Ông Đỗ Thành Sơn: Tranh thủ mọi điều kiện để lấy nước...
Tình hình xâm nhập mặn và nước phục vụ sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2015 - 2016 ở Dự án Ngọt hóa Gò Công đang diễn biến rất căng thẳng. Mực nước khu vực nội đồng vùng ngọt hóa đang xuống rất thấp, trong khi các trà lúa đông xuân đang vào giai đoạn rất cần nước. Trao đổi xung quanh các nỗ lực chống chọi hạn, mặn, cấp nước phục vụ sản xuất đông xuân trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Tiền Giang cho biết:
Những ngày qua, nguồn nước phục vụ sản xuất ở khu vực Ngọt hóa Gò Công hết sức khó khăn do mặn trên sông Tiền lấn sâu về phía thượng nguồn. Độ mặn đạt 1 g/l đã tới TP. Mỹ Tho, ảnh hưởng đến việc lấy nước của hệ thống Dự án Bảo Định.
Đặc biệt, trong đợt triều cường rằm tháng Chạp vừa qua, do ảnh hưởng của triều đã đẩy độ mặn tăng cao. Độ mặn đo được vào thời điểm này tại cống Xuân Hòa dao động khoảng từ 1,5 - 3,5 g/l. Do đó, việc lấy nước qua cống Xuân Hòa phục vụ sản xuất trong vùng ngọt hóa gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, từ đầu tháng đến nay, cống này lấy nước không ổn định, công ty đã phải chuyển sang chế độ lấy gạn. Do cống phải lấy gạn nước nên lượng nước lấy không nhiều, vì thế mực nước nội đồng thời gian qua liên tục xuống thấp, dao động ở mức từ 0,1 - 0,3 m so với cùng kỳ năm 2015 là từ 0,6 - 0,8 m.
* Phóng viên (PV): Vậy khó khăn về nước phục vụ sản xuất trong thời gian qua đã gây những ảnh hưởng như thế nào đối với các trà lúa đông xuân trong vùng ngọt hóa, thưa ông?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Hiện nay, trong vùng dự án, phần lớn các trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh (từ 30 - 45 ngày tuổi). Đây là giai đoạn mà nhu cầu cần nước của cây lúa rất lớn. Trong khi đó, khu vực nội đồng mực nước đang xuống rất thấp, vì thế một số diện tích lúa xa nguồn nước không có điều kiện bơm tưới đã bị ảnh hưởng và thiệt hại.
Theo tổng hợp của chúng tôi, đến nay trong vùng dự án đã có trên 300 ha lúa bị thiệt hại, trong đó có những khu vực lúa chết từ 50 - 60%; một số diện tích lúa bắt đầu có biểu hiện vàng lá và một số diện tích dân bỏ bơm do không có nguồn nước… Những diện tích lúa bị thiệt hại này tập trung ở huyện Gò Công Đông.
Ở nhiều khu vực khác, mực nước kinh trục rất thấp, nhiều tuyến kinh cấp 3, kinh nội đồng bị hụt nước. Chính quyền các địa phương đang tổ chức bơm chuyền cứu lúa. Đến nay, các địa phương đã tổ chức khoảng 200 điểm bơm chuyền tập trung ở các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công. Ngoài ra, có những khu vực người dân tự tổ chức bơm chuyền để cứu lúa.
* PV: Mực nước nội đồng đang cực thấp, nguồn nước bổ cấp từ cống Xuân Hòa đang rất khó khăn, trong khi cây lúa đang bước vào giai đoạn cao điểm cần nước để làm đòng, diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước sẽ không chỉ dừng lại ở con số này, thưa ông?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Do cống Xuân Hòa phải lấy gạn nước nên mỗi ngày vùng dự án thiếu khoảng 1,2 triệu m3. Như vậy chỉ cần không nhận được nguồn nước bổ cấp trong vòng 5 ngày, dự án sẽ không còn nước.
Tuy nhiên, theo dự tính của chúng tôi, từ nay đến ngày 27 (âl) tới, cống Xuân Hòa có khả năng sẽ lấy nước lại do triều giảm, kéo theo mặn trên sông giảm theo. Dù rằng, do đỉnh triều thấp nên lượng nước bổ cấp vào vùng dự án sẽ không nhiều nhưng vẫn có thể giúp bù đắp phần nào lượng nước thiếu hụt. Nếu như việc bơm trữ nước, bơm chuyền được các địa phương đẩy mạnh trong thời điểm này (làm cho mực nước kinh trục xuống thấp) sẽ làm cho cống Xuân Hòa có thể lấy được nhiều nước hơn.
Hơn nữa, trong khoảng thời gian này, công ty sẽ đưa vào vận hành thêm một cửa lấy gạn của cống Xuân Hòa và tổ chức bơm bổ cấp bổ sung nguồn nước cho vùng dự án khi nước triều thấp sẽ giúp cải thiện phần nào lượng nước bị thiếu hụt để phục vụ sản xuất trong vùng dự án.
Còn từ ngày 27 tết đến qua tết, độ mặn trên sông có khả năng sẽ tăng trở lại theo kỳ triều. Khi đó, công ty cũng sẽ tranh thủ lấy gạn nước qua 2 cửa của cống Xuân Hòa và tiến hành bơm bổ cấp khi độ mặn cho phép, kể cả trong những ngày tết.
Huyện Gò Công Đông tổ chức bơm chuyền cứu lúa ở xã Phước Trung. |
* PV: Trước tình hình căng thẳng về nước hiện nay và thời gian tới, công ty đang và sẽ làm gì để tạo nguồn nước tối đa để phục vụ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Để đảm bảo cho việc vận hành nước đạt hiệu suất cao nhất, công ty đã luôn bố trí đủ quân số tại cống Xuân Hòa với tối thiểu 10 lao động trực lấy nước 24/24, kể cả ngày lễ, tết để tổ chức vận hành lấy gạn, bơm nước và quan trắc mặn.
Thậm chí, có thời điểm công ty còn tranh thủ lấy nước bổ cấp từ kinh Chợ Gạo khi điều kiện cho phép để cải thiện nguồn nước cho vùng dự án. Nếu diễn biến mặn, khả năng lấy nước diễn ra đúng như tính toán của chúng tôi, khả năng từ nay đến sau tết, hệ thống dự án sẽ vẫn còn nước đảm bảo phục vụ cho các trà lúa cao tuổi làm đòng. Cùng với đó, công ty sẽ cố gắng khai thác tối đa khả năng lấy nước của cống Xuân Hòa bằng nhiều hình thức với tinh thần “còn nước còn tát” để phục vụ cho những trà lúa còn lại.
* PV: Trước tình hình này, ông có kiến nghị, khuyến cáo gì đối với các địa phương và nhân dân?
* Ông Đỗ Thành Sơn: Do tình hình nước hết sức căng thẳng, khả năng từ nay đến giữa tháng 2, việc lấy nước của cống Xuân Hòa sẽ hết sức khó khăn. Do khi đó độ mặn trên sông tăng cao, khả năng lấy nước của cống Xuân Hòa và bơm bổ cấp nước vào vùng dự án rất ít.
Vì thế, công ty đề nghị chính quyền các địa phương và nhân dân trong vùng tập trung bơm và tổ chức bơm chuyền, bơm trữ nước bằng mọi điều kiện có thể để thúc đẩy lượng nước lấy qua cống Xuân Hòa nhiều hơn.
Do lấy gạn nước nên độ mặn nước trong các kinh nội đồng lúc này ở mức cao (khoảng từ 1 - 1,5 g/l), bà con không nên để ruộng bị cạn kiệt nước. Bởi nếu để ruộng cạn nước, độ mặn sẽ tích lũy trên ruộng ảnh hưởng đến giai đoạn làm đòng của lúa.
Còn đối với trồng rau màu, do độ mặn nước trong nội đồng cao, sau khi thu hoạch, bà con không nên xuống giống vụ mới; bởi độ mặn này không đảm bảo an toàn cho sản xuất rau màu. Ngoài ra, bà con cần quan tâm vệ sinh nguồn nước, bảo vệ, tiết kiệm nguồn nước. Về phía công ty sẽ cố gắng vận hành lấy nước đạt hiệu quả cao nhất có thể, hạn chế thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGÔ VĂN (thực hiện)
Cấp điện cho cống đập Xuân Hòa Ngày 27-1, Điện lực Chợ Gạo - Công ty Điện lực Tiền Giang đã tổ chức nghiệm thu đóng điện công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho cống đập Xuân Hòa. Nhận thức được tính cấp thiết của yêu cầu chống hạn, mặn cứu lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 nên chỉ trong 10 ngày kể từ ngày 18-1 (ngày nhận Văn bản của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh), lãnh đạo cùng với cán bộ, nhân viên công ty đã nỗ lực hoàn tất khối lượng công việc từ việc sắp xếp nguồn vốn cho đến thiết kế, thi công để đóng điện trạm biến áp sẵn sàng cấp điện cho cống đập Xuân Hòa vào ngày 27-1 nói trên. Với quy mô nâng cấp đường dây 1 pha lên 3 pha dài 3.697 m, kéo mới đường dây 22kV dài 77m và lắp đặt trạm biến áp 3 pha 22/0,4kV - 630kVA, có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng, đã đáp ứng được yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cấp điện cho trạm bơm dã chiến phục vụ bơm nước ngọt bổ cấp cho vùng Ngọt hóa Gò Công phục vụ chống hạn, mặn cứu lúa đông xuân 2015 - 2016. KS. NGUYỄN HUỲNH ĐẠT |