỷ luật hoặc giải thể HTX; đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách cho Liên minh HTX thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhằm giúp các HTX hoạt động.
Đối với Liên minh HTX, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn các HTX hoạt động tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo Luật HTX và Điều lệ HTX; hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển đối với các HTX hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu hàng hóa và có uy tín trên thị trường, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho xã viên; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ HTX như mở các lớp trung cấp kế toán, các lớp chuyên ngành quản lý HTX…
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
DOANH THU ĐẠT 1.640 TỶ ĐỒNG Trong năm 2014, toàn tỉnh đã thành lập mới 18 tổ hợp tác, 2 HTX. Hiện nay toàn tỉnh có 1.452 tổ hợp tác, 99 HTX và 1 Liên hiệp HTX. Tổng giá trị tài sản, vốn, quỹ của các HTX là 1.470 tỷ đồng. Doanh thu khu vực KTTT đạt hơn 1.640 tỷ đồng, nộp thuế 8,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 24 tỷ đồng, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài ra, các HTX còn đóng góp vào các hoạt động xã hội, từ thiện 536 triệu đồng và đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn 150 triệu đồng. Đến nay, đã có 10 nhãn hiệu đặc sản nông nghiệp của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ độc quyền như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi lông Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp, dưa Gò Công, gạo Mỹ Thành, sơ ri Gò Công. Nổi bật, có một số HTX nông nghiệp SXKD tổng hợp như: HTX Bình Tây, HTX Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), HTX Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho)… hoạt động có hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn… Ngày 12-11-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 257 nhằm đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Kế hoạch của UBND tỉnh đã đưa ra những mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, giai đoạn 2015 - 2016 là phải có 100% HTX, tổ hợp tác ở 30 xã xây dựng nông thôn mới được thành lập và hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; 100% HTX hoạt động hiệu quả được rà soát hướng dẫn và tổ chức đăng ký chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Còn trong giai đoạn 2017 - 2020, 100% HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, bảo đảm 50% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; 70% HTX nông nghiệp hoạt động SXKD khá, tốt; xây dựng 4 mô hình kinh tế hợp tác trong thực hiện liên kết sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… |