Phát triển Mỹ Tho theo hướng xanh, sạch, văn minh và hiện đại
Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho Nguyễn Văn Hồng chia sẻ với Báo Ấp Bắc về những thành quả 50 năm xây dựng và trưởng thành của Mỹ Tho và định hướng phát triển của đô thị trung tâm tỉnh trong thời gian tới.
Đô thị Mỹ Tho ngày càng rộng mở và phát triển đi lên theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Trần Liêm |
* Phóng viên (PV): Hình thành trong chiến tranh vệ quốc, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, thành phố Mỹ Tho đã đạt được những thành tựu nào nổi bật, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Hồng: Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông trong kháng chiến, sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã bắt tay xây dựng lại quê hương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết một lòng thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố với phương châm “Ý Đảng, lòng dân”. Đến nay Mỹ Tho đã trở thành Đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang, thành phố được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố, có thể kể đến những cột mốc quan trọng nhằm tạo bước đột phá cho Mỹ Tho: Năm 1976 thành phố là Đô thị loại III; năm 2005 thành phố là Đô thị loại II; năm 2016 thành phố được công nhận là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Qua đó, bộ mặt thành phố ngày càng được chỉnh trang, mức sống người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nhân dân, an ninh trật tự đảm bảo, tình hình an ninh chính trị ổn định, đưa vị thế thành phố Mỹ Tho lên tầm cao mới trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung. Kết quả đạt được nêu trên được thể hiện qua: Tốc độ tăng trưởng hằng năm đều tăng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015, giá trị tăng thêm bình quân hằng năm đạt 14,8% (giá so sánh 2010), Nghị quyết đề ra 13% - 13,5%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 là 4.418 USD/năm (khoảng 95 triệu đồng/năm); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm là 17.678 tỷ đồng (đạt 110,49% so với Nghị quyết đề ra)
Ngoài ra, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã có Khu công nghiệp Mỹ Tho và 2 cụm công nghiệp (Trung An và Tân Mỹ Chánh), tổng diện tích khoảng 120 ha, thu hút 54 doanh nghiệp vào đầu tư (trong đó 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1.741 tỷ đồng và 163.514.486 USD). Hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đều được xây dựng khá hoàn chỉnh và đi vào hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động của thành phố và các địa bàn lân cận.
Thành phố cũng đang triển khai thực hiện các dự án như: Khu thương mại dịch vụ Mỹ Tho, Trung tâm thương mại Mỹ Tho, Phố đặc sản thuộc dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, Hạ tầng Khu du lịch Thới Sơn, quy hoạch Công viên Tết Mậu Thân, Quảng trường Trung tâm tỉnh, một số công trình chiếu sáng nghệ thuật dọc sông Tiền từ phường 2 đến phường 6... góp phần tạo cho đô thị Mỹ Tho diện mạo mới ngày càng khang trang, văn minh.
* PV: Ông vui lòng cho biết định hướng phát triển thành phố Mỹ Tho trong thời gian tới?
* Ông Nguyễn Văn Hồng: Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, tương xứng với vị trí và tiềm năng, tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, Mỹ Tho đã cụ thể hóa thành kế hoạch 5 năm. Trong đó xây dựng 18 đề án thuộc các lĩnh vực, lập các kế hoạch để triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phát triển đô thị… Tập trung xây dựng thành phố thông minh từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố đạt từ 12% - 12,5%/năm; tổng thu từ kinh tế địa phương đến năm 2020 đạt 605 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 208 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 49.300 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%.
Hiện nay quỹ đất để phát triển công nghiệp của thành phố không còn nhiều, để đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố theo hướng xanh, sạch, văn minh và hiện đại, thành phố sẽ tập trung phát triển thương mại, du lịch và đô thị. Với định hướng và một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, chủ động tiếp cận nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; thu hút đầu tư theo quy hoạch các dự án về hạ tầng thương mại, điểm du lịch, khu đô thị mới theo Chương trình phát triển đô thị Mỹ Tho đến năm 2030.
Thứ hai, tập trung đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ, đảm bảo tính đột phá và bền vững. Phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại.
Thứ ba, tôn tạo, chỉnh trang các làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái, hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt là tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch Thới Sơn, phấn đấu đến năm 2020 lượng khách du lịch đến thành phố đạt trên 2 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế trên 950 ngàn lượt người.
Thứ tư, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để phát triển công nghiệp bền vững.
Thứ năm, Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra, nạo vét kinh mương, duy tu, sửa chữa đê bao đảm bảo phòng, chống thiên tai xâm nhập mặn, giảm tối thiểu thiệt hại cho người dân. Thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị. Hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh sản xuất với mô hình sản xuất tập trung như: Cây ăn trái, chăn nuôi, rau an toàn, nuôi cá bè sông Tiền… làm đầu mối tiêu thụ, trung chuyển sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện trong vùng. Theo quy hoạch đến năm 2020, chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa sang trồng rau, màu, hoa; hình thành vùng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ tại thành phố Mỹ Tho. Trong đó, chú trọng đến việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.
Mặc dù, Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố… Tuy nhiên, với những chương trình hành động đã đề ra, với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan cấp tỉnh, các cấp chính quyền thành phố Mỹ Tho sẽ tập trung tối đa các nguồn lực, phấn đấu phát triển theo hướng xanh, sạch, văn minh và hiện đại, trở thành đầu tàu kinh tế năng động của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xứng với tiềm năng, vị thế và đặc trưng của một đô thị vùng sông nước.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THỦY HÀ (thực hiện)