Tập trung giải quyết dứt điểm lượng hồ sơ cấp GCNQSDĐ tồn đọng
Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) liên quan đến hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh dù đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện; song tiến độ kê khai, đăng ký lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân còn chậm, lượng hồ sơ tồn đọng vẫn còn khá nhiều.
Trước tình hình trên, Báo Ấp Bắc có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).
* PV: Xin bà cho biết tiến độ cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh hiện đến đâu?
* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Từ ngày 1-8-2015 đến 3-3-2016, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (gọi tắt là Văn phòng) tiếp nhận 8.480 hồ sơ đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân từ 11 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các huyện, thị, thành (gọi tắt là Chi nhánh), trong đó Sở TN-MT đã giải quyết cấp giấy chứng nhận 7.438/8.480 hồ sơ, đạt 87,7%; có 4.913 hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận (do đo đạc sai, hợp đồng công chứng sai, đơn sai thông tin…) phải chuyển trả về các Chi nhánh để chỉnh sửa, bổ sung đúng theo quy định.
* PV: Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hồ sơ tồn đọng nhiều?
* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Tình trạng hồ sơ tồn đọng nhiều do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, do thiếu nhân lực và lực lượng nhân sự mới chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Cụ thể, ở bộ phận chuyên môn cấp giấy chứng nhận, trước khi lập Văn phòng có 3 cán bộ, nhân viên để giải quyết hồ sơ đất của các tổ chức. Nay do yêu cầu phải giải quyết luôn hồ sơ hộ gia đình, cá nhân đã làm không xuể nên phải tuyển dụng hợp đồng lao động ngắn hạn 30 nhân viên và liên tục tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu cấp giấy tại Văn phòng và Chi nhánh.
Nhân viên mới hợp đồng phải mất thời gian đào tạo, hướng dẫn và trải qua thực tiễn công tác mới dần dần đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với bộ phận đo đạc, trước khi thành lập Văn phòng có 12 cán bộ, nhân viên; nay đã tăng lên 28 cán bộ, nhân viên và đang tuyển dụng thêm để tăng cường cho các Chi nhánh.
Hai là, do số lượng hồ sơ nhiều, trong khi nhân lực ít: Bình quân trong tuần, hồ sơ đo đạc cần giải quyết từ 600 - 700 tại 173 đơn vị xã, phường, thị trấn, trong khi chỉ có 64 cán bộ, nhân viên đo đạc tại 11 Chi nhánh. Mặt khác, hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân cần giải quyết từ 900 - 1.000 hồ sơ/tuần, mà trước đây chỉ có 52 cán bộ, nhân viên tại 11 Chi nhánh giải quyết, từ đó dẫn đến số lượng hồ sơ tồn.
Ba là, do trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên ở các Chi nhánh còn yếu dẫn đến năng suất giải quyết công việc thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân. |
* PV: Được biết, ngay sau khi Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kết thúc đợt giám sát về tình hình cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình, cá nhân tại nhiều địa phương trong tỉnh, lãnh đạo Sở TN-MT đã có nhiều động thái tích cực. Kết quả thế nào, thưa bà?
* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Trước thời điểm Văn phòng bắt đầu hoạt động (từ ngày 1-8-2015), còn tồn đọng 6.419 hồ sơ cấp giấy chứng nhận và 5.000 hồ sơ đo đạc tại các Chi nhánh.
Để giải quyết nhanh lượng hồ sơ tồn đọng này và các hồ sơ phát sinh từ ngày 1-8-2015 trở về sau, Sở TN-MT đã cho phép Văn phòng hợp đồng thêm cán bộ, viên chức có nghiệp vụ để tăng thêm nhân lực; làm thêm ngoài giờ hành chính; tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; luân chuyển cán bộ, viên chức có kinh nghiệm để tăng cường cho các Chi nhánh còn yếu; ưu tiên giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.
Đến nay, Sở TN-MT đã giải quyết 100% hồ sơ tồn đọng trước ngày 1-8-2015 (6.419 hồ sơ) và 87,7% hồ sơ đủ điều kiện phát sinh từ ngày 1-8-2015 đến 3-3-2016. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, số lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận phải chuyển trả về chỉnh sửa, bổ sung còn nhiều (4.913 hồ sơ), Sở TN-MT sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới.
* PV: Xin cảm ơn bà!
HOÀI THU (thực hiện)