Ông Nguyễn Thiện Pháp: Chủ động các biện pháp ứng phó với bão, lũ
Tiền Giang đang bước vào cao điểm mùa bão, lũ, triều cường. Trao đổi xung quanh công tác ứng phó với các thiên tai trên, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh cho biết:
Mọi năm đến thời điểm đầu tháng 9, vùng nội đồng Tây Bắc của tỉnh đã xuất hiện lũ nhưng đến thời điểm này mực nước còn rất thấp. Dự báo đầu tháng 10 Tiền Giang mới chịu ảnh hưởng của lũ và cuối tháng đạt đỉnh từ 1,6 - 1,8 m. Với mực nước này, chúng ta không gọi là lũ mà chỉ là nước nổi.
Hiện nay, diện tích lúa trễ vụ thu hoạch sau ngày 15-9 ở khu vực phía Tây vẫn còn rất nhiều nhưng đa số nằm trong đê bao. Song, như dự báo đến đầu tháng 10 lũ mới về nên khả năng những diện tích lúa trễ vụ này sẽ không bị ảnh hưởng.
Quan tâm nhất là có khoảng 800 ha lúa ở huyện Tân Phước thu hoạch sau đầu tháng 10. Dù vậy, do mực nước ở Tân Phước thấp hơn, nước lũ về muộn hơn khu vực Hậu Mỹ Bắc, cộng với những diện tích này nằm trong ô bao nên khả năng cũng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với các ô bao khóm trên địa bàn huyện này, với mực nước trên, kết hợp với mưa nên nhiều khả năng sẽ xảy ra ngập úng, địa phương cần chủ động máy bơm để tiêu úng. Đặc biệt, trên địa bàn các huyện, thị phía Tây đang xảy ra nhiều điểm sạt lở xung yếu. Tỉnh và huyện cũng đã có giải pháp và kinh phí xử lý theo hướng tỉnh hỗ trợ xử lý các điểm lớn, địa phương xử lý các điểm nhỏ.
* Phóng viên (PV): Tuy lũ thấp nhưng những năm gần đây triều cường kết hợp với lũ diễn biến khá phức tạp ở khu vực ven sông Tiền, BCH PCTT&TKCN tỉnh có kế hoạch ứng phó như thế nào đối với vấn đề này?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Lũ ở Tiền Giang đi theo 2 hướng: Từ Long An, Đồng Tháp tràn vào khu vực Tây Bắc của tỉnh và theo dòng chính sông Tiền hợp lại nhau hình thành nên vùng ảnh hưởng triều cường, lũ - triều và lũ. Những năm gần đây, tuy không có lũ tràn về từ Long An, Đồng Tháp vào khu vực Tây Bắc của tỉnh (trừ lũ năm 2011) nhưng lũ kết hợp với kỳ triều cường diễn biến rất phức tạp đối với khu vực ven sông Tiền, kinh trục ngang, gây sạt lở ở các cù lao.
Hiện nay, tỉnh và huyện đang xúc tiến đắp 4 đập thép ở phía Nam Quốc lộ 1A; tiếp tục xử lý sạt lở đầu cù lao Tân Long, dọc sông Bảo Định (từ vốn hỗ trợ của Trung ương). Các huyện, thị phía Tây đã và đang cho rà soát lại các cống đập, các điểm sạt lở xung yếu và đã chủ động các giải pháp, kinh phí để xử lý. Bên cạnh đó, về lâu dài, tỉnh đang kiến nghị Trung ương xử lý kè dọc bờ Tây sông Ba Rài.
* PV: Hiện nay, mùa mưa bão đang vào cao điểm, việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện các phương án phòng, chống bão, nhất là đối với bão mạnh từ tỉnh đến các địa phương đến đâu, thưa ông?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ năm 2014, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã xúc tiến xây dựng phương án ứng phó bão mạnh và đã được tỉnh phê duyệt (1 trong 2 tỉnh, thành trong cả nước xây dựng sớm phương án này). Trên cơ sở phương án đã có, BCH PCTT&TKCN tỉnh đang rà soát lại phương án.
Từ góp ý của các ngành, địa phương, BCH sẽ cố gắng hoàn thiện phương án trước ngày 15-9 trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi phương án được duyệt, các ngành, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó bão mạnh cụ thể trong ngành, địa phương mình.
Còn đối với phương án phòng, chống bão thường đã được xây dựng từ nhiều năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại phương án; tiến hành diễn tập, nhất là diễn tập vận hành cơ chế. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 10, các phương án phòng, chống bão từ tỉnh đến cơ sở được hoàn tất, cùng với đó tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân về cách ứng phó bão, bão mạnh, sóng thần, động đất và các thiên tai khác.
* PV: Là huyện cù lao ven biển, năng lực ứng phó với bão của Tân Phú Đông rất hạn chế, ông có thể cho biết BCH PCTT&TKCN tỉnh và huyện có những phương án, kế hoạch ứng phó như thế nào khi bão xảy ra?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Nếu bão đổ bộ vào Tiền Giang, huyện Tân Phú Đông là địa bàn xung yếu nhưng khả năng ứng phó lại rất kém do giao thông bị chia cắt, hệ thống đê bao phòng, chống nước dâng, triều cường rất hạn chế.
Theo phương án phòng, chống bão dưới cấp 10, Tân Phú Đông sẽ tiến hành di dời tại chỗ khoảng 10.000 dân theo phương thức di dời hộ dân sống ngoài đê, ven biển, ven sông, nơi không an toàn… vào các cơ sở trú ẩn an toàn. Còn khi xảy ra bão mạnh, chúng tôi xác định phải tiến hành di dời toàn bộ dân sang đất liền, chỉ để lại các lực lượng xung kích để giữ gìn an ninh trật tự…
Hiện chúng tôi đã có kế hoạch là sau khi hoàn thiện phương án phòng, chống bão mạnh của tỉnh, chúng tôi sẽ phối hợp huyện xây dựng các phương án phòng, chống bão cụ thể trên địa bàn, nhất là bão mạnh; rồi tổ chức diễn tập, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phòng tránh bão, triều cường nói riêng và thiên tai nói chung…
Gia cố đê bao bảo vệ khóm ở huyện Tân Phước. |
* PV: Để không bị động, bất ngờ khi xảy ra bão, lũ, triều cường, những công việc cần làm từ nay đến cuối năm là gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Đối với vùng lũ, các địa phương cần rà soát, củng cố lại các cống đập, ô đê bao trước khi lũ, triều cường về, nhất là các ô bao bảo vệ cây ăn trái, ô bao trồng khóm, ô bao có diện tích lúa thu hoạch sau ngày 15-9; chuẩn bị máy bơm, hệ thống điện, thiết bị… để bơm tiêu thoát nước khi xảy ra ngập, úng.
Các địa phương, cơ sở cần theo dõi sát thông tin về khí tượng thủy văn để chủ động phòng, chống kịp thời; tăng cường vận động người dân chằng chéo nhà cửa, chặt tỉa cây có tán to, dễ bị đổ ngã. Các cơ quan, doanh nghiệp kiểm tra các kho tàng, bến bãi để có biện pháp ứng phó khi xảy ra ngập.
BCH PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương, cơ sở tổ chức, duy trì trực ban 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời. Ngành Nông nghiệp tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát tàu, thuyền ra vào cửa sông và tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ lịch trình của tàu thuyền, thuyền viên hoạt động trên biển để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn.
Trên cơ sở phương án phòng, chống bão thường, bão mạnh, các địa phương, ngành cần xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống bão thật cụ thể của đơn vị mình; tổ chức tuyên truyền cho dân biết và phòng tránh; tổ chức diễn tập, tối thiểu là diễn tập vận hành cơ chế để xử lý nhịp nhàng khi xảy ra bão.
Cơ quan, đơn vị chức năng cần kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp đê bao ngăn mặn, triều cường; đường giao thông, nhất là đường di dân, thoát nạn; chủ động xây dựng phương án tiêu thoát nước khi xảy ra ngập úng. Các đò, phà cần thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị; trang bị đầy đủ áo phao…
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGÔ VĂN (thực hiện)