Nhiều hỗ trợ cho người sau cai nghiện.
Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, toàn tỉnh có 2.820 người sử dụng trái phép chất ma túy, đa số ở độ 18 - 30 tuổi. Đây là số người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý, số chưa quản lý còn cao hơn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy là Cơ sở Hỗ trợ và Điều trị nghiện ma túy (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) đang sửa chữa, nâng cấp, sau khi hoàn thành sẽ có sức chứa trên 500 học viên. Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm:
Theo khoản 1, Điều 1, Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, những đối tượng sau đây sẽ bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở bắt buộc: Người nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện ma túy. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, được chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc không có nơi cư trú ổn định.
Do theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ thực hiện biện pháp cai nghiện bắt buộc các đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên và thỏa mãn các điều kiện được quy định nêu trên, nên người nghiện dưới 18 tuổi được tự nguyện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện hoặc tại gia đình, cộng đồng.
* PV: Trong thời gian qua, công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao?
* Ông Hồ Thanh Sơn: Thực hiện các Quyết định, Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy và Kế hoạch 286/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về điều trị nghiện, hạn chế đến mức thấp nhất đối tượng phải thực hiện cai nghiện bắt buộc.
Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện Hướng dẫn liên ngành số 38/HDLN-SLĐTBXH-CAT-SYT giữa Sở Y tế và Công an tỉnh về tổ chức thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định 2448/QĐ-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm điều trị nghiện bằng chất thay thế (điều trị bằng mathadone) giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo, tính đến nay toàn tỉnh đã có 4 điểm điều trị nghiện bằng mathadone và 2 điểm cấp phát thuốc methadone. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với UBND các huyện Châu Thành và Chợ Gạo thành lập 2 điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện chủ động tham gia điều trị phù hợp với điều kiện của mình.
Ngoài việc tiếp tục duy trì công tác tiếp nhận, cắt cơn, điều trị nghiện cho người tự nguyện đến cai nghiện, trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định tổ chức lại và đổi tên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở Hỗ trợ và Điều trị nghiện ma túy theo hướng điều trị nghiện đa chức năng, đa dạng hóa hình thức cai nghiện (cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện nội và ngoại trú).
Tuy nhiên, công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện vẫn còn gặp không ít khó khăn: Một số người nghiện sau cai nghiện về địa phương vẫn tiếp tục lén lút sử dụng ma túy nên gặp khó khăn trong công tác tiếp cận, hỗ trợ người nghiện. Hoặc do một số người sau cai nghiện khi về cộng đồng do nhu cầu cuộc sống và tìm việc làm nên không thường xuyên ở địa phương, nên công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao. Có trường hợp, người sau cai nghiện bị kỳ thị, gặp khó khăn
trong tìm việc làm, học nghề,…
* PV: Người nghiện ma túy đang thực hiện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và tự nguyện có những quyền và nghĩa vụ gì?
* Ông Hồ Thanh Sơn: Theo quy định, người nghiện ma túy đang thực hiện cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện và bắt buộc có các quyền và nghĩa vụ sau: Học viên được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng kế hoạch cai nghiện với bản thân. Học viên được tham gia các lớp học văn hóa phù hợp với trình độ của mình, được tham gia các lớp học nghề theo yêu cầu và điều kiện cụ thể. Học viên tham gia lao động trị liệu được phân công công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính. Học viên được quyền thăm gặp thân nhân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc một tuần một lần, mỗi lần không quá 2 giờ và tối đa không quá 3 thân nhân; khi bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì học viên được phép về chịu tang. Bên cạnh đó, học viên phải chấp hành và thực hiện đúng phác đồ điều trị nghiện và nội quy, quy định của cơ sở hỗ trợ và điều trị nghiện ma túy.
* PV: Công tác quản lý người tự cai nghiện tại địa phương được thực hiện như thế nào và chế độ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy ra sao, thưa ông?
* Ông Hồ Thanh Sơn: Công tác quản lý người tự cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được Sở LĐ-TB&XH tổ chức xây dựng kế hoạch hằng năm. Sau 3 năm thực hiện (2013 - 2015), đã có 29 đối tượng được hỗ trợ cai nghiện cắt cơn 15 ngày tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, sau đó bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình tiếp tục cai nghiện tại gia đình, cộng đồng dưới sự giám sát của ban, ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn và tổ dân phố nơi cư trú.
Theo quy định của Nghị định Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh về quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn tỉnh, người sau cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú sẽ tiếp tục được hỗ trợ về tâm lý và các dịch vụ xã hội; được chính quyền, đoàn thể tại nơi cư trú hỗ trợ giới thiệu việc làm, học nghề ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện, tái phạm. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH tổ chức giám sát công tác quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú 2 lần/năm, qua đó đánh giá tình hình tái nghiện, tình trạng việc làm của người sau cai nghiện để tham mưu đề ra những giải pháp kịp thời giúp đỡ họ.
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHAN THẮNG
(thực hiện)