Thứ Hai, 21/03/2016, 08:22 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ LƯƠNG NGỌC TRUNG LẬP:

Cần đầu tư phát triển hệ thống thương mại vùng sản xuất thanh long

Mặc dù có những khó khăn nhưng xuất khẩu (XK) thanh long của nước ta năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: Dù giá cả biến động, có khi thanh long rớt giá chỉ còn từ 1 - 2 ngàn đồng/kg, nhưng thị trường XK thanh long luôn tăng trưởng rất ấn tượng

. Minh chứng là XK thanh long năm 2005 đạt 10,4 triệu USD, năm 2010 đạt 59 triệu USD, năm 2014 đạt 265 triệu USD, đến năm 2015 tăng lên 465 triệu USD. Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập về giải pháp đẩy mạnh XK thanh long, nâng cao giá trị kinh tế cho trái thanh long.

 

* Phóng viên (PV): Tiến sĩ có thể cho biết những khó khăn, tồn tại của XK trái thanh long hiện nay nói chung, Tiền Giang nói riêng là gì?

* Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập: Vùng chuyên canh sản xuất thanh long của Việt Nam chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Bình Thuận chiếm 70% sản lượng XK thanh long, Long An và Tiền Giang chiếm 30%.

Thị trường Trung Quốc tương đối dễ tính nên phần lớn sản lượng thanh long  của nước ta được XK sang Trung Quốc, nhưng giá bán không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro và liên tục biến động. Hơn nữa, hiện Trung Quốc đã bắt đầu trồng thanh long tại nước họ với quy mô lớn nên việc XK sang Trung Quốc sẽ càng trở ngại hơn. 

Đối với trái thanh long XK sang thị trường châu Âu giá cả rất cao, nhưng đòi hỏi thanh long phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng. Trong khi đó, thanh long Việt Nam chủ yếu sản xuất theo kinh tế hộ gia đình, việc đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế. Nông dân thường có tâm lý cho rằng khi thanh long vào vụ thì giá rẻ, vì thế không chú trọng chăm sóc, dẫn đến trái không đạt chất lượng, không thể XK.

Tiền Giang hiện có trên 5.000 ha thanh long, nhưng chỉ có trên dưới 120 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó, Bình Thuận có trên 60% diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trước đây, diện tích trồng thanh long của Tiền Giang hơn hẳn Long An, nhưng vài năm trở lại đây Long An đã vượt qua Tiền Giang trên 1.000 ha. So về hệ thống thương mại với Long An, thì Tiền Giang phát triển khá chậm. Long An hiện có trên 40 công ty mua bán, đóng gói thanh long, còn Tiền Giang chỉ có 2 - 3 công ty. Vì thế, nhiều công ty của Long An, Bình Thuận phải đến Tiền Giang mua thanh long, việc thương lái ép giá là điều không tránh khỏi.  

* PV: Để XK thanh long ổn định, người dân yên tâm sản xuất, Tiền Giang cần có những giải pháp gì, thưa Tiến sĩ?
* Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập: Hiện tại, thị trường XK thanh long đã rộng mở (trên 40 nước, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm gần 90%), vấn đề ở đây là nằm ở khâu sản xuất, xúc tiến thương mại và nhiều vấn đề khác như giao thông… Những vấn đề này không riêng gì ở Tiền Giang mà các tỉnh khác cũng gặp phải.

Nông dân Tiền Giang chăm sóc thanh long.
Nông dân Tiền Giang chăm sóc thanh long.

Việc đầu tư sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân là rất tốt, nhưng sản xuất ra mà không có người mua thì cũng bằng không.Vì thế, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thương mại. Kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng thu mua, đóng gói thanh long XK.

Các cấp, các ngành hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để thanh long đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường khó tính, bán được giá cao như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc ngày càng nhiều hơn. Điển hình như: Vào tháng 10, 11-2015, khi thanh long trong nước rớt giá chỉ còn từ 2 - 3 ngàn đồng/kg, thì có thị trường trả gần 20 ngàn đồng/kg nhưng không có thanh long đạt chuẩn để XK.

Khuyến khích nông dân trồng thanh long ruột trắng, vì thanh long ruột trắng là một trong những lợi thế. Sản lượng thanh long XK hiện nay thì ruột trắng vẫn chiếm ưu thế. Sở dĩ trong thời gian qua thanh long ruột đỏ có giá là do trúng vào các dịp lễ, tết. Hiện tại, các nước trồng được thanh long như Malaysia, Philippin thì chỉ trồng thanh long ruột đỏ.

Thị trường Trung Quốc nhập khẩu thanh long ruột đỏ để chưng, cúng trong các dịp lễ, hội; người Trung Quốc ít ăn thanh long ruột đỏ. Vì thế, thanh long ruột đỏ chỉ có giá từ 1 - 2 đợt trong năm. Trong khi đó thanh long cho thu hoạch một năm từ 10 - 12 đợt trái. Bên cạnh, do cấu trúc của trái thanh long ruột đỏ mềm nên khó vận chuyển đi xa (tổn thất sau thu hoạch) hơn thanh long ruột trắng.

Sản lượng XK thanh long đa phần phụ thuộc vào nguồn hàng của tỉnh Bình Thuận (chiếm 70%). Vì thế, lãnh đạo tỉnh, địa phương cũng cần có kế hoạch phát triển cây thanh long theo hướng tập trung, phá bỏ ranh giới địa phương, cục bộ.

Vào mùa khô (tháng 3 - 4 hàng năm), sản lượng thanh long Bình Thuận sẽ giảm do ảnh hưởng của thời tiết (thiếu điện để xông đèn cũng như thiếu nước tưới). Tiền Giang, Long An sẽ có lợi thế hơn, vì thế người dân cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc thanh long đạt chất lượng để có nguồn hàng XK.  

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

P. MAI (thực hiện)

.
.
.