Tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống cúm gia cầm
Đó là khẳng định của TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khi tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp. Vi rút cúm gia cầm từ độc lực thấp đã chuyển sang vi rút có độc lực cao và khả năng xâm nhiễm vào nước ta là rất lớn. Từ ngày 19-2 đến nay, cả nước đã có 6 tỉnh (Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai và Nghệ An) xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N1 và tỉnh Quảng Ngãi xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6.
TS. Thái Quốc Hiếu cho biết, theo thông báo của Cục Thú y về kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống trong năm 2016 tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy: Trên gà, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A/H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%; trên vịt, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A/H5N6 là 6,7% và A/H5N1 là 1,63%; trong môi trường chợ buôn bán gia cầm sống, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A/H5N6 là 2,97% và A/H5N1 là 2,07%. Kết quả này cho thấy, tiềm ẩn yếu tố nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm là rất cao.
* Phóng viên (PV): Hiện nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm khác đang diễn biến khá phức tạp. Xin ông cho biết nguyên nhân, triệu chứng các loại cúm này như thế nào?
* TS. Thái Quốc Hiếu: Kết quả điều tra dịch tễ các ổ dịch cúm gia cầm cho thấy, nguyên nhân xảy ra dịch chủ yếu là do sự phát tán vi rút cúm gia cầm từ các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Chủ nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc do thông qua trung gian thương lái, không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Đàn gia cầm không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng quá trễ.
TS. Thái Quốc Hiếu cho biết, nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm độc lực cao vào tỉnh nhà, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã và đang tập trung chỉ đạo lực lượng Thú y thường xuyên phối hợp với tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm qua các thông tin từ nhiều kênh như chủ nuôi, cửa hàng thuốc thú y, đại lý thức ăn gia súc, thương lái… Ngành phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm độc lực cao, hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết sớm gia cầm nghi mắc bệnh cúm, vận động chủ nuôi chỉ mua gia cầm giống có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng làm thực phẩm đối với gia cầm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành (Quản lý Thị trường, Công an Kinh tế, Cảnh sát Môi trường…) tăng cường kiểm tra các địa điểm tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với trường hợp vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, ngành chuẩn bị nguồn vắc xin, hóa chất tiêu độc sát trùng dự phòng đầy đủ; tổ chức kiểm dịch gia cầm vận chuyển từ gốc, kiểm dịch chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra cơ sở giết mổ tập trung, điểm tập trung gia cầm và sản phẩm gia cầm; thông báo cho ngành Y tế để giám sát tình hình sức khỏe của người dân trong vùng khi phát sinh ổ dịch cúm trên gia cầm. |
Từ các nguyên nhân cơ bản nêu trên, để bảo vệ tốt đàn gia cầm, người chăn nuôi cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan thú y hoặc điện thoại đường dây nóng miễn phí 0733. 888111 các trường hợp gia cầm có dấu hiệu bất thường như bệnh xảy ra đột ngột, gây chết hàng loạt gia cầm liên tục 2 - 3 ngày. Trong đó, gà bị sưng đầu và phù mí mắt, mồng tích tím tái, hắt hơi, thở khò khè; chảy nước mắt, nước mũi; xuất huyết ở chân. Vịt và chim cút có dấu hiệu co giật, ngoẹo đầu, liệt chân, đặc biệt là buồng trứng bất thường.
* PV: Từ những vấn đề trên, ngành Thú y có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi?
* TS. Thái Quốc Hiếu: Người dân chỉ mua gia cầm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch của cơ quan thú y; tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ con người, phương tiện vận chuyển, vật dụng chăn nuôi…vào khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, khi người lạ vào khu vực chăn nuôi phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, tối thiểu là thay đổi giày dép, bảo hộ và đi qua các hố sát trùng…Không nên nuôi chung giữa các loại gia cầm hoặc gia súc với gia cầm. Chuồng trại phải đảm bảo sạch, thoáng, mật độ nuôi hợp lý. Lối vào khu vực chăn nuôi phải có hố sát trùng. Người nuôi nên thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 1 - 2 lần/tuần, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo đúng quy trình, nguyên tắc và kỹ thuật.
* PV: Vậy ông có lời khuyên nào dành cho những người chăn nuôi khi tiếp xúc với gia cầm vào lúc này?
TS. Thái Quốc Hiếu: Bệnh cúm gia cầm độc lực cao là một trong những bệnh nguy hiểm, có thể truyền lây và gây tử vong trên người. Do vậy, khi tiếp xúc với gia cầm, chúng ta nên mang bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, ủng, mắt kính…Đặc biệt, để bảo vệ mình, người thân và cộng đồng không giấu dịch, không mua bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không nuôi thả rông gia cầm.
P.V: Xin cám ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)
Ra quân Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi Ngày 1-3, TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết ngành Thú y đang ra quân Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1-2017 nhằm hạn chế tồn lưu tác nhân gây bệnh nguy hiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.
Theo TS. Thái Quốc Hiếu, Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi lần này bắt đầu từ ngày 24-2 đến 23-3. Theo đó, chủ nuôi phải thực hiện vệ sinh chuồng trại, quét dọn, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt, chôn hoặc ủ sinh học trước khi đội du kích xã tổ chức phun xịt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực chăn nuôi thú y và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải tiến hành tổng vệ sinh, phun xịt thuốc sát trùng toàn bộ cơ sở và môi trường xung quanh. Riêng phương tiện vận chuyển phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra, vào cơ sở… |