Mong muốn sớm có nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả
Đề cập đến mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Dũng, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết:
DVCTT trước hết, một cách dễ hiểu, là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) qua môi trường điện tử (qua Internet) cho người dân, doanh nghiệp.
Trước đây, tổ chức, công dân giao dịch với cơ quan Nhà nước phải tốn thời gian đến các cơ quan để gửi hồ sơ, nhận kết quả, chưa kể thời gian đi lại bổ sung chỉnh sửa hồ sơ.
Triển khai thực hiện DVCTT vào công tác giải quyết TTHC theo mô hình một cửa - một cửa liên thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng.
Tổ chức, cá nhân tham gia các dịch vụ hành chính các cấp của tỉnh tại một địa chỉ truy cập duy nhất, trên trang thông tin điện tử motcua.tiengiang.gov.vn; được cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép. Người dân, doanh nghiệp có thể thông qua mạng Internet, tin nhắn trên điện thoại di động để kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ của mình đối với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện DVCTT giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc được nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC; giao tiếp, tương tác 2 chiều với cơ quan Nhà nước trong quá trình xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.
Mặt khác, giúp lãnh đạo các sở, ngành, UBND các cấp giám sát, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ cho người dân sớm hơn. Đặc biệt, việc thực hiện DVCTT giúp nền hành chính minh bạch, hiệu quả hơn, tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ những cán bộ công quyền trong việc thực thi nhiệm vụ giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
* Phóng viên (PV): Lộ trình và kết quả triển khai thực hiện DVCTT như thế nào, thưa ông?
* Ông TRẦN VĂN DŨNG: Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 37/KH-UBND ngày 25-2-2016 thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định 1238/QĐ-UBND ngày 5-5-2016 về việc phê duyệt lộ trình cung cấp DVCTT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2017; bước đầu đã triển khai phần mềm một cửa điện tử và DVCTT đến tất cả UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh và UBND các xã, phường, thị trấn và một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh, các lĩnh vực đã đưa vào sử dụng như: Hành chính, tư pháp, đất đai, xây dựng… Trong năm 2017, sẽ triển khai giai đoạn 2 đến tất cả các sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị còn lại.
Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tại Sở Thông tin và Truyền thông. |
Trong các năm tới tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp DVCTT, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC. Xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, từng bước hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan Nhà nước của tỉnh.
Bên cạnh đó sẽ ưu tiên cung cấp DVCTT đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp; triển khai các giải pháp để cung cấp DVCTT thuộc thẩm quyền của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; phấn đấu đến cuối năm 2017 các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện cung cấp DVCTT mức độ 3 đối với tất cả những lĩnh vực bức thiết, liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4.
* PV: Trong quá trình thực hiện DVCTT có thuận lợi và vướng mắc gì, thưa ông?
* Ông TRẦN VĂN DŨNG: Bước đầu triển khai DVCTT, đặc biệt là các DVCTT mức độ cao (mức độ 3, 4) đã mang lại những hiệu quả thiết thực như tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Việc triển khai DVCTT được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp chỉ đạo các bộ phận trực thuộc tích cực ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC và phối hợp triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai DVCTT vẫn còn một số vướng mắc: Các quy trình, TTHC thường xuyên thay đổi do có thay đổi từ các văn bản mới của Trung ương nên cần thời gian nhất định để xây dựng cũng như cập nhật lại quy trình mới trên phần mềm; việc triển khai các ứng dụng CNTT tới cấp xã, phường, thị trấn còn gặp một số khó khăn do lãnh đạo một số đơn vị còn quen nếp làm việc cũ chưa thật sự quan tâm công tác ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc;
Cán bộ, công chức cấp xã không ổn định, thường xuyên thay đổi, đặc biệt là ở bộ phận một cửa nên khó khăn trong quá trình tiếp cận, sử dụng các phần mềm ứng dụng; trang thiết bị CNTT ở cấp xã còn hạn chế; người dân, doanh nghiệp chưa được biết nhiều về loại hình cung cấp dịch vụ công này để sử dụng.
Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục tham mưu tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Xây dựng cơ sở hạ tầng mạng máy tính cấp xã kết nối mạng diện rộng tỉnh; triển khai các phần mềm liên thông giải quyết các TTHC các cấp trên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp;
Triển khai thi đua chuyên đề ứng dụng CNTT cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng DVCTT cho người dân, doanh nghiệp biết sử dụng qua hệ thống truyền thông các cấp: Trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành, UBND cấp huyện…; cơ quan Báo, Đài tỉnh và các huyện, thành, thị kể cả hệ thống truyền thanh cơ sở, với mong muốn là tỉnh sớm có nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH
(thực hiện)