Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: DN không nên "đánh lẻ"
Đề cập về những khó khăn, thách thức cũng như những áp lực mà doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang nhận định:
Làm kinh doanh DN phải luôn đối mặt với những khó khăn, thách thức như về nguồn vốn, nhân lực; cạnh tranh giá cả trên thị trường hay cả về thời gian giao hàng... Nói chung là có rất nhiều áp lực được đặt ra đối với DN. Muốn tồn tại và phát triển, mỗi DN phải tìm cách vượt qua những khó khăn theo từng chiến lược cụ thể.
Điều đầu tiên là DN xác định được khó khăn trước mắt hay lâu dài. Chẳng hạn, khó khăn trước mắt là nguồn vốn hoạt động, mỗi DN cần sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và có tích lũy trong quá trình hoạt động.
Nếu nói về vấn đề thị trường, DN luôn đối mặt với yếu tố cạnh tranh về giá cả, chất lượng và hàng loạt các rào cản cần phải vượt qua như: Kỹ thuật, thương mại, thuế quan...
Muốn vượt qua các rào cản, bước đầu tiên bắt buộc DN tìm hiểu kỹ lưỡng từng thị trường gắn với nhu cầu, tập quán để có những ứng phó cụ thể. Với kinh nghiệm xử lý các tình huống và am hiểu thị trường, chắc chắn mỗi DN sẽ biết cách vượt qua từng khó khăn.
* Phóng viên (PV): DN cần hội đủ các yếu tố gì để thích ứng với tiến trình hội nhập hiện nay, thưa ông?
* ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠO: Để vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay, ngoài vấn đề tính toán kỹ về nguồn vốn trong điều kiện lãi suất ngân hàng chưa được gọi là hấp dẫn, DN cần xác định đúng nhu cầu của thị trường tiêu thụ, cũng như việc quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Mỗi DN hiện tại nên quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Muốn làm được điều này, DN phải biết được nguồn gốc hàng mua, cách thức xử lý nguyên liệu và quy trình chế biến sản phẩm. DN cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, khả năng nguồn vốn và trình độ quản trị.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng, DN nên làm từ từ, làm chậm nhưng bước nào chắc bước đó thì khả năng thành công sẽ tốt hơn. DN nên tận dụng những yếu tố có được để xử lý tốt hơn các tình huống nảy sinh trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
DN cần tham gia vào hiệp hội để được chia sẻ thông tin thị trường. |
* PV: Sự hỗ trợ của Hiệp hội DN đối với DN tới đây sẽ như thế nào?
* ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠO: Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương phát triển DN. Phát triển DN bao gồm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và khuyến khích, động viên để các thành phần kinh tế tham gia khởi nghiệp.
Nghị quyết 35 của Chính phủ được xem là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển DN. “Buôn có bạn bán có phường”, các DN nên tham gia vào tổ chức. Để tạo khả năng, cơ hội thành công trong giai đoạn hiện nay, DN không nên “đánh lẻ” mà nên tham gia vào hiệp hội để cùng chia sẻ thông tin và cả rủi ro, để được cung cấp nhiều thông tin tốt, hòa nhập được nhanh hơn.
Vào hiệp hội, những kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước thông qua tiếng nói tập thể sẽ có trọng lượng hơn, dễ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Trong kinh doanh, việc nắm bắt nhanh những cơ hội cũng là điều kiện thuận lợi đi đến thành công.
Chẳng hạn, đối với thị trường tiêu thụ, khi vào Hiệp hội DN, DN sẽ được chia sẻ nhiều thông tin thị trường. Mỗi DN đều có yếu tố mạnh và yếu khác nhau, nên cùng nhau chia sẻ, cùng nhau xử lý thông tin tốt hơn.
Tuyên dương 26 DN Tiền Giang tiêu biểu Theo Hiệp Hội DN tỉnh, ngày 10-10 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2834/QĐ-UBND về việc công nhận 26 DN Tiền Giang tiêu biểu năm 2016. Theo đó, khối DN 100% vốn Nhà nước có 3 DN (bao gồm: Công ty Điện lực Tiền Giang, Công ty Xăng dầu Tiền Giang và Chi nhánh Viettel Tiền Giang); Khối công ty cổ phần có 9 DN (bao gồm: Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải Chi nhánh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Tiền Giang, Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp...); Khối công ty TNHH có 8 DN (bao gồm: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức, Công ty TNHH Việt Hưng...); 3 hợp tác xã (HTX TMDV Phường 1, HTX Chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh và HTX Giao thông vận tải Gò Công Đông) và 3 DN tư nhân (DNTN SD, DNTN Long Thuận và DNTN TMDV Thành Phát). Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ xét khen thưởng 8 doanh nhân Tiền Giang danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016”. |
Nhiệm vụ đầu tiên của Hiệp hội DN hiện nay là kết hợp với các cơ quan có liên quan nhằm tăng trưởng số lượng DN tham gia hiệp hội. Bởi thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 DN nhưng chỉ có khoảng hơn 200 DN tham gia Hiệp hội DN, chỉ chiếm khoảng 5%.
Mục tiêu đặt ra hiện nay là có ít nhất từ 30 - 60% DN trên địa bàn tỉnh tham gia Hiệp hội DN. Khi có số lượng DN tham gia hiệp hội đủ lớn sẽ bắt đầu chuyển sang mục tiêu chất lượng hoạt động.
DN tham gia vào hiệp hội không chỉ kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn được tổ chức các hoạt động mở rộng xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, tham gia xử lý các thông tin về thị trường tiêu thụ, song song đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho DN thông qua việc liên kết với các hiệp hội ngành nghề khác nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển và Hiệp hội DN còn là cầu nối hỗ trợ nhu cầu nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho các DN thành viên. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần có lượng DN đủ lớn và Ban Thường trực Hiệp hội DN phải đủ mạnh..
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH
(thực hiện)
Đóng góp to lớn của khối DN Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-11-2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” đã nhận định, trong thời kỳ đổi mới, tỉnh đã coi trọng việc cụ thể hóa thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình DN, phát huy vai trò của doanh nhân để góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 6.177 DN, với tổng vốn đăng ký trên 54.246 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng đóng góp của DN trong GDP đã tăng lên từ 19,2% năm 2010 lên 30% vào năm 2015; mức đóng góp cho ngân sách của các DN tư nhân hàng năm đều tăng, từ 730 tỷ đồng năm 2010 lên 1.000 tỷ đồng năm 2015. Bình quân trong 5 năm từ 2011 - 2015, DN đóng góp 28,9% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổng số lao động làm việc ở các DN là 146.865 lao động, chiếm 11,4% tổng số lao động toàn xã hội; đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 5,32 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,9%/năm. Tuy nhiên, theo nhận định, hoạt động của đội ngũ doanh nhân trong tỉnh còn một số hạn chế như đa số DN có quy mô nhỏ, chưa có nhiều thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong khu vực; mối liên hệ liên kết giữa các doanh nhân, DN chưa mạnh; khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế còn thấp. Một bộ phận doanh nhân chưa nhận thức đầy đủ chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật; tinh thần trách nhiệm đạo đức đối với xã hội và văn hóa trong kinh doanh chưa cao... |