Tân Phú Đông: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp
Thời gian qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ ở Tân Phú Đông đã góp phần nâng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân huyện cù lao.
Từ kết quả đạt được này, huyện xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển những cây trồng hiệu quả và phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện cho biết:
Là huyện cù lao hàng năm bị xâm nhập mặn, vì thế xác định và phát triển cây trồng thích ứng được với điều kiện tự nhiên trên địa bàn huyện là vô cùng quan trọng.
Những năm qua, nhất là từ khi thành lập huyện, phong trào chuyển đổi cây trồng trong huyện diễn ra rất mạnh. Trong đó, phát triển mạnh nhất là cây mãng cầu Xiêm, cây sả… thay thế dần những cây trồng kém hiệu quả, giúp tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống người dân.
* Phóng viên (PV): Ông có thể nói cụ thể hơn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện trong thời gian qua?
* Ông Nguyễn Quốc Khánh: Phát triển mạnh nhất với hiệu quả mang lại khá cao, đã tạo tiếng vang trong và ngoài tỉnh là cây mãng cầu Xiêm. Cây trồng này chủ yếu phát triển ở các xã phía Tây. Lúc đầu, cây chỉ phát triển ở xã Tân Phú, sau đó lan rộng ra các xã lân cận và hiện giờ là mở rộng xuống đến Phú Thạnh, Phú Đông.
Khi thành lập huyện cây mãng cầu Xiêm chỉ khoảng 200 ha, đến nay cây trồng này phát triển lên đến 850 ha. Trong khi đó, cây sả phát triển mạnh ở khu vực thuộc Dự án Phú Thạnh - Phú Đông thuộc 2 xã Phú Thạnh, Phú Đông và một phần của xã Tân Phú (tổng diện tích xuống giống sả toàn huyện năm 2015 khoảng 831 ha). Ngoài ra, thời gian qua, cây rau màu đưa xuống chân ruộng cũng khá phát triển với hình thức chuyên canh, luân canh màu - lúa…
Công bố quy hoạch chung đô thị Tân Phú Đông đến năm 2030
UBND huyện Tân Phú Đông vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Tân Phú Đông đến năm 2030.
Đô thị Tân Phú Đông trong tương lai sẽ có diện tích 460 ha, có vị trí địa lý phía Đông giáp ấp Bà Lắm, phía Tây giáp ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh, phía Nam giáp đường tỉnh 877B, phía Bắc giáp sông Cửa Tiểu.
Đô thị Tân Phú Đông là bộ mặt của huyện Tân Phú Đông, là hạt nhân thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, có vị trí giao thông thủy, bộ thuận lợi sẽ đảm nhận các chức năng là trung tâm kinh tế, thương mại - dịch vụ, trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, giải trí, nghỉ ngơi, là đô thị loại V.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân biết và thực hiện nghiêm đồ án quy hoạch, xây dựng lộ trình và quy chế quản lý quy hoạch, phân công trách nhiệm của từng ngành, từng thành viên phụ trách các lĩnh vực có liên quan. Tổ chức cắm bảng công khai việc quy hoạch ở những nơi công cộng để nhân dân biết.
NGỌC THƠ
* PV: Việc phát triển các loại cây trồng trên trong những năm qua có ý nghĩa như thế nào đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn trong thời gian tới, thưa ông?
* Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trước khi thành lập huyện, cù lao Lợi Quan có diện tích lúa khá lớn và là 1 trong những cây chủ lực của huyện lúc đó, trên địa bàn cù lao khi đó cũng có nhiều vườn tạp kém hiệu quả.
Do đặc điểm tự nhiên của vùng cù lao là thời gian xâm nhập mặn kéo dài, đất thường bị nhiễm mặn nên sản xuất lúa chỉ được từ 1 - 2 vụ trong năm nhưng khá bấp bênh, năng suất thấp. Nằm trong khu vực có điều kiện sản xuất vô cùng bất lợi, cộng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn thì việc chọn được cây trồng thích hợp, hiệu quả cho từng địa bàn là rất khó khăn.
Từ khi có phong trào chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây mãng cầu Xiêm ở các xã phía Tây, từ trồng lúa sang trồng sả ở các xã phía Đông đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Thu nhập của những hộ dân chuyển đổi cây trồng mới thường cao hơn so với trước đó. Mặt khác, những cây trồng sau chuyển đổi không những thích ứng mà còn phát triển tốt với điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước vùng đất này.
Cụ thể, việc trồng cây mãng cầu Xiêm ghép với gốc bình bát đã tăng sức chống chịu khô hạn, ngập mặn, còn cây sả sử dụng rất ít nước, chịu hạn tốt nên phù hợp với vùng đất thường xuyên thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn.
Từ đó, có thể nói, việc chuyển đổi phát triển 2 loại cây trồng này khá thích hợp trước tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng đất này.
* PV: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong xu thế biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, huyện Tân Phú Đông đã định hướng phát triển cây trồng như thế nào trong thời gian tới?
* Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phù hợp điều kiện tự nhiên, phát huy thế mạnh kinh tế của các vùng.
Trong đó, huyện sẽ tiếp tục chú trọng cải tạo vườn dừa, phát triển cây mãng cầu Xiêm theo hướng chuyên canh, thâm canh tại vùng ngọt lợ như xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh và một phần phía Tây của xã Tân Thạnh.
Không dừng lại ở đó, huyện còn có hướng tiếp tục mở rộng diện tích cây mãng cầu Xiêm về phía Đông đến xã Phú Đông. Theo đó, huyện dự kiến phát triển cây trồng này trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 1.200 ha.
Vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông sản xuất lúa có năng suất thấp đang được đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày, sử dụng ít nước như rau màu, riêng đối với các khu vực nhiễm phèn - mặn sẽ ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu Xiêm.
Còn vùng ngoài đê bao thuộc các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân và một phần phía Đông của xã Tân Thạnh, huyện tập trung phát triển mô hình nuôi thủy sản công nghiệp; đồng thời chuyển dần các mô hình nuôi thủy sản quảng canh, quảng canh cải tiến sang luân canh lúa - cá, lúa - tôm.
Riêng vùng đất giồng cát thuộc xã Phú Tân, huyện sẽ chú trọng phát triển cây rau màu ngắn ngày; còn vùng bãi bồi sẽ đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ chống xói lở.
Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, huyện cũng tập trung cải tạo cây trồng có năng suất kém bằng những giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh; giữ vững và phát triển những cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ yếu là dừa, mãng cầu Xiêm; đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng và quảng bá thương hiệu mãng
cầu Xiêm Tân Phú Đông...
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGÔ VĂN (thực hiện)
.