Thứ Hai, 23/11/2015, 13:41 (GMT+7)
.
ÔNG PHÙNG VĂN MINH, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ:

Sẽ công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng

Tình hình thu ngân sách Nhà nước năm 2015 trên địa bàn tỉnh được đánh giá là khả quan hơn so với nhiều năm qua. Cụ thể, đến giữa đầu tháng 11, số thu ngân sách Nhà nước đã đạt dự toán cả năm 2015. Song tình hình nợ đọng thuế cũng vẫn đang là bài toán khó cho ngành Thuế. Đánh giá về tình hình nợ đọng thuế, ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết:

Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác thuế năm 2015 của Cục Thuế được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND và UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục thuế, các phòng chức năng thuộc Cục Thuế tăng cường kiểm tra, rà soát khai thác nguồn thu; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ đến 31-12-2015 không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm 2015 theo quy định của Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên ngoài sự nỗ lực quyết tâm của ngành Thuế, cần có sự hỗ trợ, phối hợp tích cực và kịp thời của các sở, ngành, địa phương có liên quan trong tỉnh.

Cụ thể, tình hình nợ thuế đến 31-10-2015, tổng số nợ trên địa bàn tỉnh là 308 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 169 tỷ đồng (nợ của các đối tượng: mất tích, đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh, tự ý ngừng hoạt động không làm thủ tục, phá sản, giải thể, không có tài sản để thu); nợ có khả năng thu là 139 tỷ đồng (nợ của các đối tượng đang hoạt động nhưng chậm nộp tiền thuế.

* Phóng viên (PV): Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế hiện nay,
thưa ông?

* Ông Phùng Văn Minh: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế như hiện nay là do nợ thuế của các năm trước chuyển sang khá lớn (thời điểm năm 2012, năm 2013 nền kinh tế trong nước nói chung và Tiền Giang nói riêng chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đã tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ làm cho hàng tồn kho lớn, sản xuất - kinh doanh bị thu hẹp, nhiều DN lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài, một số mất khả năng thanh toán...). Số DN này còn nợ tiền thuế khá lớn nhưng khó thu hồi.

Bên cạnh đó, đa số các loại tài sản của DN đều thế chấp tại các tổ chức tín dụng, nên việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ khó thực hiện. Trong trường hợp phát mãi tài sản, ngân hàng sẽ thu hồi số tiền cho vay trước, còn lại mới thực hiện nộp thuế (thực chất thời gian qua số nợ của các DN tại các tổ chức tín dụng cao hơn số tài sản DN thế chấp nên khả năng thu hồi nợ thuế rất khó khăn).

Một số DN nợ thuế lớn bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh; tự ý ngừng hoạt động không kê khai nộp thuế, không lập thủ tục giải thể, phá sản như quy định. Trong khi đó, biện pháp chế tài như quy định hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chây ỳ không thực hiện nộp thuế, chưa có cơ chế xử lý đối với một số khoản nợ cho các đơn vị kinh doanh không hiệu quả, tự giải thể.

Song song đó, một số tổ chức, cá nhân gặp khó khăn về tài chính nên chưa nộp đủ số thuế phát sinh dẫn đến nợ thuế. Một số DN chây ỳ chậm nộp tiền thuế, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước, cơ quan thuế đã mời DN nhiều lần, áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ, DN cũng nhiều lần cam kết nộp nhưng chỉ nộp chiếu lệ, số nộp không đáng kể nên số nợ không giảm.

Kê khai thuế tại Cục Thuế.
Kê khai thuế tại Cục Thuế.

* PV: Như vậy, ngành Thuế sẽ triển khai những giải pháp gì để tiếp tục thu hồi nợ thuế năm 2015?

* Ông Phùng Văn Minh: Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2015 được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND, UBND tỉnh giao, Cục Thuế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Ngành Thuế sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu phân loại nợ chính xác, thực hiện đúng các chủ trương của Nhà nước đối với các trường hợp được miễn, giảm, gia hạn nộp tiền thuế, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.

Kiên quyết xử lý đối với các hành vi dây dưa, chây ỳ không nộp thuế, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước theo quy định, cụ thể: Áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như: Trích tiền từ tài khoản của DN tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ thuế; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ công khai thông tin nợ thuế trên Trang thông tin điện tử ngành Thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, thu thập xác minh các thông tin về tài sản, nhà xưởng, đất đai, phương tiện vận tải của DN nợ thuế. Truy tìm các đối tượng nợ thuế bỏ trốn, mất tích để thu hồi tiền thuế, tiền phạt còn nợ kịp thời vào ngân sách Nhà nước...

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.