Liên hiệp hội: Đoàn kết - Trí tuệ - Sáng tạo - Phát triển
Chào mừng Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 - 2021, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) về kết quả hoạt động của Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ qua và phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.
* Phóng viên (PV): Liên hiệp hội là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học trong tỉnh, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN). Xin ông cho biết trong thời gian qua, công tác tập hợp đội ngũ trí thức cũng như những đóng góp của đội ngũ này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà như thế nào?
*Ông TRẦN HOÀNG DIỆU: Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2015, Tiền Giang có trên 22.000 trí thức, trong đó trên 1.000 người có trình độ sau đại học.
Phần lớn trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được trí tuệ, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, có nhiều công trình khoa học được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong các ngành, các lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, y tế, văn hóa, giáo dục…
Hàng năm, tỉnh có hàng trăm sáng kiến, sáng tạo của đội ngũ trí thức được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Trí thức tỉnh được UBND tỉnh cho phép thành lập, có 3 tiểu ban chuyên môn, thu hút trên 180 hội viên tham gia, góp phần tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức KH-CN thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của Liên hiệp hội cùng các ngành liên quan, đến nay UBND tỉnh đã tổ chức lễ tôn vinh “Trí thức KH-CN tiêu biểu” 3 lần với 46 cá nhân (gắn với vinh danh các tân tiến sĩ). Qua đó, đã góp phần khích lệ, động viên đội ngũ trí thức tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu KH-CN vào sản xuất và đời sống, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Hầu hết những công trình khoa học của trí thức đều được ứng dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong lĩnh vực nông nghiệp có công trình “Giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy” của đồng tác giả TS. Nguyễn Văn Khang và TS. Lê Hữu Hải; lĩnh vực công nghiệp có công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong việc quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh của Kỹ sư Đặng Thanh Liêm; lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo có công trình nghiên cứu: “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, “Chương trình giáo dục tiểu học” và 3 đề tài nhánh của TS. Trần Thanh Đức.
Lĩnh vực y tế có công trình “Tư vấn sức khỏe cộng đồng qua tổng đài điện thoại 1088” của TS. Nguyễn Hùng Vĩ; đề tài “Phẫu thuật sa sinh dục tại Bệnh viện Đa khoa Cái Bè” của BS. CKI Bùi Văn Nghiêu và công trình “Túi cấp cứu ban đầu chống sốc phản vệ của điều dưỡng” của điều dưỡng CKI. Nguyễn Thị Mỹ Linh …
*PV: Với chức năng thông tin, phổ biến kiến thức KH-KT mới, vận động, ứng dụng tiến bộ KH-KT phục vụ sản xuất đời sống, trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội đã đạt những kết quả ra sao, thông qua các Hội thi, cuộc thi sáng tạo?
*Ông TRẦN HOÀNG DIỆU: Từ năm 2009 đến nay, Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao nhiệm vụ Thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) lần thứ 7,8,9,10,11 và hiện đang tổ chức Hội thi lần thứ 12. Kết quả qua 5 lần tổ chức đã nhận được 406 giải pháp dự thi, có 106 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 7 giải Nhất, 14 giải Nhì, 17 giải Ba, 67 giải Khuyến khích.
Ban Tổ chức gửi tham dự Hội thi toàn quốc 43 giải pháp, trong đó có 1 giải pháp đạt giải Nhất cấp Quốc gia: Hoàn thiện giải pháp kỹ thuật cho máy gặt đập liên hợp; 3 giải pháp đạt giải Khuyến khích gồm: Bộ điều khiển điện tử kiểm soát tần số - điện áp và phối trộn nhiên liệu của máy phát điện sử dụng biogas; Mô hình chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị và Máy cuốn rơm tự động đã mang lại lợi ích xã hội rất lớn, được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội Tiền Giang, UBND tỉnh trao đổi với đại biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2015. |
Đối tượng tham gia dự thi đa dạng từ cán bộ quản lý Nhà nước, nhà khoa học, giáo viên, bác sĩ, doanh nhân đến sinh viên, nông dân… ở nhiều lứa tuổi. Trong đó, điển hình có những “kỹ sư không bằng cấp” có nhiều giải pháp đạt giải, được ứng dụng vào thực tế sản xuất, đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực như ông Lê Phước Lộc (xã An Hữu, huyện Cái Bè) với nhiều giải pháp như: Máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu, kéo cắt cành, máy dập lỗ màng phủ nông nghiệp.
Hay có nhiều nhà sáng chế đã sáng tạo ra từ thực tiễn cuộc sống các loại máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất và đời sống như ông Phạm Văn Thăng xã Tân Hương, huyện Châu Thành đã sáng chế ra: Dụng cụ súc rửa ống nước trong lòng đất; dụng cụ xả hơi trong đường ống của hệ thống bơm nước giếng; báo thức chống trộm cắt dây điện; thiết bị khoan để lắp ống nước trong lòng đất... nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế và đem lại hiệu quả thiết thực.
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (Cuộc thi) ngày càng đi vào chiều sâu, có nhiều sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn lao động, học tập. Từ năm 2008 đến nay, Liên hiệp hội đã tổ chức 9 lần Cuộc thi, hàng năm có trên 350 mô hình, sản phẩm dự thi của các tác giả trong độ tuổi từ 6 - 19. Có trên 300 mô hình, sản phẩm đạt giải cấp tỉnh và gần 30 giải thưởng toàn quốc. Tham dự Cuộc thi sáng tạo trẻ quốc tế, Tiền Giang đạt 1 Huy chương Bạc với mô hình Thiết bị chống trộm.
* PV: Trong quá trình hoạt động, Liên hiệp hội có gặp khó khăn, trở ngại gì không, thưa ông?
*Ông TRẦN HOÀNG DIỆU: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Liên hiệp hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Tổ chức của Liên hiệp hội tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; tỷ lệ trí thức được tập hợp trong các tổ chức của Liên hiệp hội còn thấp, đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài;
Liên hiệp hội chưa được giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển KH-CN, giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường, chính sách đối với trí thức; chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi để trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển của địa phương và đất nước; một số vấn đề quan trọng cần có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội phần lớn vẫn chưa được các ban, ngành và chính quyền địa phương chủ động đặt vấn đề…
* PV: Trong nhiệm kỳ mới, Liên hiệp hội có những giải pháp cụ thể nào để phát huy tối đa vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của Liên hiệp hội trong các lĩnh vực hoạt động KH-CN?
*Ông TRẦN HOÀNG DIỆU: Để phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất của đội ngũ trí thức KH-CN, trong thời gian tới Liên hiệp hội phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tăng cường tuyên truyền vị trí, vai trò của Liên hiệp hội là tổ thức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của trí thức KH-CN ở trong và ngoài tỉnh; thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; đồng thời bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý, bảo đảm theo quy trình, phát huy được năng lực chuyên môn, sở trường của trí thức, kể cả trí thức ngoài Đảng.
Hai là, với trên 22.000 trí thức trong tỉnh hiện nay, đội ngũ này cần được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, góp phần chuyển giao các thành tựu KH-CN ứng dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ gia đình và kinh tế đặc thù địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Ba là, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động 09-CTr/TU của Tỉnh ủy (khóa VIII) thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức gắn liền với các hoạt động chuyên môn của Liên hiệp hội, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức, hội viên phát huy khả năng, trí tuệ trong giải quyết công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, nghiên cứu phương thức thu hút trí thức trẻ, trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động của Liên hiệp hội; đề xuất thành lập Câu lạc bộ trí thức Việt kiều tỉnh nhằm tập hợp trí thức ở các lĩnh vực KH-CN tham gia hiến kế; hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Năm là, Liên hiệp hội và Hội thành viên tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phổ biến kiến thức KH-CN và tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong quá trình xây dựng các chương trình, dự án, quy hoạch lớn của tỉnh.
Sáu là, xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo KH-KT để hỗ trợ những tài năng khoa học trẻ; đầu tư cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu nhưng hoàn cảnh khó khăn, người dân có phát minh, sáng kiến hay bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.
Bảy là, tăng cường hợp tác về hoạt động chuyên môn giữa trí thức của tỉnh với trí thức trong các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và phát triển KH-CN theo hướng ngày càng xem trọng chất lượng, hiệu quả.
* PV: Xin cảm ơn ông!
P. MAI (thực hiện)