BSCKII Lê Đăng Ngạn: Cần tiêm đúng, đủ liều vắc xin ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu tái xuất hiện trở lại tại tỉnh Bình Phước, khiến một bộ phận người dân trong tỉnh đâm hoang mang và đặt câu hỏi: Liệu bệnh này có xảy ra tại Tiền Giang và làm cách nào để phòng tránh hiệu quả? BSCKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết:
Trẻ em cần được tiêm ngừa đúng lịch khuyến cáo và tiêm đầy đủ liều để ngừa bệnh bạnh hầu. |
Bạch hầu là bệnh được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trên 35 năm qua. Tại Tiền Giang, hơn 15 năm qua đã không xảy ra trường hợp mắc bệnh bạch hầu, do công tác tiêm chủng của tỉnh được thực hiện tốt, với độ bao phủ tiêm chủng hàng năm trên 96%. Có thể nói rằng, thành quả phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu đã được thực hiện rất tốt.
Để phòng tránh bệnh bạch hầu, cách tốt nhất hiện nay là tiêm chủng. Vắc xin ngừa bệnh bạch hầu sẽ được tiêm 4 mũi, chỉ định cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; đặc biệt, vắc xin này phát huy hiệu quả tối ưu khi trẻ được tiêm đúng theo lịch tiêm chủng: Tiêm vào tháng tuổi thứ 2, thứ 3, thứ 4 và sau đó tiêm nhắc lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi để củng cố, tăng cường miễn dịch. Trong trường hợp vì lý do nào đó trẻ tiêm thiếu mũi thì phải được tiêm bổ sung vào thời gian gần nhất.
* PV: Thưa bác sĩ, trong số những ca mắc bạch hầu tại tỉnh Bình Phước vừa qua, có trường hợp trẻ đã được tiêm ngừa. Vậy hiệu quả bảo vệ của vắc xin ra sao?
* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Theo thông báo của Bộ Y tế, có 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại tỉnh Bình Phước bệnh nhân đã được tiêm chủng. Vấn đề này có thể giải thích như sau:
Thứ nhất, hiệu quả bảo vệ của vắc xin nói chung và vắc xin bạch hầu nói riêng là không phải tuyệt đối, tức không phải 100% người tiêm ngừa đều không bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Tỷ lệ bảo vệ của vắc xin chỉ trên 95% là đã quá tốt, tức là có một tỷ lệ nhỏ người tiêm ngừa vẫn mắc bệnh.
Thứ hai, ngoài chất lượng vắc xin thì việc tiêm ngừa muốn đạt hiệu quả cao nhất phải đảm bảo tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm và đúng kỹ thuật. Mỗi loại vắc xin sẽ phát huy hiệu quả khi được tiêm đúng kỹ thuật quy định, nếu tiêm sai kỹ thuật thì vắc xin bị hạn chế tác dụng hoặc không phát huy tác dụng. Chỉ cần không đảm bảo 1 trong 3 yếu tố trên thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ bị hạn chế ngay.
* PV: Bác sĩ vui lòng hướng dẫn người tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc chưa được tiêm chủng bạch hầu cách phòng bệnh bạch hầu?
* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm ngừa vắc xin đúng và đủ liều. Tuy nhiên, vắc xin bạch hầu hiện chỉ chỉ định cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, do đó những trẻ lớn tiêm chưa đủ mũi hoặc người lớn chưa được tiêm ngừa thì cách bảo vệ khỏi bệnh là tránh tiếp xúc nguồn lây, vì bệnh bạch hầu là bệnh lây truyền do tiếp xúc.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, trẻ em và người lớn nếu không cần thiết thì không đến bệnh viện, vì nơi đây có nhiều nguồn lây bệnh nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng. Trong trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang khi tiếp xúc và vệ sinh cá nhân bằng xà bông sát khuẩn sau khi tiếp xúc.
Thực hiện cách ly người bệnh ít nhất 2 ngày sau khi điều trị kháng sinh thích hợp; vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi của trẻ… bằng dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, mọi người cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà bông, đảm bảo rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
* PV: Ngành Y tế có kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu như thế nào?
* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Dù đã nhiều năm tỉnh không xảy ra ca mắc bệnh bạch hầu, nhưng điều đáng ngại của tỉnh hiện nay là sự xâm nhập bệnh từ vùng dịch do yếu tố giao lưu giữa các vùng, miền. Trong quá trình giao lưu, người chưa tiêm chủng và tiêm chủng không đủ liều sẽ dễ dàng mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
Ngành Y tế tổ chức truyền thông để người dân biết về bệnh và chủ động phòng tránh. Cảnh giác khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường để đến cơ sở y tế khám bệnh và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời.
Khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng và đủ liều, nếu vì lý do nào đó trẻ bị trì hoãn tiêm ngừa thì bậc người lớn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm ngừa đầy đủ với thời gian gần nhất so với lịch hẹn của cán bộ y tế. Chọn tiêm ngừa dịch vụ cũng cần đảm bảo thực hiện đúng lịch tiêm đã hẹn.
Hiện tại, ngoài nguồn vắc xin tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí tại trạm y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng có đủ nguồn vắc xin dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người dân.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ
(thực hiện)