Hiệp hội phải mang lại lợi ích thiết thực
Đánh giá về tình hình hoạt động, khả năng hội nhập của doanh nghiệp (DN) cũng như những động thái của Hiệp hội DN tỉnh trong thời gian sắp tới, trước thềm Đại hội Hiệp hội DN tỉnh nhiệm kỳ III (2016 - 2021) ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhận định:
Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là tập trung hỗ trợ phát triển DN, trong đó bao gồm khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động, tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại. DN được xác định là động lực cho sự phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt trong sự phát triển của DN.
Động thái rõ ràng nhất là các hoạt động xúc tiến cho hoạt động của DN như họp mặt, đối thoại được UBND tỉnh tổ chức diễn ra liên tục nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Qua theo dõi, càng về sau mỗi lần đối thoại, tiếp xúc giữa UBND tỉnh với DN, ý kiến của DN ngày càng ít dần. Điều này cũng có nghĩa là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến DN thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được giải quyết cơ bản, chỉ còn những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành của Trung ương nên phải chờ xin ý kiến. Đồng thời, tỉnh cũng xúc tiến các chương trình khởi nghiệp và động viên DN tham gia vào Hiệp hội DN. Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với Hiệp hội DN tổ chức đi tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh để vận động DN tham gia Hiệp hội. Bên cạnh đó, tất cả các huyện, thị, thành đều tổ chức hội nghị họp mặt DN. Nội dung chính của các buổi gặp mặt DN cũng tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xúc tiến thương mại, động viên khởi nghiệp. Từ những việc làm thiết thực đó, không khí hỗ trợ, phát triển DN hiện nay trên địa bàn tỉnh rất sôi động. Từ chủ trương chung của Trung ương, tỉnh triển khai quyết liệt, đã tạo ra luồng gió mới để DN phấn khởi hơn nữa nhằm mở rộng cũng như an tâm sản xuất - kinh doanh (SX-KD).
* Phóng viên (PV): Dưới góc nhìn của Hiệp hội DN, ông có thể đánh giá tình hình hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Trên bình diện của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, hoạt động của DN đang chịu nhiều tác động từ tình hình trì trệ của kinh tế thế giới. Thị trường châu Âu hiện rất khó khăn, các thị trường khác cũng chưa có mức tăng trưởng rõ nét, cùng với giá dầu mỏ sụt giảm nên bức tranh kinh tế chung chưa có nhiều điểm sáng. Tình hình kinh tế trong nước cũng trong tình trạng tương tự, bởi kinh tế Việt Nam cũng đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với sự nỗ lực tối đa của Nhà nước cùng với sự phấn đấu của DN, một số ngành có tăng trưởng khá nhưng cũng có một số ngành rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Nếu nhìn toàn cảnh, hiện nay phát triển nông nghiệp tăng trưởng nhẹ, các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá, riêng các ngành sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng tốt hơn.
DN cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn. |
* PV: Trước tình hình hiện nay, DN cần phải làm gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Các DN đang tập trung tổng kết tình hình SX-KD năm 2016, xây dựng kế hoạch cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Nhìn chung, trong năm 2017, tình hình kinh tế thế giới cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường trong nước liên quan đến thủ tục hành chính, nhũng nhiễu, vấn đề cơ chế, dù cật lực tháo gỡ, nhưng vẫn chưa chuyển biến rõ nét. Chính vì những yếu tố đó, DN phải hết sức tập trung để bám thị trường, tổ chức SX-KD để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên thực hiện quyết liệt trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Nhà nước cũng cần thay đổi tư duy, là đồng hành cùng DN để đưa ra được những hành động phù hợp. Tất nhiên, bản thân DN cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn. Từng DN cần củng cố ngành hàng đang có, kiểm soát lại đồng vốn chặt chẽ. Riêng mảng công nghiệp về chế biến thực phẩm, DN cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đây là xu thế chung hiện nay.
Bên cạnh đó là vấn đề quản lý môi trường, an sinh xã hội cũng cần được DN quan tâm. Tất nhiên, những vấn đề liên quan trên sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào, trong khi đầu ra sản phẩm của DN còn không ít khó khăn sẽ tạo thêm áp lực cho DN. Chỉ bắt đầu từ sự đánh giá, phân tích cặn kẽ, DN mới quyết định mức độ, chiến lược, quy mô kinh doanh cho cụ thể, rõ ràng và mới mong phát triển một cách ổn định trong năm 2017.
Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn. |
* PV: Theo đánh giá của ông, khả năng hội nhập của DN trên địa bàn tỉnh hiện như thế nào?
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Hội nhập là xu hướng chung và mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng. DN Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng phải bước chung con đường này. Thực tế cho thấy, đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài mức độ hội nhập sẽ thuận lợi hơn nhờ vào tiềm lực hiện hữu về nguồn vốn, thông tin thị trường, khả năng quản trị. Trong khi đó, phần lớn DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, các kiến thức về hội nhập kinh tế dường như vẫn còn “lơ mơ”. Cho nên lợi ích mang lại từ hội nhập lại càng không được các DN nắm rõ. Điều này tạo nên không ít thiệt thòi cho DN. Mặc dù thời gian qua việc thông tin, tuyên truyền các kiến thức liên quan đến hội nhập kinh tế cho các DN đã được chú trọng nhưng dường như chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho DN và chưa thường xuyên. Do vậy, việc trang bị kiến thức về hội nhập kinh tế cho DN là rất cần thiết trong chặng đường tiếp theo.
Số lượng thành viên Hiệp hội DN hiện chiếm khoảng 5% so với tổng số DN trên địa bàn tỉnh nên chưa thể gọi là đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng DN. Do vậy, tới đây Hiệp hội sẽ vận động DN tham gia nhưng tất nhiên DN phải tìm thấy được những quyền lợi khi gia nhập vào Hiệp hội DN. Một khi DN không tìm thấy lợi ích mang lại thì có vận động cách mấy DN cũng không tham gia. Muốn vậy, Hiệp hội DN cần thực thi đúng mức các vai trò đã đặt ra. |
* PV: Trước thực tế hiện nay, Hiệp hội DN có động thái như thế nào, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Đạo: Trên tinh thần là phát triển DN, Hiệp hội DN đang giữ vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của DN. Sau Đại hội Hiệp hội DN, Ban Chấp hành Hiệp hội sẽ xác định phương hướng hoạt động cho thời gian tới. Một trong những mục tiêu chính mà Hiệp hội DN xác định là cầu nối giữa DN và chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan cải cách thủ tục hành chính, phản ánh những nhũng nhiễu, được tập hợp lại tạo thành tiếng nói chung để kiến nghị với lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, Hiệp hội phải làm được việc phát triển thị trường, tìm đầu ra, phát triển sản phẩm, giới thiệu khách hàng, giao lưu giữa các DN nhằm chia sẻ thông tin, khách hàng, kinh nghiệm kinh doanh... Bên cạnh đó, Hiệp hội cần hướng dẫn các thủ tục cho khởi nghiệp, mở rộng DN, đặc biệt là thông tin liên quan đến khởi nghiệp.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH
(thực hiện)
Chú trọng đào tạo, tập huấn Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội DN rất quan tâm công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ quản lý, điều hành đối với các DN. Hiệp hội đã phối hợp với Viện nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị DN (Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh) mở 15 lớp đào tạo: Giám đốc điều hành; kỹ năng giao tiếp, bán hàng và chăm sóc khách hàng; kỹ năng quản lý quan hệ lao động; kỹ năng quản trị sản xuất dành cho Quản đốc phân xưởng và Tổ trưởng sản xuất; quản lý và cắt giảm chi phí trong SXKD; ứng dụng phong thủy trong bố trí nhà cửa, kinh doanh và cuộc sống cho 600 lượt học viên tham dự... Hiệp hội còn tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn công tác thi đua thường xuyên hàng năm cho 136 DN thành viên nắm được những quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ; tổ chức 1 lớp triển khai Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật DN (sửa đổi) cho các DN hội viên; tổ chức hội thảo về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, ứng xử của DN, có trên 100 DN tham dự; phối hợp với CLB cựu quân nhân, cựu chiến binh tỉnh và Ngân hàng VietinBank tổ chức cuộc Hội thảo “VietinBank đồng hành cùng DN”, có trên 50 DN tham dự; phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn một số DN tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hàng năm... Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội DN đã kết nạp được 73 hội viên mới. |