Quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình...”. Thật vậy, gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Làm thế nào để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là điều cả xã hội quan tâm. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL xoay quanh nội dung trên.
* PV: Xin ông cho biết chủ đề và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay có chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” với các khẩu hiệu: “Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc
20-3”, “Hãy hành động vì mục tiêu: Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Hãy tạo ra một môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” được lựa chọn.
Chủ đề này có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, thể hiện đầy đủ truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước cũng như sự đoàn kết, yêu thương của mỗi gia đình, chia sẻ giúp nhau trong cuộc sống, góp phần xây dựng mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội ngày càng phát triển, tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ.
* PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, những giá trị truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam đã và đang có sự thay đổi, ông nghĩ gì về điều này?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Quá trình phát triển của xã hội, nhất là kể từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển nhanh hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Sự tác động này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc giao lưu văn hóa, có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa mới; song mặt khác nó chứa đựng nguy cơ phá vỡ một số giá trị văn hóa truyền thống đã được tích lũy và tạo nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc ta. Ví dụ như: Biết ơn công lao của cha mẹ, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, tình làng nghĩa xóm, “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa tắt đèn có nhau”…
Vậy mà, một bộ phận trong xã hội có biểu hiện sống ích kỷ, thiếu cảm thông, chia sẻ, khoan dung; nền nếp, thời gian sinh hoạt dành cho gia đình rất ít, thậm chí rất khó thực hiện như: Bữa cơm chung, ngày giỗ chạp được tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần vẫn không đầy đủ các thành viên; lối sống của từng cá nhân bị chi phối bởi thời gian, việc làm, kinh tế gia đình, dẫn đến quan hệ gia đình có khi lỏng lẻo, quan hệ họ hàng, thân thích đôi lúc mờ nhạt; con cái thiếu trách nhiệm trong việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ… Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu bức thiết của toàn xã hội.
* PV: Để giữ gìn những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, chúng ta cần làm gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Để tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới; đồng thời tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống gia đình Việt Nam thì cần có sự thống nhất về nhận thức và sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình.
Các cấp ủy, chính quyền cần đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hàng năm. Cần tăng cường truyền thông giáo dục trong mỗi gia đình, đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi, đưa việc giáo dục những giá trị truyền thống vào trong nhà trường…
Xây dựng gia đình văn hóa phải gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; đẩy mạnh việc phổ biến các giá trị của văn hóa trong gia đình Việt Nam theo nội dung tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát huy vai trò của gia đình, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam ngày càng hoàn thiện về nhân cách...
Các tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở VHTT&DL tại Hội nghị sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: Thu Hoài |
* PV: Theo ông, để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, mỗi gia đình cần phải làm gì?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Để có một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trước hết mỗi gia đình phải xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh, chia sẻ thực sự. Khi có tình yêu, có sự hy sinh, chia sẻ của các thành viên trong gia đình thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn của cuộc đời, khi đã vượt qua được thì tình yêu thương sẽ ngày càng bền chặt và càng hạnh phúc hơn.
Mỗi người ai cũng có cách để xây dựng cho bản thân hay gia đình mình một cuộc sống no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển. Theo quan điểm của cá nhân tôi, để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc rất cần đến vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng từ tư duy, đạo đức, lời nói đến hành động; sự quan tâm, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của các thành viên trong gia đình để xây dựng cuộc sống hòa thuận, yêu thương, cùng chăm lo dạy dỗ cho con cái học hành, cùng chia sẻ công việc trong gia đình, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có điều kiện phát triển về trí lực, thể lực và tạo công việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng người; con cháu yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ.
Ngoài xã hội, từng thành viên phải có trách nhiệm chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động tại cộng đồng; quan tâm chia sẻ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trong điều kiện có thể; đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới và phải biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.
* PV: Xin cám ơn ông!
PV (thực hiện)