Giám đốc Đài KTTV tỉnh: Mùa mưa sẽ kết thúc sớm
Do tác động của hiện tượng El nino, lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện nay, Tiền Giang đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, lũ chính vụ. Vậy diễn biến thời tiết, thủy văn ở khu vực của tỉnh thời gian tới sẽ như thế nào? Trao đổi xung quanh vấn đề trên, ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết:
Mùa mưa năm 2015 bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30 ngày. Từ khi bước vào mùa mưa đến nay, chỉ có lượng mưa trong tháng 7 xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm một ít, những tháng còn lại lượng mưa đều thấp hơn trung bình nhiều năm.
Tính chung đến nay, số liệu ghi nhận được từ các trạm đo cho thấy chỉ có một số nơi lượng mưa đạt xấp xỉ, còn đa số các khu vực còn lại đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 16 - 35%.
Trong đó, đặc biệt tại trạm Cái Bè, tổng lượng mưa đo được trong 3 tháng qua chỉ đạt 350 mm, thấp hơn 35% so với trung bình nhiều năm. Do lượng mưa ít nên nền nhiệt trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa này khá cao.
* Phóng viên (PV): Thời gian tới, thời tiết diễn biến như thế nào, thưa ông?
* Ông Võ Văn Thông: Mọi năm vào thời điểm này, gió mùa Tây Nam hoạt động khá mạnh do tác động từ bão, áp thấp nhiệt đới hay ảnh hưởng của rảnh thấp dắt ngang qua Trung bộ. Năm nay, ngoài một số thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh do tác động của bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, biển Đông, còn lại đa số các thời điểm còn lại gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ dưới mức trung bình và yếu.
Hiện nay, hoạt động của gió mùa Tây Nam đang vào giai đoạn cuối mùa, lại không có những hình thế thời tiết khác như bão, áp thấp nhiệt đới hay rảnh thấp nào tác động nên thời gian tới gió mùa Tây Nam ít có khả năng mạnh lên. Về thời tiết gây mưa, hiện tại, rảnh thấp còn hoạt động ở vĩ độ cao chưa dịch chuyển xuống phía Nam nên thời tiết gây mưa cũng không mạnh.
Trong tháng 9 này, lượng mưa vẫn còn duy trì ở mức xấp xỉ trung bình cùng kỳ nhiều năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12, lượng mưa sẽ giảm dần (thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm) và sẽ kết thúc vào khoảng tuần cuối của tháng 10, sớm hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15 ngày.
* PV: Thời điểm này, lũ chính vụ ở khu vực thượng nguồn sông Cửu Long đang bắt đầu, ông dự báo thế nào về lũ năm nay?
* Ông Võ Văn Thông: Do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, lượng mưa ở thượng nguồn sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm. Vì thế, lượng nước đổ về sông Tiền đến thời điểm này ít hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 10 - 30%.
Theo số liệu quan trắc ngày 30-8, mực nước tại Tân Châu chỉ ở mức 2,16 m. Mực nước sẽ tiếp tục lên đến cuối tháng 9 rồi đạt đỉnh vào đầu tháng 10 ở mức thấp hơn báo động I (báo động I là 3,5 m). Đó là dự báo của ngành, còn theo tôi, khả năng đỉnh lũ năm nay còn thấp hơn, đạt xấp xỉ ở mức 3 m tại Tân Châu.
Còn tại khu vực nội đồng Tây Bắc của tỉnh Tiền Giang bắt đầu chịu ảnh hưởng của mực nước đầu nguồn sông Tiền vào thời kỳ đầu của tháng 10, kết hợp với kỳ triều cường của rằm tháng 9 âm lịch làm cho mực nước trong vùng sẽ lên dần và đạt giá trị cao nhất trong năm từ 1,3 - 1,5 m vào tuần cuối tháng 10. Như vậy, dự báo lũ ở khu vực Tây Bắc của tỉnh năm nay rất thấp (chủ yếu chịu ảnh hưởng của triều).
Đối với vùng hạ lưu sông Tiền, do ảnh hưởng của kỳ triều nên mực nước cao nhất của năm tại Mỹ Tho khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10 ở mức 1,65 - 1,75 m (cao hơn báo động III từ 5 - 15 cm).
* PV: Hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa bão, từ nay đến cuối năm còn bao nhiêu cơn bão, ấp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến khu vực nước ta, Nam bộ và tỉnh ta, thưa ông?
* Ông Võ Văn Thông: Từ đầu năm đến giờ, có 2 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó có 1 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 4 - 5 cơn bão. Theo dự báo của ngành, dưới tác động của El nino, từ nay đến hết năm 2015 và đầu năm 2016, có khả năng xuất hiện từ 6 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta.
Và trong số đó có khả năng xuất hiện những cơn bão cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào các tháng cuối năm (tháng 11 đến tháng 12) ảnh hưởng từ khu vực Nam Trung bộ đến Nam bộ. Còn riêng trong tháng 9 này, dự báo có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão hoạt động trên biển Đông.
Hiện tượng El nino bắt đầu xuất hiện vào tháng 9-2014 và kéo dài đến nay đã làm biến động mạnh thời tiết trên địa bàn tỉnh. Dự báo khả năng hiện tượng này còn có thể kéo dài đến đầu năm 2016. Và nếu thực sự hiện tượng này kéo dài đến đầu năm 2016 thì đây là kỳ El nino kéo dài nhất trong 60 năm qua. |
* PV: Trước các diễn biến thời tiết, thủy văn, ông có khuyến cáo gì đối với chính quyền địa phương và nhân dân?
* Ông Võ Văn Thông: Như tôi đã nói, mực nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, đầu nguồn sông Tiền hiện tại thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%.
Nếu tính từ tháng 5 đến nay, mực nước đo được tại các trạm ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông thấp nhất trong lịch sử cùng kỳ từ 1 - 2 m, khu vực đầu nguồn sông Tiền thấp hơn từ 1,5 - 1,8 m so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.
Từ nay đến cuối năm, mực nước ở những khu vực này vẫn tiếp tục sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm. Như vậy, theo tính toán của ngành, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn đổ về sông Tiền năm nay thiếu hụt hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%.
Từ đó, dự báo khả năng mùa khô năm 2015 - 2016 xâm nhập mặn vào các cửa sông Tiền sẽ sớm, sâu hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2014 - 2015. Do đó, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ rất khó khăn, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh, nhất là khu vực phía Đông cần có kế hoạch chủ động về nguồn nước bảo đảm cho sinh hoạt và sản xuất.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGÔ VĂN (thực hiện)