Ý kiến tâm huyết của đại biểu Tiền Giang tham dự Đại hội
* ÔNG HUỲNH VĂN NIỀM, NGUYÊN ỦY VIÊN BCH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN PHÓ TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY TIỀN GIANG:
Cần có chính sách phát huy vai trò của kinh tế tư nhân
Là đại biểu khách mời của Bộ Chính trị tham gia phiên khai mạc và bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (viết tắt là Đại hội lần thứ XII của Đảng), trước khi cùng Đoàn đại biểu Tiền Giang ra Hà Nội dự Đại hội, ông Huỳnh Văn Niềm chia sẻ:
Nhiệm kỳ qua chúng ta đã đạt được những thành tựu khá quan trọng, làm thay đổi đất nước về nhiều mặt, thế và lực Việt Nam từng bước được khẳng định.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ đất nước ta sẽ có nhiều thuận lợi từ bên ngoài lẫn bên trong; tuy nhiên, thách thức, khó khăn cũng không nhỏ, vì thế Đại hội lần này cần có những chủ trương làm thay đổi toàn diện, đồng bộ đất nước, tạo ra thế và lực mới; làm thế nào để phát huy được nội lực, thu hút được ngoại lực để đất nước phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương này, chúng ta cần chú trọng đến vai trò của kinh tế tư nhân - tôi nghĩ đây là quyết sách rất quan trọng trong thời gian tới.
Ngoài ra, những năm tiếp theo chúng ta cần quan tâm hơn đến công tác dân vận để phát huy và thu hút được mọi nguồn lực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng; bởi thời gian qua tuy Đảng ta đã mạnh, nhưng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém về tổ chức và cán bộ, nên công tác xây dựng Đảng là rất quan trọng, cần quan tâm đến vấn đề tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, coi trọng vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, để tạo niềm tin trong nhân dân.
Trong thời gian tới, vấn đề bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng là những nhiệm vụ nặng nề, nên Đại hội lần này cũng cần có những chủ trương, quyết sách để đẩy mạnh công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Dù biết rằng, 5 năm của nhiệm kỳ tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi tin rằng đất nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn và đặc biệt là mức phát triển của đất nước cũng sẽ bền vững hơn.
* BÀ CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, BÍ THƯ THỊ ỦY CAI LẬY:
Cần quan tâm đến hạ tầng giao thông và cải cách trong nông nghiệp
Tôi mong rằng, cùng với tầm nhìn xa, Đại hội lần này cần có những quyết sách mang tính đột phá cho sự phát triển bền vững của đất nước trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, cụ thể với khu vực ĐBSCL, đó là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và những cải cách trong phát triển nông nghiệp.
Bởi lâu nay, tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng nên chưa phát huy hết lợi thế vùng đất này.
Sản xuất nông nghiệp đang và luôn là thế mạnh của khu vực ĐBSCL, vì vậy khi đất nước hội nhập sâu, rộng với khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp thì Đảng, Nhà nước cần đóng vai trò định hướng và dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển đúng quỹ đạo, làm sao để hội nhập có hiệu quả.
Cần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quy hoạch từng vùng sản xuất đặc thù và gắn kết sản xuất theo dạng hàng hóa có chất lượng và giá trị cao. Đại hội phải có những quyết sách làm sao để nông dân có tri thức, tự tin hội nhập, đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, tôi kỳ vọng Đại hội lần thứ XII của Đảng trên cơ sở kế thừa những thành tựu trong thời gian qua, sẽ tạo thêm bước đột phá về công tác cán bộ, phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những cán bộ trẻ có năng lực, tâm huyết, trí tuệ tham gia vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước; cần chọn lựa những người tài, đức, có khả năng tận dụng, thích ứng được những cơ hội mới của thời kỳ hội nhập để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
* ÔNG TRẦN THANH THẢO, TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ: Làm tốt hơn nữa chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành Y tế
Bản thân và ngành Y tế Tiền Giang rất quan tâm và kỳ vọng lớn vào sự thành công của Đại hội Đảng lần này. Trước tiên, cũng như bao người khác, chúng tôi mong rằng Đại hội sẽ bầu chọn vào Trung ương những người đủ đức, đủ tài (tức là có tâm và có đủ tầm) để lãnh đạo đất nước, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong mỏi.
Tiếp đến, tin tưởng đại biểu dự Đại hội sẽ thảo luận, quyết định đường lối phát triển đất nước một cách toàn diện cho cả một giai đoạn.
Đất nước ta hiện nay có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Chúng ta hy vọng rằng, Đại hội Đảng lần này sẽ định hướng phát triển đất nước một cách đúng đắn, phù hợp, sao cho vừa phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, vừa giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện hơn nữa với quốc tế.
Đối với ngành Y tế, quan điểm của Đảng về đường lối phát triển công tác Y tế tại Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhận định: “Nghề Y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Đây là quan điểm vô cùng sáng suốt, đúng đắn, phù hợp với tình hình chung và xu thế phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa để thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đánh giá rằng nghề Y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng đặc biệt thì đã thực hiện được. Ai cũng công nhận rằng, để vào được Trường Đại học Y Dược thì thí sinh phải là học sinh rất giỏi, đậu với số điểm cao nhất trong tất cả các trường đại học.
Như vậy, việc tuyển chọn cán bộ y tế đã quá đặc biệt. Thời gian đào tạo là 6 năm, với khối lượng kiến thức khổng lồ, trong khi các trường đại học khác là 4 - 5 năm; chưa kể sinh viên Y khoa phải thực hành tại các bệnh viện cả ngày lẫn đêm kể từ năm thứ hai trở đi. Như vậy, việc đào tạo cán bộ y tế cũng quá đặc biệt.
Thời gian qua, do quá tải các cơ sở y tế (thời gian tới sẽ vẫn còn quá tải), 1 bác sĩ phải khám bệnh từ 40 - 60 bệnh nhân mỗi ngày (một số nơi, bác sĩ khám bệnh lên đến 100 bệnh nhân mỗi ngày) và các thầy thuốc phải thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lý nan y, với nguy cơ lây nhiễm từ hàng triệu mầm bệnh, yếu tố nguy cơ cao, phải thức trắng đêm để xử trí các trường hợp bệnh khó…; chưa kể có một số tình huống nguy hiểm nhất định mà chỉ có cán bộ y tế mới được phép tiếp cận, qua đó cho thấy việc sử dụng cán bộ y tế cũng rất đặc biệt. Vấn đề cần nói là việc đãi ngộ đối với cán bộ y tế vẫn chưa được đặc biệt như quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay, tất cả các chính sách, từ đào tạo đến lương, phụ cấp, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu… của ngành Y tế hầu như không khác gì các ngành nghề khác; thậm chí, một số ngành nghề khác còn có mức lương và phụ cấp cao hơn nhiều so với ngành Y.
Vì lẽ đó, qua Đại hội Đảng lần này, chúng tôi kỳ vọng rằng, quan điểm, đường lối của Đảng phải được thể chế hóa để thực thi nghiêm túc, cụ thể là quan điểm đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ y tế. Để khắc phục được những khó khăn, thách thức (quá tải, cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế hư hỏng, thiếu thốn các trang thiết bị chuyên sâu, thiếu hệ thống xử lý nước thải, dự phòng các loại dịch bệnh…) để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Y tế cần được Nhà nước có chỉ đạo cụ thể về mức kinh phí phân bổ hàng năm (khá lớn), tăng thêm mỗi năm theo quy định (hiện nay chưa đáp ứng do điều kiện kinh phí chung còn hạn hẹp nên chưa ưu tiên cho ngành Y tế và chưa quy định tỷ lệ cụ thể, còn tùy thuộc vào từng địa phương).
Mặt khác, do thời gian đào tạo kéo dài, nên tuổi bắt đầu làm việc của cán bộ y tế cao hơn các cán bộ ngành nghề khác; do đó, quy định tuổi tối thiểu cho đào tạo sau đại học phải cao hơn quy định chung.
Ngoài ra, Nhà nước cần có quy định cụ thể về các chế độ, chính sách khác (như lương, phụ cấp…) thật sự mang tính ưu đãi đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
SƠN PHẠM (thực hiện)
.