Quy hoạch phát triển ngành Chăn nuôi huyện Gò Công Tây giai đoạn 2015-2020
Những năm qua, ngành Chăn nuôi huyện Gò Công Tây không ngừng phát triển, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần quan trọng vào tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp và đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng.
Một điểm thu mua sữa bò ở xã Thạnh Nhựt. |
Tuy nhiên, hiện ngành vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Để hiểu rõ hơn về hướng đi của ngành Chăn nuôi huyện trong thời gian tới, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây.
* Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành Chăn nuôi huyện đạt được trong thời gian qua?
* Ông Trần Hoàng Nhật Nam: Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, những năm gần đây, huyện Gò Công Tây đã gặt hái nhiều kết quả từ việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Trong đó, ngành Chăn nuôi của huyện đã có bước phát triển khá mạnh, nếu năm 2010 chiếm khoảng 23,3% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp thì năm 2014 con số này đã tăng lên 26,77%.
Trong đó, mô hình chăn nuôi heo, chăn nuôi bò phát triển khá nhanh, nhất là bò sữa tăng đột biến trong năm 2014 và được xem là một trong những mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chọn nuôi hiện nay.
Đến nay, đàn bò tiếp tục phát triển đạt trên 14.000 con (tăng trên 1.000 con so năm 2013), đàn heo đạt 85.000 con (tăng 4.000 con so năm 2013), đàn gia cầm đạt 715.023 con (bằng so với năm 2013).
Ngành Chăn nuôi đã giải quyết cơ bản nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn và tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên người nuôi đã tích cực sử dụng vắc xin để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm nên công tác giống, kỹ thuật chuồng trại, nuôi dưỡng, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh được chú trọng, các hộ chăn nuôi đa phần có chiều hướng tăng quy mô sản xuất.
Chăn nuôi nhỏ lẻ tại các nông hộ đang có xu hướng giảm, thay vào đó là phương thức chăn nuôi tập trung, quy mô nhỏ và vừa, đây là tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành Chăn nuôi của huyện trong giai đoạn 2015 - 2020.
* PV: Ông có thể cho biết thực trạng cũng như những khó khăn trong việc phát triển ngành Chăn nuôi của huyện hiện nay?
* Ông Trần Hoàng Nhật Nam: Những thành tựu và kết quả đạt được của Ngành Chăn nuôi huyện những năm qua đã góp phần quan trọng vào tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh những thuận lợi này thì ngành Chăn nuôi huyện vẫn còn không ít khó khăn và thách thức.
Cụ thể: Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, là mối đe dọa đối với vật nuôi và là nguyên nhân hạn chế sự phát triển kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của nông dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa mạnh, chưa tạo được vùng chuyên canh rộng lớn, nên năng lực cạnh tranh còn thấp, sản phẩm có thương hiệu hàng hóa chưa được tổ chức sản xuất, chưa gắn kết mối quan hệ chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, trong đó mối liên hệ giữa người sản xuất - chế biến và tiêu dùng còn nhiều mâu thuẫn, chưa gắn bó hỗ trợ nhau do thiếu thông tin, phân bổ lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm chưa hợp lý, phần thiệt chủ yếu là người chăn nuôi phải gánh chịu...
Bên cạnh đó, năng lực và cơ chế quản lý giống vật nuôi còn bất cập, chính sách khuyến khích hỗ trợ trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chậm ban hành; giá con giống, thức ăn gia súc và thuốc thú y còn ở mức cao, chất lượng không đồng đều và chưa được kiểm soát triệt để.
Chăn nuôi phát triển một cách tự phát, phân tán, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung chưa phát triển mạnh. Chất thải từ các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa có biện pháp xử lý triệt để, còn gây ô nhiễm môi trường… là những hạn chế của ngành
Chăn nuôi huyện thời gian qua.
* PV: Trước những khó khăn trên, huyện đã đề ra giải pháp gì để thúc đẩy ngành Chăn nuôi huyện nhà phát triển trong thời gian tới, thưa ông?
* Ông Trần Hoàng Nhật Nam: Huyện đã lập Đề án quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020 và đang từng bước cụ thể hóa đề án này. Đề án sẽ tháo gỡ những khó khăn cho người chăn nuôi. Theo đó, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với loại hình trang trại quy mô nhỏ, vừa; thực hiện các giải pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt là xây dựng và phát triển sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (GAP) nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2020 đàn heo đạt 96.800 con (tăng bình quân 2,40%/năm), đàn bò 18.000 con, đàn dê 7.200 con, đàn gia cầm 865.000 con (tăng bình quân 2,9%/năm). Mạnh dạn cho nông dân chuyển một phần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cỏ để phát triển đàn bò, đàn dê.
Chuyển dần mô hình chăn nuôi có quy mô nhỏ, hộ gia đình sang quy mô vừa và quy mô lớn theo lộ trình: Năm 2015 đạt 20%, năm 2018 đạt 50% và năm 2020 sẽ đạt 60% (heo: 70%, bò: 55%, gia cầm: 69%) gắn với hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường (Biogas).
Từng bước xây dựng các khu vực chăn nuôi tập trung gắn liền với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, công nghệ cao làm tiền đề nhân rộng và phát triển.
Theo từng giai đoạn của từng địa phương sẽ xác định vùng và quy mô sản xuất (đất đai, tài - vật lực, vốn, sản phẩm và thị trường) để phát triển chăn nuôi với sự tối ưu hóa mối quan hệ giữa chăn nuôi - giết mổ chế biến và tiêu thụ. Cụ thể: Cụm chăn nuôi heo tập trung với quy mô vừa sẽ phát triển ở xã Thạnh Nhựt và Bình Nhì với diện tích khoảng 10 ha.
Cụm chăn nuôi gà tập trung quy mô vừa sẽ phát triển ở xã Đồng Sơn và một phần của xã Bình Nhì diện tích khoảng 15 ha. Cụm chăn nuôi vịt tập trung, bán công nghiệp, quy mô vừa với hình thức gia trại, trang trại ở các xã Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu và Long Vĩnh tối đa 20 ha.
Cụm chăn nuôi bò sữa với quy mô nhỏ và vừa; phát triển trồng cỏ và các loại cây làm thức ăn cho chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò thịt, tập trung phát triển ở các xã Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Đồng Thạnh, Long Bình, Bình Tân…
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, huyện sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp; áp dụng các chính sách của Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trong nội bộ ngành Nông nghiệp, đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, các cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung nhằm góp phần phát triển nông nghiệp của huyện nhà theo hướng hiện đại, bền vững…
* PV: Xin cảm ơn ông!
HOÀI THU (thực hiện)