Thứ Tư, 10/08/2016, 10:42 (GMT+7)
.

Ông Nguyễn Thiện Pháp: Nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thiên tai

Mùa bão, lũ và triều cường đang bắt đầu. Trao đổi về công tác chủ động ứng phó với thiên tai năm 2016 được dự báo khá phức tạp, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH) tỉnh cho biết:

Sau hạn, mặn gay gắt do tác động từ hiện tượng El Nino, cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định có từ 52% - 57% khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào cuối mùa mưa. Tuy mùa mưa đến muộn hơn trung bình nhiều năm nhưng cuối mùa, mưa sẽ nhiều do tác động của hiện tượng La Nina.

Cũng theo nhận định của ngành này, năm nay không có lũ lớn. Dù vậy, Thường trực BCH tỉnh vẫn khuyến cáo các huyện, thị phía Tây không vì dự báo đó mà chủ quan. Thường trực BCH tỉnh và các huyện, thị khu vực này cũng đã tiến hành kiểm tra những diện tích lúa xuống giống trễ vụ để có kế hoạch củng cố các ô bao bảo vệ.

Đối với bão, dự báo cho rằng, năm nay bão ít hơn trung bình nhiều năm. Song, bão sẽ xuất hiện tập trung vào cuối mùa mưa với diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện những cơn bão mạnh ở vĩ độ thấp ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ.

Để chủ động ứng phó với thiên tai năm nay, thời gian qua, BCH tỉnh đã tiến hành tổng kết công tác phòng, chống lụt bão; rà soát các phương án ứng phó lũ, bão, áp thấp nhiệt đới; triển khai các chỉ thị, kế hoạch phòng, chống lụt bão năm 2016.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tháng 7 vừa qua, Thường trực BCH tỉnh đã đi kiểm tra, triển khai công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai ở các địa phương. Đến nay, các địa phương đã tổng kết công tác phòng, chống thiên tai; kiện toàn BCH cấp xã, huyện; rà soát phương án phòng, chống thiên tai...

* Phóng viên (PV): Tình hình sạt lở phía Tây đang diễn biến rất phức tạp, chúng ta có những giải pháp nào khi mùa lũ đang đến gần?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Qua đợt kiểm tra vừa qua, BCH tỉnh nhận thấy rằng sạt lở năm nay rất lớn cả về quy mô, số vụ cũng như tần suất xuất hiện. Trên cơ sở đề xuất của các huyện về xử lý sạt lở, BCH tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho các huyện xử lý khẩn cấp để đảm bảo trước mùa lũ và triều cường.

Cùng với đó, trước diễn biến này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT mời các nhà tư vấn có kinh nghiệm khảo sát, từ đó đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả và bền vững. Sở NN&PTNT cũng đã bàn với các huyện về tăng cường công tác phòng sạt lở trên địa bàn.

Trước đây, do hạn chế về kinh phí, chúng ta chỉ tiến hành xử lý khi xảy ra sạt lở, còn bây giờ, chúng ta phát động phòng sạt lở trong dân, dành một phần kinh phí xây dựng một số mô hình, giải pháp phòng sạt lở.

* PV: Rừng phòng hộ bị xâm thực, đê biển, vùng ven biển ở huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông bị xói lở rất nghiêm trọng đe dọa đến sản xuất, cũng như tính mạng của người dân. Chúng ta có những biện pháp gì bảo vệ sản xuất và người dân ở những khu vực nguy cơ cao này, thưa ông?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Hiện nay, tình hình sóng biển xâm thực rừng phòng hộ, xói lở đê biển và các khu vực ven biển ở huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông rất nghiêm trọng. Có thể nói, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ 6 năm qua chỉ đủ khắc phục xói lở chứ chưa thể chủ động nâng cấp đê biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, với nguồn vốn Trung ương phân bổ khoảng 26 tỷ đồng, tỉnh đã cho xử lý cấp bách chống xói lở đê biển ở những nơi đai rừng mỏng hoặc không còn và việc thi công đang đảm bảo tiến độ.

Nói chung, dù có bị động nhưng qua đây chúng ta có một số kế hoạch chủ động như ứng vốn từ ngân sách của tỉnh để xử lý trong tình huống cấp bách, sau đó ngân sách Trung ương hoàn trả sau nên nhìn chung công tác ứng phó thiên tai cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, tìm giải pháp bảo vệ bền vững đê biển, tỉnh đang cho thí điểm dự án “kè mềm” khoảng 1 km. Đây là giải pháp giảm sóng, tạo bãi phát triển rừng phòng hộ bảo vệ bền vững đê biển. Dự án này thành công làm cơ sở để triển khai cho những đoạn đê xung yếu còn lại.

Từ ấp Cầu Muống đến ấp Đèn Đỏ của xã Tân Thành, nhiều nơi sóng biển gây xói lở ăn sâu vào đất liền cả trăm mét.
Từ ấp Cầu Muống đến ấp Đèn Đỏ của xã Tân Thành, nhiều nơi sóng biển gây xói lở ăn sâu vào đất liền cả trăm mét.

Ngoài đê biển, hiện nay, tại một số khu vực ấp Cầu Muống cũng bị xói lở nghiêm trọng đe dọa đến 47 hộ dân đang sinh sống và 220 hộ dân ở ấp Đèn Đỏ thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) sống ngoài đê rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.

Ở 2 khu vực này, tỉnh đã cho chủ trương lập dự án di dời những hộ dân này đến nơi ở an toàn. Tại huyện Tân Phú Đông cũng đang xảy ra sạt lở mạnh ở bờ sông Cửa Trung và ven biển thuộc xã Phú Tân. BCH tỉnh đã xin UBND tỉnh cho chủ trương huyện xử lý khẩn cấp.

* PV: Công tác chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão được Trung ương và tỉnh quan tâm. Đến nay, công tác này được chủ động, triển khai như thế nào?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh, năm 2015, BCH tỉnh và 4 huyện, thị phía Đông đã xây dựng xong phương án phòng, chống bão mạnh, siêu bão và đã được phê duyệt.

Hiện nay, chúng ta chỉ rà soát lại phương án phòng, chống bão mạnh, siêu bão như rà soát lại kế hoạch di dân, phương tiện di dân, lực lượng di dân khi xảy ra bão so với năm 2015. Đặc biệt, huyện Tân Phú Đông là nơi xung yếu khi bão xuất hiện.

Ngoài rà soát lại phương án phòng, chống bão, đặc biệt là siêu bão, huyện còn phải rà soát lại các điểm xung yếu trên địa bàn; đồng thời đánh giá lại khả năng ứng phó bão của các công trình cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư trong thời gian qua.

Cùng với chủ động ứng phó với bão, Thường trực BCH tỉnh còn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các phương án phòng, chống động đất, sóng thần để người dân chủ động ứng phó khi xảy ra thảm họa, thiên tai.

* PV: Những công việc còn lại cần làm từ nay đến hết mùa mưa bão là gì, thưa ông?

* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Sau khi kiện toàn BCH các cấp, rà soát các phương án phòng, chống thiên tai, hiện nay các địa phương đang thực hiện đề án nâng cao năng lực cộng đồng và nâng cao năng lực BCH trong ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gồm tập huấn kiến thức về thiên tai và cách ứng phó cho người dân; BCH tỉnh tập huấn nâng cao năng lực điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho BCH các cấp.

Các địa phương tiến hành xử lý khẩn cấp sạt lở; kiểm tra lại các công trình phòng, chống lụt, bão, triều cường trên địa bàn... Những nơi đã có kế hoạch diễn tập thì tiến hành diễn tập. Các đoàn thể tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của hội viên về chủ động ứng phó với thiên tai, tổ chức các lớp sơ cấp cứu...

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN
(thực hiện)

.
.
.