Giá gạo tăng chủ yếu do tâm lý mua đón đầu
Chỉ trong vòng 1 tháng, giá gạo nguyên liệu trong nước đã tăng khoảng 600 đồng/kg, liệu có thể dẫn đến cơn “sốt” gạo như những năm trước đã từng xảy ra. Khi bàn đến thực tế này, chiều 15-3, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, đồng thời là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đã đánh giá:
Thu hoạch lúa vụ đông xuân năm 2015 - 2016. Ảnh: Sĩ Nguyên |
Theo nhiều nguồn tin, từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đến VFA, dự báo vụ đông xuân năm nay toàn vùng sẽ mất khoảng 1 triệu tấn lúa do chịu ảnh hưởng của hạn, mặn, nhưng điều lo sợ nhất là nằm ở vụ hè thu tới đây. Vì theo dự báo, vụ hè thu sẽ có khoảng 500.000 ha, chiếm khoảng 30% diện tích, có khả năng sản xuất trễ lịch thời vụ, thậm chí không ít diện tích có thể không gieo sạ được.
Bởi một điều chắc chắn rằng, phải đợi đến khi mưa xuống vài đợt rửa phèn, mặn, vệ sinh đồng ruộng, sau đó người dân mới có thể xuống giống. Nếu như 500.000 ha diện tích lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng, giả sử năng suất khoảng 6 tấn/ha, ít nhất cũng mất thêm 3 triệu tấn lúa.
Tất nhiên, không có nghĩa là 500.000 ha lúa trong vụ hè thu sẽ bị mất trắng, mà tùy mỗi địa phương, có địa phương đã chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc. Nói gì thì nói, tổn thất do ảnh hưởng hạn, mặn năm nay vẫn còn tiếp tục lấn sang vụ hè thu sắp tới. Thật ra, thông tin này cũng chỉ mang tính dự báo là chính.
Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của cá nhân, khả năng lượng gạo hao hụt năm nay có thể dao động từ 1,5 - 1,6 triệu tấn, kể cả vụ đông xuân vừa qua (tương đương từ 3 - 3,2 triệu tấn lúa). Tuy nhiên, theo dự báo, trong năm nay cả nước có thể cân đối khoảng 8,6 triệu tấn gạo để xuất khẩu, nếu hao hụt đi 1,6 triệu tấn thì vẫn còn 7 triệu tấn cung ứng cho xuất khẩu.
* Phóng viên (PV): Về nguyên tắc, sản lượng giảm tức nguồn cung giảm sẽ dẫn đến tình trạng giá sẽ được đẩy lên cao, thưa ông?
* ÔNG LÂM ANH TUẤN: Đến thời điểm hiện nay, theo đánh giá của VFA, trong 2 tháng đầu năm 2016 cả nước đã xuất khẩu hơn 800.000 tấn gạo, gấp đôi so với cùng kỳ. Tổng giá trị hợp đồng đã ký cũng hơn 2,1 triệu tấn gạo; trong đó có hợp đồng của năm trước chuyển sang và hợp đồng thương mại mới trong năm 2016. Lượng gạo còn phải xuất khẩu theo hợp đồng đã ký vào khoảng 1,3 triệu tấn.
Điều đáng nói là nếu trừ các hợp đồng đã ký với Indonesia, Philippines của năm 2015 chuyển sang, các hợp đồng thương mại ký sau này có giá bán thấp; chẳng hạn như gạo 5% tấm gần đây có giá dưới 345 USD/tấn trong khi trước đó là 365 USD/tấn. 2 tuần gần đây, giá gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, trong khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chào giá bán 350 USD/tấn nhưng các đối tác chưa mua.
Giá nguyên liệu trong nước lại đang tiếp tục đà tăng, nên hầu hết DN cũng chưa dám ký hợp đồng mới, bởi giá thành gạo hiện đã ở mức 380 USD/tấn. Nếu lấy giá 380 USD/tấn để chào hàng, chắc chắn khách hàng nhập khẩu cũng sẽ chưa lưu tâm tới. Bài toán khó đang đặt ra là DN có dám tiếp tục mua vào với mặt bằng giá nguyên liệu cao như hiện nay hay không.
Các DN xuất khẩu cơ bản đã thu mua đủ chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. (Ảnh: Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát). |
* PV: Nhưng vì sao giá gạo nguyên liệu cứ liên tục tăng?
* ÔNG LÂM ANH TUẤN: Trước hết là ai cũng thấy thiệt hại do hạn, mặn, sản lượng giảm dẫn đến nguồn cung ít hơn, nên xảy ra tâm lý mua bán đón đầu để chờ giá lên. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng thực tế cho thấy rằng, bản thân người nông dân thấy lúa thất mùa, giá nhích lên nên có tâm lý trữ lại để chờ giá; hàng xáo cũng ghìm hàng; DN (bao gồm cả nhà máy xay xát, kho gạo...) cũng có tâm lý trữ hàng để chờ giá.
Thực tế cũng xảy ra hiện tượng là một số DN ngoài ngành cũng nhảy vào đầu tư trong lĩnh vực gạo. Tất cả các yếu tố này cộng lại đã đẩy giá nguyên liệu trong nước tăng cao.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá gạo nguyên liệu từ 7.400 đồng/kg, đến nay đã trên 8.000 đồng/kg. Với đà tâm lý là càng về cuối vụ đông xuân giá càng lên, khả năng sinh lợi lớn nên việc mua đón đầu càng tích cực hơn.
Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mang yếu tố tâm lý, chưa mang tính hiện thực, bởi đến thời điểm hiện nay chưa ai bán gạo ra được giá bằng với giá mua vào chứ chưa tính yếu tố có lãi. Trong khi các hợp đồng đã ký trước vụ đông xuân năm nay, hầu như DN nào cũng đã mua đủ chân hàng để giao.
Về cơ bản coi như các hợp đồng cũ đã kết thúc, dù cho số lượng gạo thực tế chưa giao hết. Nhu cầu tiêu thụ gạo sắp tới nếu có cũng chỉ dựa vào những hợp đồng mới chứ không phải từ những hợp đồng đã ký. Do vậy, dự báo đến cuối tháng 6 khó có hiện tượng sốt hàng vì nhu cầu gom hàng để giao là không có. Đến khi hết vụ đông xuân, không có hợp đồng xuất khẩu mới, nhiều khi giá lại quay đầu giảm.
* PV: Trước diễn biến hiện nay, liệu có xảy ra tình trạng “sốt” gạo như đã diễn ra những năm trước đây?
* ÔNG LÂM ANH TUẤN: Trước tình hình như hiện nay đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến nhưng đa phần là dự báo giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng lên; có người còn dự đoán có khả năng lặp lại tình trạng của năm 2009 - 2010 với giá bán cao chót vót, có hợp đồng bán với giá lên đến 1.200 USD/tấn; gạo trong nước thời điểm đó cũng rất cao, khoảng 20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, giá gạo cũng sẽ cao hơn mọi năm nhưng cũng không quá cao do chịu tác động từ các rào cản. Thứ nhất, khi xảy ra cơn sốt gạo những năm trước chưa có kho gạo dư thừa của Thái Lan.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thái Lan đang tồn kho trên 12 triệu tấn gạo nhưng chỉ còn sử dụng được khoảng 6 triệu tấn, nên Chính phủ Thái Lan đang có chủ trương bán nhanh số gạo này để không tiếp tục bị hư hao và giảm chi phí bảo quản. Do đó, khi xảy ra hạn, mặn ở các nước dẫn đến thiếu nguồn cung, Thái Lan sẽ có cơ hội tung ra lượng gạo tồn kho với giá rẻ, nhất là đối với gạo cấp thấp.
Thứ hai, đối với cây lương thực, hiện chỉ có lúa nước bị ảnh hưởng, một số chủng loại khác như bắp, lúa mì không bị ảnh hưởng, chưa kể trúng mùa, giá lại thấp. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng các nước sẽ chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ sang các loại lương thực khác thay cho hạt gạo. Chính những điều trên được dự báo sẽ cản đà tăng giá gạo lên mức quá cao.
* PV: Xin cảm ơn ông!
MINH THANH (thực hiện)
* PV: Còn theo nhận định của VFA như thế nào, thưa ông? * ÔNG LÂM ANH TUẤN: Hiện nay cũng chưa có nhận định nào được đưa ra một cách rõ ràng. Bởi hàng năm Việt Nam có 4 thị trường xuất khẩu gạo tập trung là Philippines, Malaysia, Indonesia và Cuba. Các DN xuất khẩu gạo sang thị trường Cuba hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn. 3 thị trường còn lại, Malaysia đến nay chưa mua gạo của Việt Nam, trong khi Indonesia, Philippines đã mua 1,5 triệu tấn từ cuối năm 2015, đến nay chưa có động thái gì thêm và dự báo đến những tháng cuối năm 2016 các thị trường này mới có động thái mới. Như vậy, sắp tới đây rất có thể Việt Nam sẽ không có những hợp đồng xuất khẩu gạo mang tính tập trung do các thị trường lớn đang trong tình trạng “nghe ngóng”. Riêng thị trường Trung Quốc lại đang “siết” kênh nhập khẩu tiểu ngạch, chỉ tập trung vào đường chính ngạch. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay thị trường Trung Quốc chỉ mới nhập khẩu gạo thơm, tấm chứ chưa nhập khẩu gạo thường của Việt Nam. Chưa kể, khi Trung Quốc mua theo đường chính ngạch, gạo Việt Nam phải chấp nhận sự cạnh tranh quyết liệt về giá với gạo của các nước, ưu thế sẽ thuộc về gạo nước nào có giá rẻ hơn, nên chúng ta cũng rất khó hy vọng bán gạo vào thị trường này với giá cao. Còn đối với DN, khi mua gạo nhập kho đến 3 tháng sau phải mất thêm chi phí khoảng 200 đồng/kg cho hao hụt, tái chế, lãi suất vay ngân hàng (tương đương 10 USD/tấn). Với giá thành mua vào hiện nay khoảng 380 USD/tấn, sau 3 tháng nếu bán dưới 390 USD/tấn coi như DN lỗ vốn. Trong khi hiện nay chưa có hợp đồng xuất khẩu tập trung mới nào để định hướng, vì các hợp đồng tập trung trước đây cho Malaysia, Philippines cơ bản đã giao xong. |