Thứ Tư, 26/08/2015, 10:35 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN VĂN HÙNG, GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI:

Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển giao thông - vận tải (GTVT) là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng và GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân…

40 năm qua, ngành GTVT Tiền Giang đã không ngừng phấn đấu, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên (PV): Xin ông cho biết đâu là những “điểm nhấn” của ngành GTVT Tiền Giang trong 40 năm qua?

* Ông Nguyễn Văn Hùng: Theo tôi, đó chính là hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện tương đối hoàn chỉnh với gần 7.000 km và phân bổ đều khắp, hợp lý với trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây.

Thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh được hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó đặc biệt có các tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60.

Các tuyến đường tỉnh đã được xây dựng nâng cấp, mở rộng đã hoàn thành với 430/432 km đường nhựa, các tuyến đường huyện cũng được nhựa hóa, bê tông hóa trên 70%, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới cứng hóa trên 60%.

Đến nay trên địa bàn tỉnh số xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới là 15/144 xã, đạt 15,27%... Theo thống kê, hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh 5 năm qua đã được đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng, góp phần phát huy hiệu quả lợi thế địa lý tự nhiên, thúc đẩy phát triển thương mại trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bên cạnh đó, các tuyến giao thông thủy như kinh Chợ Gạo, kinh Nguyễn Văn Tiếp là tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa qua lại giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hồ Chí Minh được nạo vét mở rộng, đã đáp ứng nhu cầu vận tải đường thủy, vừa tận dụng được lợi thế thiên nhiên vừa giảm bớt áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách và dịch vụ giao thông công cộng, mặc dù phải chịu áp lực rất lớn từ yêu cầu phát triển KT-XH, nhưng đến nay vẫn bảo đảm tốt và trở thành đòn bẩy cho kinh tế thành phố phát triển. Tính trung bình tốc độ tăng trưởng mỗi năm về hàng hóa đạt gần 5% và hành khách tăng 5%.

* PV: Tuy nhiên, theo nhận định của người dân, GTVT trên địa bàn Tiền Giang vẫn còn gặp những khó khăn và hạn chế. Ông có ý kiến gì về điều này?

* Ông Nguyễn Văn Hùng: Tất nhiên, ngành nào cũng thế, làm sao không có những khó khăn. Riêng ngành Giao thông khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư:

Các dự án đầu tư do bố trí không đủ kinh phí nên kế hoạch triển khai không đồng bộ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, nguồn kinh phí bố trí kế hoạch đầu năm chỉ mới đáp ứng trên dưới 50% yêu cầu kế hoạch của ngành, nên một số công trình phải chuyển tiếp nhiều năm như công trình: ĐT.861, các cầu trên ĐT.864, ĐT.865, đường Lê Văn Phẩm...

7.jpg
Lãnh đạo Chính phủ dự Lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Duy Anh

Ngoài ra, do nguồn kinh phí ngân sách có hạn, nên nhiều dự án phải giảm quy mô so với quy hoạch, phân kỳ đầu tư nhiều năm mới hoàn thành, một số tuyến đường chỉ đầu tư láng nhựa nên chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải với tải trọng và khối lượng lớn… và còn khá nhiều công trình đầu tư chưa đồng bộ tải trọng giữa cầu, đường, làm hạn chế khả năng khai thác. Nguồn vốn bố trí duy tu không đủ, vốn trùng tu rất hạn chế nên công trình đã đầu tư nhanh chóng xuống cấp, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Kế đến là công tác giải phóng mặt bằng ngày càng gặp khó khăn do thiếu sự đồng thuận của nhân dân, do công tác quản lý không chặt chẽ… Công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ hiệu quả không cao, tình trạng lấn chiếm còn xảy ra, chậm xử lý.

Riêng vận tải tuyến cố định, chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc chấn chỉnh tình trạng xe đón trả khách tại các tụ điểm trái phép dưới danh nghĩa vận tải hành khách theo hợp đồng. Về vận tải bằng xe buýt, các xe buýt qua thời gian hoạt động đã xuống cấp.

Đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, một số đơn vị còn đưa xe vào nội ô TP. Mỹ Tho hoạt động theo dạng hợp đồng để vận tải khách (thực chất đây là các xe dù) gây khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động vận tải; đồng thời gây nên tình trạng tranh chấp với các tuyến cố định đang khai thác.

* PV: Ông có thể cho biết định hướng phát triển của ngành GTVT tỉnh nhà trong thời gian tới?

* Ông Nguyễn Văn Hùng: Hiện tỉnh cùng ngành GTVT đang tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh sử dụng bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có các dự án quan trọng như:

Dự án cầu Mỹ Lợi với tổng mức đầu tư 1.439 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ tạo mối giao thông nối liền TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang được thông suốt, tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế ven biển cho 5 huyện, thị phía Đông của tỉnh và của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam;

Dự án Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tuyến tránh qua thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) với kinh phí 1.398 tỷ đồng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực; Dự án Đầu tư nâng cấp cải tạo mở rộng kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2) để giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến đường thủy nội địa cấp Quốc gia, tổng mức đầu tư 2.263 tỷ đồng;

Dự án đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Thực hiện giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ đồng, rút ngắn  thời gian lưu thông, giảm áp lực trên tuyến Quốc lộ 1, công trình dự kiến hoàn thành năm 2018.

Đối với các dự án của địa phương, tỉnh đã hoạch định và tập trung đầu tư các dự án quan trọng từ các khu kinh tế, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu dân cư để kết nối với đường cao tốc và các tuyến Quốc lộ, trong đó có các công trình trọng điểm đang triển khai cũng như kêu gọi đầu tư như: Đường tỉnh 878 vào KCN Đông Nam Tân Phước, đấu nối vào nút giao Thân Cửu Nghĩa của đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương với kinh phí khoảng 985 tỷ đồng;

Đường tỉnh 871B vào các KCN khu vực Gò Công với kinh phí khoảng 780 tỷ đồng; Đường tỉnh 877C (song hành với Quốc lộ 50 ) đoạn Mỹ Tho - Gò Công nối từ đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đến khu kinh tế và KCN phía Đông với kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các dự án giao thông khác theo quy hoạch.

Trong lĩnh vực vận tải, toàn ngành tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng vận tải hành khách theo tuyến cố định, nâng cấp các bến xe theo tiêu chuẩn, tiếp tục phát triển vận tải xe buýt, vận tải taxi đáp ứng yêu cầu phát triển của các đô thị.

Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hình thức liên doanh, liên kết, có giải pháp nâng chất lượng vận tải và khai thác ưu thế của vận tải đường thủy... để tăng năng lực và khả năng cạnh tranh. Phát triển đa dạng các dịch vụ vận tải, bảo đảm nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm chi phí xã hội.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.