Thứ Sáu, 10/07/2015, 15:28 (GMT+7)
.

Ông Nguyễn Hữu Đệ: Cần khảo sát độc lập, trao đổi trực tiếp với DN

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong Kế hoạch 122 ngày 5-6-2015 của UBND tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết 19 ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, cải thiện PCI không phải là điều đơn giản. Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Nguyễn Hữu Đệ, Trưởng Văn phòng đại diện VCCI Tiền Giang, chia sẻ:

Trước tiên chúng ta cần nhìn nhận PCI 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến, nên nhìn chung các địa phương có chỉ số PCI 2014 cao thì điểm số cũng tăng lên.

Riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều ngược lại. Suốt thời gian vừa qua, PCI của các tỉnh, thành ĐBSCL liên tục nằm trong top cao của 6 vùng kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, PCI 2014 của ĐBSCL có chựng lại và sụt giảm. Điều đó cho thấy, điều kiện kinh tế của ĐBSCL gặp không ít khó khăn; trong đó có những sản phẩm chính như lúa gạo, thủy sản (nhiều nhất là cá tra, rau quả) thời gian gần đây tiếp tục gặp khó khăn.

Điều này cũng ảnh hưởng chung đến tình hình kinh tế của khu vực; chỉ số PCI của các tỉnh, thành trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những tỉnh có chỉ số PCI cao trong năm 2014 là những tỉnh có sự kiên trì trong thời gian qua, chẳng hạn như: Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Tuy nhiên, Cà Mau bị rớt điểm rất sâu, đứng hạng 58 so với cả nước và đứng hạng 13/13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL; còn Tiền Giang chỉ xếp trên Cà Mau và đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước.

* Phóng viên: Ông có thể phân tích một cách cụ thể hơn?

* Ông Nguyễn Hữu Đệ: Những năm qua, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL có một số chỉ số tốt như tính năng động, chi phí thời gian, tính minh bạch; còn các điểm yếu thường rơi vào đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Riêng 2 năm gần đây, chỉ số kinh doanh bình đẳng của Tiền Giang đứng hạng 13/13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Còn trong tổng thể, liên tục những năm gần đây PCI của Tiền Giang đều có điểm số tương đối thấp. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 năm gần đây của Tiền Giang lại tăng. Đây là điều hơi khác so với các tỉnh, thành khác. Bởi thông thường khi chỉ số PCI tốt sẽ thu hút đầu tư tốt.

Chính nghịch lý như thế nếu Tiền Giang không có giải pháp cải thiện kịp thời sẽ ảnh hưởng chỉ số PCI những năm tiếp theo. Bởi nếu không có giải pháp cải thiện kịp thời sẽ xuất hiện sự so sánh giữa doanh nghiệp (DN) FDI và DN vừa và nhỏ; xuất hiện tâm lý tỉnh ưu đãi cho DN FDI hoặc DN lớn. Khi khảo sát PCI, phiếu khảo sát cũng phần nhiều rơi vào DN vừa và nhỏ, bởi ĐBSCL có trên 96% DN vừa và nhỏ.

Cần trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để cải thiện chỉ số PCI của Tiền Giang.
Cần trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để cải thiện chỉ số PCI của Tiền Giang.

* Phóng viên: Như vậy, để cải thiện vị trí xếp hạng PCI, Tiền Giang cần phải làm gì, thưa ông?

* Ông Nguyễn Hữu Đệ: Đối với Tiền Giang cũng cần xem xét đến những kinh nghiệm của các tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt hoặc những tỉnh, thành có sự duy trì điểm số thời gian qua ở phạm vi cả nước cũng như các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Chính quyền cũng cần có nhận thức đúng, quyết tâm cao cũng như có biện pháp để làm thế nào cải thiện chỉ số PCI. Muốn làm được điều này tỉnh cần giao đầu mối theo dõi, phân tích kỹ các chỉ số thành phần khi PCI được công bố hàng năm. Trong 10 chỉ số thành phần có rất nhiều chỉ số con nên cần phân tích kỹ và có những khảo sát độc lập với các DN; có trao đổi trực tiếp với các DN nhằm đưa ra giải pháp cụ thể cải thiện các chỉ số thành phần.

Địa phương cũng nên tổ chức thường kỳ các hội thảo liên quan đến chỉ số PCI. Điều quan trọng là phải thấy được trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thông qua quyết tâm, cam kết đối với các DN.

Điều quan trọng nữa là vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền nhằm tạo ra áp lực cho cấp chính quyền trong việc cải thiện PCI; đồng thời cho DN thấy được các chính sách, cam kết ảnh hưởng đến hoạt động chính mình.

* Phóng viên: Với vai trò của mình, VCCI Tiền Giang sẽ hỗ trợ như thế nào để địa phương cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới?

* Ông Nguyễn Hữu Đệ: Đối với Tiền Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL, VCCI cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, phân tích về chỉ số PCI. Tuy nhiên, để cải thiện chỉ số này cần sự chủ động của địa phương, tỉnh cần có bộ phận theo dõi sát sao chỉ số PCI. Sau khi khảo sát, điều tra các nguyên nhân ảnh hưởng đến PCI cần đề ra giải pháp, chương trình phối hợp thực hiện nhằm quyết liệt cải thiện chỉ số PCI.

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

Phấn đấu đưa PCI Tiền Giang được xếp vào nhóm khá trong năm 2015

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tuân thủ thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các luật chuyên ngành, như:

Thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm, tỷ lệ DN kê khai và nộp thuế điện tử đạt 100%, ít nhất 90% DN được hoàn thuế theo đúng quy định; thực hiện thông quan điện tử, bảo đảm DN được thông quan hàng hóa trong thời hạn không quá 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và không quá 14 ngày đối với nhập khẩu hàng hóa…

Năm 2016, tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của tỉnh về tổng số điểm và xếp hạng trên mức trung bình của nhóm khá, không có chỉ số thành phần bị đánh giá dưới điểm 5/10.

 

.
.
.