Tìm sự khác biệt trong kinh doanh gạo
Nhiều vấn đề đã và đang đặt ra đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo khi áp lực cạnh tranh, rào cản kỹ thuật dẫn đến số lượng và giá trị của hạt gạo ngày càng bị thu hẹp. Chia sẻ về thực tế hiện nay cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh cho tương lai, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) cho biết:
Trong bức tranh chung hiện nay, Tigifood cũng không ngoại lệ. Theo đó, trong 9 tháng qua, số lượng gạo Tigifood thu mua đạt được 116.864 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ; bán ra được 61.281 tấn, giảm gần 30%; bình quân giá gạo XK cũng giảm khoảng 10%. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ khó khăn, các nước thay đổi chính sách nhập khẩu; cạnh tranh giữa các nước XK gạo và có cả sự chuyển hướng nhập khẩu gạo của một số nước.
* Phóng viên (PV): Như vậy, Tigifood sẽ ứng phó như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
* Ông LÊ THANH KHIÊM: Theo kế hoạch, Tigifood sẽ chuyển hướng, phát triển mạnh mạng lưới kinh doanh nội địa đồng thời với việc tìm kiếm khách hàng XK gạo chất lượng cao, thị trường khó tính để ít có tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao chứ không mong về tăng số lượng XK. Bởi chắc chắn rằng tới đây số lượng gạo XK sẽ rất khó tăng theo kiểu năm sau cao hơn năm trước. Trong cơ cấu hàng hóa của Tigifood, lượng gạo tiêu thụ nội địa hiện đã chiếm khoảng 2/3. Trong tình hình hiện tại, công ty cố gắng nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên 80% (bao gồm cả tiêu thụ và cung ứng) còn XK trực tiếp hay theo hợp đồng tập trung giữ ở mức khoảng 20% và chủ yếu vẫn là phân khúc gạo chất lượng cao.
Tigifood đang hướng đến một sự thay đổi và khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh, theo hướng đến gạo an toàn, gạo sạch, có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm phù hợp với xu thế hội nhập như cam kết trong TPP cũng như các hiệp định song phương với nhiều nước. Ngay cả tiêu thụ trong nước, gạo an toàn thời gian qua cũng đã được chú trọng, nhất là đối với dân cư thành thị có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Tigifood cũng đang có chiến lược đưa gạo an toàn đến phân khúc thị trường có mức thu nhập thấp. Nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa hiện cũng đang rất lớn do Việt Nam có dân số đông và gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu. Thực tế là một thời gian dài chúng ta chưa chú tâm đến thị trường tiêu thụ nội địa, có chăng cũng chỉ quan tâm đến việc cung ứng gạo XK.
* PV: Sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh sẽ bắt đầu từ nền tảng nào, thưa ông?
* Ông LÊ THANH KHIÊM: Nền tảng của sự chuyển hướng kinh doanh vẫn xoay quanh thực hiện cánh đồng lớn (CĐL), bắt đầu từ việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV, thậm chí là không sử dụng thuốc BVTV. Tigifood cũng đã xây dựng vùng lúa sạch ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV. Tigifood cũng đang xây dựng chương trình thương hiệu gạo riêng cùng với việc hưởng ứng xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia. Trước mắt, trong năm 2016, Tigifood sẽ ra mắt 5 nhãn hiệu gạo an toàn theo 5 phân khúc thị trường, bao gồm: Gạo đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo dạng phổ thông và gạo sạch hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV. Tất cả các loại gạo này đều nằm trong vùng nguyên liệu CĐL do Tigifood thực hiện. Trong vụ đông xuân tới, Tigifood sẽ triển khai thực hiện CĐL ở 1.700 ha nhưng chuyên sâu theo hướng có kiểm soát quy trình canh tác.
Gạo chất lượng cao đang là hướng đi riêng của các doanh nghiệp xuất khẩu. |
* PV: Trên thực tế việc thực hiện CĐL còn tồn tại nhiều hạn chế, Tigifood sẽ tiếp tục giải bài toán này như thế nào?
* Ông LÊ THANH KHIÊM: Khó khăn chủ yếu trong việc thực hiện CĐL vừa qua là chưa thống nhất về giá thu mua. Sau khi bàn bạc với các bên có liên quan, công ty cũng có một số điều chỉnh, cải tiến phương thức xác định giá thị trường. Cụ thể, tới đây trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng bao tiêu xảy ra sẽ có các ngành tham gia để xác định đúng giá thị trường một cách khách quan, chứ không thực hiện đơn phương giữa công ty và đại diện tham gia CĐL. Bên cạnh đó, công ty cũng thay đổi thời điểm công bố giá thị trường theo như yêu cầu của nông dân là từ 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch, nhưng bằng mọi giá nông dân phải bán lúa cho công ty đúng số lượng đã cam kết. Chỉ có như thế mới nâng tỷ lệ lúa công ty thu mua lại của người dân tham gia CĐL. Đồng thời phải làm sao tránh được tình trạng đến mùa thu hoạch hàng xáo đưa tiền cọc trước cho người dân tham gia thực hiện CĐL dẫn đến phá vỡ cam kết với công ty.
* PV: Phương thức CĐL tới đây Tigifood thực hiện như thế nào?
* Ông LÊ THANH KHIÊM: Tigifood vẫn thực hiện chủ yếu theo phương thức 1 và 2 tức là đầu tư bao tiêu toàn bộ từ giống, liên kết cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Điểm khác biệt trong thực hiện CĐL của Tigifood tới đây là có kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV. Cơ cấu giống lúa thực hiện CĐL cũng nằm trong 5 phân khúc thị trường mà Tigifood đang xây dựng. Khi tham gia CĐL có kiểm soát, gạo an toàn thì công ty sẽ thu mua cao hơn giá thị trường vào cùng thời điểm là 150 đồng/kg. Tigifood đang hướng đến mục tiêu là gắn chặt thị trường đầu ra và vùng nguyên liệu đầu vào. Mặc dù thực hiện CĐL cũng còn có một số khó khăn nhưng Tigifood vẫn theo đuổi bởi nó phù hợp với chiến lược kinh doanh hiện nay. Mục tiêu của Tigifood là kinh doanh gạo chất lượng cao, có nhãn hiệu nên tính ổn định nguồn nguyên liệu là hết sức quan trọng. Làm CĐL đương nhiên là phát sinh thêm nhiều chi phí, khó cạnh tranh, cho nên cần tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đủ bù đắp chi phí phát sinh. Nếu mở rộng diện tích CĐL theo giống lúa thường, lúa thông dụng như cách làm trước nay sẽ không mang lại hiệu quả. Việc thực hiện CĐL theo hướng tạo ra hạt gạo có giá trị gia tăng cũng là cái gốc để nâng cao chất lượng hạt gạo.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
* PV: “Cái gốc”thực hiện CĐL bắt đầu từ đâu, thưa ông? * Ông LÊ THANH KHIÊM: Chúng ta nên bắt đầu từ những xã được chọn xây dựng nông thôn mới do tập trung về nguồn lực đầu tư và ít nhất mỗi địa phương cũng có 1 hợp tác xã (HTX) kiểu mới. HTX kiểu mới phải được hiểu là không chỉ sản xuất mà phải tham gia vào các khâu dịch vụ và cả kinh doanh. Khi HTX tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi sản xuất lúa gạo mới có hiệu quả cao. Thực tế hiện nay cho thấy, HTX tham gia quá ngắn trong chuỗi sản xuất nên dẫn đến hiệu quả thấp. Muốn vậy, HTX kiểu mới phải tập hợp lại và cung ứng được lúa khô cho DN XK. Chúng ta cũng không thể làm đại trà mà nên tập trung vào một số HTX điểm và Tigifood sẵn sàng liên kết thực hiện mô hình này. Tigifood cũng rất ủng hộ chủ trương CĐL thông qua việc ký kết thực hiện trong thời gian dài nhưng phải đảm bảo các cam kết phải được thực thi, nếu không sẽ phá vỡ kế hoạch kinh doanh của công ty... |