Tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp hội) là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học - công nghệ (KH-CN) tỉnh, qua 10 năm hoạt động, Liên hiệp hội và các Hội thành viên đã có bước chuyển biến mạnh, là cầu nối tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức KH-CN phát huy trí tuệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Diệu, Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên hiệp hội xung quanh những kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp hội trao bằng khen cho tác giả tại cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2008. |
* PV: Qua 10 năm xây dựng và phát triển, công tác tổ chức của Liên hiệp hội hiện nay như thế nào, thưa ông?
* Ông Trần Hoàng Diệu: Ngày 27-2-2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định 441/QĐ-UB cho phép thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang. Tháng 5-2005, Đại hội Liên hiệp hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2005 - 2009 được tiến hành. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành (BCH) với 36 ủy viên, Ban Thường vụ với 13 ủy viên. Đến cuối nhiệm kỳ, BCH tăng thêm 4 ủy viên. Liên hiệp hội có Đảng đoàn, chi bộ, công đoàn cơ sở.
Cuối năm 2008, Liên hiệp hội thành lập 2 bộ phận chuyên môn, gồm: Ban Khoa học công nghệ - Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Ban Thông tin - Phổ biến kiến thức và hội thành viên. Thường trực Liên hiệp hội có Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Từ tháng 10-2009, Liên hiệp hội có trụ sở làm việc tại địa chỉ số 27/9 Nguyễn An Ninh, phường 8, TP. Mỹ Tho.
Đầu nhiệm kỳ II (2009 - 2014), BCH có 54 ủy viên, gồm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch. Từ 10 Hội thành viên ban đầu, đến nay Liên hiệp hội có 26 Hội thành viên và 7 đơn vị liên kết (tăng 16 Hội thành viên và 7 đơn vị liên kết) với tổng số 101.100 hội viên (tăng 61.004 hội viên).
Liên hiệp hội hiện đã kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động theo Đề án của Liên hiệp hội Việt Nam được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm: Văn phòng và 2 Ban chuyên môn trực thuộc. Bộ máy có Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch hưởng chế độ phụ cấp định suất và 9 biên chế.
* PV: Trong thời gian qua, Liên hiệp hội đã tổ chức nhiều lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, xin ông cho biết những kết quả đạt được?
* Ông Trần Hoàng Diệu: Từ năm 2009 đến nay, Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thường trực Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) lần thứ 7, 8, 9, 10 và hiện nay đang tổ chức hội thi lần thứ 11 (2014 - 2015). Kết quả qua 5 lần tổ chức đã tiếp nhận 385 giải pháp dự thi, có 77 giải pháp đạt giải thưởng cấp tỉnh, 1giải pháp đạt giải Nhất cấp Quốc gia.
Tham dự hội thi có nhiều thành phần từ cán bộ, công chức, kỹ sư, bác sĩ, người làm công tác chuyên môn đến nông dân, nhiều giải pháp đạt giải được ứng dụng vào sản xuất, đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: Máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu, kéo cắt cành, máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp...
Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (cuộc thi) ngày càng đi vào chiều sâu, có nhiều sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn lao động, học tập. Từ năm 2008 đến nay, Liên hiệp hội đã 8 lần tổ chức cuộc thi, hàng năm có trên 350 mô hình, sản phẩm dự thi của các tác giả trong độ tuổi từ 6 - 19…
* PV: Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và giám định (TV, PB, GĐXH) là nhiệm vụ quan trọng, vậy kết quả thực hiện của Liên hiệp hội thời gian qua ra sao, thưa ông?
* Ông Trần Hoàng Diệu: Đây là công việc khó. Hoạt động TV, PB, GĐXH của Liên hiệp hội không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính xã hội, độc lập, khách quan, phi lợi nhuận; là một hoạt động phức tạp cần nhiều điều kiện mới thực hiện đạt kết quả tốt.
Từ năm 2011 đến nay, Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao phản biện độc lập 5 đề án, gồm: “Đầu tư phát triển cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2015”; Dự án: “Đầu tư xây dựng công trình trường Trung cấp bách khoa Gò Công, tỉnh Tiền Giang”; Dự án: “Đầu tư công trình gây bồi đoạn xung yếu đê biển Gò Công”; Dự án: “Bảo vệ vườn cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long” và Đồ án: “Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương giao Liên hiệp hội phản biện dự án: Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; Khu thực nghiệm Công nghệ sinh học, tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng.
Trưng bày sản phẩm của Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2008. |
Liên hiệp hội còn tham gia các Hội đồng thẩm định, xét duyệt, nghiệm thu hơn 250 đề tài, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện do các sở, ngành mời và đóng góp ý kiến nhiều dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mời.
Ngoài ra, các hội thành viên cũng có nhiều hoạt động TV, PB theo chuyên môn của từng ngành, đây là tín hiệu tốt để Liên hiệp hội phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, các hội thành viên tham gia thực hiện công tác TV, PB, GĐXH của Liên hiệp hội tỉnh.
Để thực hiện tốt hơn công tác này, Liên hiệp hội dự thảo Quy định TV, PB, GĐXH theo Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ trình UBND tỉnh phê duyệt; lập danh sách các chuyên gia, cán bộ KH-CN trong tỉnh có trình độ chuyên sâu thuộc các chuyên ngành để chủ động mời tham gia; đồng thời khi Liên hiệp hội Việt Nam cần phối hợp, tỉnh sẽ chủ động hơn khi tham gia phản biện…
* PV: Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội trong thời gian tới là gì, thưa ông?
* Ông Trần Hoàng Diệu: Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Liên hiệp hội tiếp tục tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về củng cố, phát triển tổ chức Liên hiệp hội; đoàn kết, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH-CN nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội và các Hội thành viên, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động KH-CN, một hoạt động có tác động mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương; hoạt động phổ biến kiến thức KH-CN có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội; hoạt động tư vấn - phản biện và giám định xã hội thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong thực hiện các Đề án kinh tế - xã hội.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2005 - 2015), chào mừng ngày KH-CN Việt Nam 18-5, cho phép tôi thay mặt Ban Thường vụ Liên hiệp hội kính chúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sở, ngành cùng toàn thể cán bộ, hội viên trong hệ thống Liên hiệp hội tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sắp tới, góp phần phát triển tổ chức và hoạt động Liên hiệp hội Tiền Giang vững mạnh.
* PV: Xin cảm ơn ông!
ÁNH TUYẾT (thực hiện)