Thứ Tư, 02/12/2015, 11:21 (GMT+7)
.
ÔNG TRẦN HOÀNG BÁ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT:

Tập trung các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2015-2016

Mùa khô năm 2015 - 2016 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp với xâm nhập mặn sớm và sâu, cùng với nền nhiệt cao do tác động của El Nino. Vì thế, tình hình thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ rất căng thẳng. Trao đổi xung quanh công tác chủ động phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết:

Theo thông tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và các chuyên gia, mùa khô năm 2015 - 2016 sẽ rất căng thẳng so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, mặn xâm nhập sớm và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014 - 2015 và có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới.

Sau Hội nghị trực tuyến của Trung ương về ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015 - 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc Phòng, chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2016; phê duyệt kế hoạch phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn trong mùa khô năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho ngành Nông nghiệp triển khai cụ thể các giải pháp phòng, chống hạn, mặn phù hợp với điều kiện của từng khu vực, địa phương.

Về phía ngành Nông nghiệp, để chủ động phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất ở khu vực phía Đông, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tiến hành làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất; công tác phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất trong mùa khô năm 2015 - 2016. Tiếp theo đó, trong tháng 11 vừa qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức 2 Hội nghị về Kế hoạch vận hành Dự án Ngọt hóa Gò Công và Dự án Bảo Định phục vụ sản xuất đông xuân 2015 - 2016.

* Phóng viên (PV): Trước dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2015 - 2016 sớm và sâu, cùng với đó thời điểm xuống giống vụ đông xuân năm 2015 - 2016 ở khu vực phía Đông sẽ rất muộn nên nhiều khả năng đối mặt với tình trạng thiếu nước vào cuối vụ, ngành Nông nghiệp có giải pháp gì để đảm bảo nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân này?

* Ông Trần Hoàng Bá: Hiện nay, chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn; các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra mặn trên sông, các khu vực ven biển thường xuyên nhiễm mặn, hiện trạng các công trình ngăn mặn để kịp thời ứng phó, sửa chữa chống rò rỉ mặn; đồng thời tổ chức trục vớt lục bình, cập nhật tình hình mặn và thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó. Các địa phương có kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn mình, nhất là kế hoạch bơm trữ nước cụ thể cho từng vùng, từng khu vực và thông báo người dân chủ động bơm trữ kịp thời.

Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo cho các chi cục, trung tâm tổ chức các hội nghị đầu bờ ở vùng trũng và vùng khó tiêu nước; hướng dẫn người dân chủ động mùa vụ sản xuất, chọn cây trồng phù hợp đảm bảo mùa vụ, sản xuất an toàn trong mùa khô này. Điều này sẽ giúp giảm bớt diện tích lúa đông xuân sử dụng nước, qua đó giảm lượng nước tưới, đảm bảo nguồn nước tưới cho những diện tích lúa còn lại trong vùng dự án.

Về giải pháp công trình, cửa lấy gạn nước thứ 2 (trước đây làm 1 cửa) của cống Xuân Hòa đang được thi công và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, đảm bảo đưa vào phục vụ trong mùa khô này. Sau khi cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn, 2 cửa cống này sẽ tiến hành lấy gạn nước khi độ mặn cho phép.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có kế hoạch lắp đặt 15 thuyền bơm ở bên ngoài cống Xuân Hòa để sẵn sàng bơm bổ cấp vào vùng dự án khi nguồn nước cho phép (2 cửa lấy gạn của cống không thể lấy nước được). Hiện nay, ngành đã làm việc với ngành Điện lực về việc kéo điện 3 pha đến khu vực này để phục vụ cho bơm bổ cấp của các thuyền bơm để chống hạn.

* PV: Mặn xâm nhập sớm, sâu kéo theo nguồn nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực phía Đông sẽ rất căng thẳng. Vậy việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt mùa khô cho người dân khu vực này thời gian tới ra sao, thưa ông?

* Ông Trần Hoàng Bá: Nhờ những năm qua tỉnh đã cho đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước ở các huyện, thị phía Đông nên đã nâng đáng kể năng lực cấp nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. Đến nay, mạng lưới cấp nước từ nguồn nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã mở rộng đến nhiều khu vực, bổ cấp cho nhiều trạm cấp nước nông thôn.

Việc mở rộng mạng lưới nước này cùng với các trạm sử dụng nước ngầm; nhà máy và các trạm xử lý nước mặt hiện hữu trên địa bàn do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang, các cá nhân, tổ chức quản lý đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng (có tính đến việc đấu nối giữa các trạm cấp nước do 2 Công ty quản lý).

Tuy nhiên, đối với các trạm sử dụng nguồn nước từ các kinh của Dự án Ngọt hóa Gò Công thì độ mặn và chất lượng sẽ phụ thuộc vào nguồn nước trong vùng dự án này. Ngoài ra, trong vùng có hàng ngàn hộ dân sống ở vùng sâu, ngoài đê, ven sông, ven biển, phân tán chưa vào được hệ thống cấp nước tập trung. Chính vì vậy, tỉnh đã có kế hoạch mở 87 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để những hộ dân này đến lấy nước miễn phí về sử dụng (TX. Gò Công 26 vòi, huyện Gò Công Đông 61 vòi).

Bên cạnh đó, vừa rồi Sở NN&PTNT cũng đã làm việc với địa phương về rà soát lại những khu vực vùng sâu, vùng xa không có hệ thống cấp nước tập trung để Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh cho mở tuyến ống cấp nước đến các khu vực này, hay mở thêm vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước tập trung để phục vụ cho nhân dân trong mùa khô.

* PV: Tân Phú Đông luôn là tâm điểm của tình trạng thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến. Ông cho biết cụ thể các giải pháp cấp nước sinh hoạt ở huyện cù lao trong mùa khô này?

* Ông Trần Hoàng Bá: Trên cơ sở các công trình cấp nước đã được tỉnh cho đầu tư ở Tân Phú Đông trong mùa khô năm 2015 như nâng cấp tuyến ống cấp nước từ ao 6 ha xuống các trạm cấp nước tại chỗ phía Đông của huyện với công suất khoảng 200 m3/giờ; nâng cấp trạm xử lý nước Tân Thới với công suất 50 m3/giờ để bổ cấp cho Trạm cấp nước Tân Thạnh… đã nâng đáng kể khả năng cấp nước cho người dân trong huyện.

Còn về giải pháp cấp nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang đã xây dựng phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt mùa khô cho khu vực này và đã gửi cho Sở NN&PTNT. Tuy nhiên, qua rà soát, Sở NN&PTNT thấy phương án này chưa cụ thể nên đã yêu cầu công ty bổ sung.

Sau khi phương án bổ sung và được tỉnh đồng ý, công ty sẽ triển khai thực hiện. Trước mắt, các giải pháp cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cù lao sẽ được các đơn vị liên quan tập trung thực hiện trong thời gian tới theo kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và bảo đảm cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt là bơm trữ nước vào các ao chứa, nạo vét kinh nội đồng để tăng trữ lượng nước bơm bổ cấp vào các ao trữ tại chỗ, nạo vét ao lắng để tăng khả năng trữ nước ngọt, kéo thêm các tuyến ống nước, nâng công suất hệ thống xử lý của các trạm cấp nước, mở 18 vòi nước công cộng cấp miễn phí cho dân. Ngoài ra, phương án chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền bơm cấp cho các ao chứa bị cạn mà không còn nguồn bổ cấp cũng được tính đến.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN

.
.
.