Thứ Hai, 11/01/2016, 14:46 (GMT+7)
.
ÔNG HUỲNH VĂN BÉ HAI, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHÂU THÀNH:

Liên kết giữa người sản xuất với kinh doanh trong tiêu thụ sản phẩm

 

Từ lâu, Châu Thành được xem là “vương quốc rau màu” cung cấp số lượng lớn cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 10.000 ha, sản lượng trên 200.000 tấn, với chủng loại rau màu phong phú, nhiều nhất là rau màu thực phẩm và theo từng vùng chuyên canh rau các loại, rau đặc thù.

Với lợi thế đó, Huyện ủy Châu Thành đã ban hành Nghị quyết 09/NQ/HU ngày 29-4-2011 về phát triển cây rau màu trên địa bàn huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết nhấn mạnh, phát triển sản xuất rau là một trong những giải pháp quan trọng để phát huy lợi thế của huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh, đặc biệt thị trường TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo đó, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển rau màu của Huyện ủy đến năm 2015.

Xung quanh tiến độ thực hiện kế hoạch này, ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết:

Trong 5 năm qua, thực hiện NQ 09 của Huyện ủy, với sự tham mưu đề xuất của ngành Nông nghiệp, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở và đặc biệt là sự quyết tâm cao của nông dân trong việc đầu tư cho sản xuất rau màu, có nhiều sáng tạo trong sản xuất, với những kết quả nổi bật ghi nhận, đáng chú ý là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, diện tích cây lúa chuyển qua trồng cây rau màu hơn 1.105 ha, các vùng trồng rau màu đã hình thành rõ rệt như:

Vùng sản xuất rau má và rau lấy củ, quả có diện tích hơn 850 ha ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông, Tam Hiệp, Tân Lý Tây, Tân Hội Đông, Tân Hương. Vùng rau diếp cá và rau gia vị có diện tích hơn 620 ha ở các xã Nhị Bình, Đông Hòa, Bình Trưng, Điềm Hy, Thạnh Phú, Long Định.

Vùng sản xuất trồng ngò gai, húng cây có diện tích hơn 320 ha tập trung ở các xã Thạnh Phú, Tam Hiệp, Long Hưng. Đến nay, Châu Thành đã tổ chức triển khai sản xuất theo hướng an toàn đạt hơn 1.000 ha. Sản xuất rau VietGAP của dự án QSEAP đã cấp giấy chứng nhận ở xã Thân Cửu Nghĩa 47 hộ với 9,85 ha, xã Long An 15 hộ với 4,7 ha, xã Long Hưng 35 hộ với 5,6 ha. Ngoài ra, Châu Thành còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như: Thủy lợi, điện, giao thông nông thôn đảm bảo cho khâu sản xuất và lưu thông hàng hóa rau màu.

* Phóng viên (PV): Như thế thì tiến độ triển khai Nghị quyết cũng không như ý. Theo ông, đâu là những khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết này?

* Ông Huỳnh Văn Bé Hai: Đúng là có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch. Vùng rau của huyện tuy sản lượng rất lớn nhưng chất lượng rau chưa cao, giá trị gia tăng trên diện tích canh tác còn thấp, thu nhập của người trồng rau còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ, vấn đề thu mua.

Hệ thống tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất rau màu còn phân tán, hiệu lực thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề trồng rau màu. Hợp tác xã (HTX) rau màu an toàn Thân Cửu Nghĩa, các tổ hợp tác (THX) rau ở các xã hoạt động chưa hiệu quả, lúng túng trong vấn đề tìm đầu ra tiêu thụ khó, cạnh tranh với các điểm thu mua rau của tư thương.

Mạng lưới kinh doanh, rau màu rộng khắp nhưng chủ yếu do cá nhân và thương lái thực hiện, chưa có hệ thống tổ chức để phối hợp gắn kết với các hộ sản xuất rau màu. Thực trạng sản xuất rau màu hiện nay là sản xuất nhỏ, kỹ thuật chăm sóc chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm, cá nhân trong quy trình canh tác thủ công là chính, do đó hiệu suất chưa cao, hao hụt sau thu hoạch lớn, giá thành sản xuất cao. Khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, để sản phẩm rau màu chưa an toàn cạnh tranh giá cả với rau màu an toàn, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của ngành rau màu ở địa phương.

* PV: Xin ông cho biết những định hướng, chấn chỉnh để triển khai tiếp kế hoạch trong thời gian tới?

* Ông Huỳnh Văn Bé Hai: Để sản xuất rau màu tiếp tục phát triển ổn định, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất rau màu theo hướng bền vững và gia tăng được hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất, gắn với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Cụ thể, các xã có diện tích trồng rau màu phải xác định đây là cây chủ lực ở cơ sở, góp phần nâng cao thu nhập thực hiện theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị cần tập trung lãnh đạo thực hiện để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn toàn diện.

Tập trung việc củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của đơn vị kinh tế tập thể trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau màu, củng cố THT các xã và HTX Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa.

Xây dựng mô hình liên kết giữa người sản xuất với kinh doanh trong việc tiêu thụ sản phẩm, hình thành các mô hình liên kết gắn nghĩa vụ, trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia liên kết tiêu thụ hàng hóa, nhất là thị trường TP. Hồ Chí Minh để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm rau màu.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh sớm hình thành và công nhận thương hiệu cho các vùng sản xuất rau má, rau diếp cá, ngò gai, húng cây. Liên kết dần hệ thống canh tác phân tán vùng hộ thành các tổ sản xuất xây dựng “Cánh đồng lớn” sản xuất rau nhằm thuận lợi hơn và ít tốn chi phí trong việc chuyển giao kỹ năng và xây dựng tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đặc biệt là đề xuất với UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sản xuất rau, người buôn bán rau màu và người tiêu dùng để đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

* PV: Xin cảm ơn ông! 

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.