Thứ Tư, 22/02/2017, 15:04 (GMT+7)
.

Chủ động phòng, chống cúm gia cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác đang bùng phát ở Trung Quốc và có khả năng xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có công điện khẩn gửi các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn các loại cúm gia cầm nói trên. Sau khi nhận được thông tin, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cũng đang tổ chức triển khai tiêm phòng cúm A/H5N1 trên đàn gia súc, gia cầm đợt I-2017, kiểm soát chặt việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, cận Tết Nguyên đán, tỉnh ta có phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà, với 860 con ở hộ ông Nguyễn Văn Toàn, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè và đã tiêu hủy hoàn toàn. Từ đó đến nay, ngành Thú y chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh nào trên gia cầm. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút khác đang bùng phát ở Trung Quốc; đặc biệt là Công văn khẩn của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Cục Thú y về việc tăng cường ngăn chặn, ngành đã khẩn trương áp dụng rất nhiều biện pháp cùng một lúc nhằm để hạn chế tối đa sự quay trở lại của cúm A/H5N1 và các chủng vi rút gia cầm khác đang xảy ra ở một số nước trên thế giới.

* Phóng viên (PV): Thưa bà! Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang triển khai các biện pháp gì cho công tác phòng, chống cúm A/H5N1 và các chủng vi rút khác?

* Bà Nguyễn Thị Mến (N.T.M): Chúng tôi đang tập trung tiêm phòng cúm A/H5N1 cao điểm đợt 1 đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay và không để dịch lây lan trên diện rộng. Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng đạt 79,6% đối với đàn vịt, 90,19% đối với đàn gà. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tình hình dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT để gửi công văn khẩn xuống các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh để nâng cao công tác phòng, chống…

* PVViệc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm được Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý ra sao?

* Bà N.T.M: Trước mắt, chúng tôi sẽ giám sát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm ở các điểm chợ. Tại khu vực phía Đông, ngành chức năng sẽ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại chợ gia cầm TX. Gò Công, Trung tâm thì kiểm tra tại huyện Chợ Gạo và các chợ ở TP. Mỹ Tho; các huyện phía Tây thì giám sát tại chợ gia cầm thuộc xã Long Khánh và chợ Mỹ Phước Tây. Nếu trong quá trình lấy mẫu gửi đi xét nghiệm mà có kết quả dương tính với cúm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm khác thì tiến hành phun tiêu độc khử trùng ở chợ đó trên 1 tuần, sau đó truy nguyên nguồn gốc xem đàn gia cầm đó còn hay không, có tiêm phòng cúm hay chưa và tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia cầm tại khu vực đó nhằm tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.

Tiêm phòng cho gia cầm là biện pháp tốt nhất để hạn chế các loại dịch cúm.
Tiêm phòng cho gia cầm là biện pháp tốt nhất để hạn chế các loại dịch cúm.

* PV: Hiện nay, vịt chạy đồng “đổ” về các huyện phía Tây rất nhiều. Đây là một trong những tác nhân có thể gây ra dịch cúm gia cầm cho tỉnh ta. Vậy, công tác quản lý những đàn vịt này như thế nào, thưa bà?

* Bà N.T.M: Việc quản lý đàn vịt chạy đồng là một trong những vấn đề tương đối khó. Hầu hết, những đàn vịt được nuôi trong tỉnh đều có tiêm phòng cúm A/H5N1, còn những đàn vịt ở những tỉnh khác đến thì rất ít tiêm phòng. Nếu phát hiện thì thú y cũng như chính quyền địa phương vận động tiêm phòng nhưng đa số họ không chấp hành (vì không phải là người của địa phương nên không có biện pháp gì bắt buộc) hoặc người chăn nuôi cho vịt di chuyển đến địa phương khác... Hiện chúng ta cũng mới dừng lại ở công tác vận động tiêm phòng đối với những đàn vịt chưa tiêm cúm A/H5N1, còn nếu phát hiện có dịch cúm gia cầm thì phải tiêu hủy hoàn toàn, không có chính sách hỗ trợ.

* P.V: Tỉnh Tiền Giang là nơi các tỉnh, thành ở miền Tây vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ngang qua để lên TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý việc vận chuyển này như thế nào?

* Bà N.T.M: Công tác kiểm tra, giám sát việc lưu thông, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm qua địa bàn của ta rất khó. Bởi, chúng ta công bố dịch thì mới thành lập các điểm kiểm soát, nhưng khi chưa phát hiện thì các điểm này không hoạt động.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

Bệnh cúm A/H7N9 ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A/H7N9 có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 ở người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời…

 

.
.
.