Thứ Tư, 08/06/2016, 16:33 (GMT+7)
.

Ông Trần Đỗ Liêm: Hội nhập phải bắt đầu ngay từ trong nước

Xung quanh tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua, cùng việc chuẩn bị tâm thế để hội nhập sâu trong thời gian tới, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về tình hình “sức khỏe” của DN Tiền Giang hiện nay?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Nhìn tổng thể thì phần lớn DN trong tỉnh đang hoạt động bình thường, với nhịp điệu tương đương năm 2015. DN nào có thị trường dài hạn, ổn định thì vẫn tăng truởng khá; tuy nhiên số DN giải thể cũng nhiều, đây là tình hình chung của cả nuớc.

Lý do có nhiều, trong đó không loại trừ DN giải thể để né thuế. Vì thế, số DN giải thể có thể là con số ảo, chưa phản ánh đúng tình hình “sức khỏe” chung của các DN. Tăng trưởng của các DN so với cùng kỳ năm 2015 tăng khoảng 5% - 8% nhưng phần đông trong đó là những DN đã có “tên tuổi” trên thương trường.

* PV: Ông vừa nói về con số ảo các DN giải thể. Theo ông, Nhà nuớc cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

* Ông Trần Đỗ Liêm: “Số ảo” ở đây muốn nói số DN đăng ký, cũng như giải thể hàng năm không đúng so với thực tế về số học cũng như thực chất. Ví dụ đăng ký DN nhưng không triển khai kinh doanh được, “chết rồi nhưng không chôn được”, con số này cũng chiếm tỷ lệ khá cao; hoặc giải thể nhưng thực chất là động tác “thoát xác”, làm thủ tục xóa tên này rồi đăng ký với tên DN khác để hưởng chế độ miễn thuế thu nhập DN 3 năm đầu của Nhà nước theo quy định…

Do  đó khi thống kê con số cần điều tra tìm hiểu kỹ nguyên nhân, thì khi đánh giá sự tăng giảm DN hàng năm mới xác thực nhất. Làm được điều này sẽ thể hiện công tác quản lý DN của Nhà nuớc tốt hơn. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tạo sự công bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tìm thêm những giải pháp để hỗ trợ DN đầu tư mới, thay vì chỉ miễn, giảm thuế như thời gian qua.

* PV: Các DN, cụ thể là DN Tiền Giang cần làm gì truớc xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Trong giai đoạn tới, nếu các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế (AEC, TPP, FTA, VNEU…) có hiệu lực sẽ có tác động lớn hơn nhiều các cam kết trong khuôn khổ WTO cũng như các hiệp định trước đây. Do đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới sẽ đặc biệt sôi động; với hàng loạt cam kết hội nhập về kinh tế, ở mức độ cao hơn, đòi hỏi chúng ta phải triển khai đều ở cả 2 kênh là: Hội nhập trong nước và hội nhập ngoài nước.

Vì thế, DN cần chú trọng hơn tới hội nhập trong nước, tranh thủ các cơ hội mới để phát triển. Đầu tiên, cần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN và của cả nền kinh tế. Kế đến, thông qua các FTA, các DN Việt Nam có cơ hội mở rộng và tiến sâu hơn vào các thị trường quan trọng nhất trên thế giới.

Cụ thể là việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hầu hết về 0%, còn lại dưới 5%. Gián tiếp hơn là việc tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, hoặc có thể các rào cản này vẫn tồn tại nhưng có cơ chế kiểm soát để không bị tùy tiện lạm dụng hoặc cản trở thương mại.

Ngoài ra nhờ được hưởng ưu đãi theo các FTA, lượng và chất của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ có điều kiện gia tăng. Các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm, tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng nội địa và toàn cầu. Nhờ đó, các DN sẽ có thêm cơ hội để tranh thủ được vốn đầu tư, tri thức, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác của thế giới để phát triển.

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang.
Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang.

* PV: Riêng khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi thì sao, thưa ông?

* Ông Trần Đỗ Liêm: TPP là hiệp định tổng hợp liên quan tới 12 thị trường lớn hiện tại và tiềm năng của Việt Nam, nó có nhiều nội dung rộng và sâu bao trùm ngoài kinh tế thương mại thông thường, như xuất xứ hàng hóa, lao động, môi trường…

Do đó thông tin về hiệp định, các DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng nếu muốn tận dụng cơ hội do hiệp định mang lại cho sản phẩm hiện tại và tương lai. Việc này vừa qua xem ra các DN Tiền Giang chưa làm được bao nhiêu, mặc dù đã có DN chủ động tìm kiếm khi có cơ hội. Thiết nghĩ, DN cần chủ động tìm hiểu, thích ứng bên cạnh sự hỗ trợ thông tin từ phía các nghiệp đoàn, Nhà nước.

* PV: Như thế thì vai trò của Hiệp hội DN trong thời gian tới phải như thế nào?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Hiệp hội cần xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, kết hợp với các ban, ngành trong tỉnh, lãnh đạo các hội Trung ương… tìm kiếm nguồn kinh phí để trực tiếp hoặc tham mưu, cùng tổ chức các hội thảo, hội nghị cung cấp thông tin chính xác nhất, quan trọng nhất, đầy đủ nhất các hiệp định song phương, đa phương mà chính phủ đã ký sẽ có hiệu lực trong tương lai cho DN để DN lựa chọn thị trường, sản phẩm, nhà cung cấp hay nhà tiêu thụ… mà mình có lợi thế cạnh tranh.

Cần thiết phải tập huấn chuyên môn theo chủ đề như: Thanh quyết toán, yêu cầu về kiểm dịch, làm sạch, các tiêu chuẩn an toàn chất lượng hàng hóa ở mỗi thị trường khác nhau, từ đó giúp DN chủ động chuẩn bị đầu tư thiết bị sản xuất sản phẩm của mình. Khi hiệp định có hiệu lực, DN có thể là người đầu tiên tự tin đi trước tham gia ký kết hợp đồng để tranh thủ cơ hội…

* PV:  Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

“Hội nhập sâu rộng là không chỉ bán hàng hay đầu tư ra nước ngoài, mà ngay cả ở trong nước cũng phải chuẩn bị để hội nhập, vì ở đâu cũng “có ta có người” kinh doanh cùng một chính sách, hay nói cách khác là “cùng một sân chơi, một trọng tài”.

Vì vậy, DN cần tự làm mới mình như: Nhân viên phải chuyên nghiệp, thực hiện phương pháp quản lý hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, nắm chắc luật pháp, các điều ước quốc tế liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình mà Nhà nước đã ký kết, để áp dụng trong hợp đồng kinh tế thanh quyết toán tiền hàng, xử lý khi có tranh chấp... Tiếp cận thông tin chính xác về thị trường và đối tác của mình trước khi giao dịch…” -  ông Trần Đỗ Liêm

 

.
.
.