Thứ Ba, 26/09/2017, 09:50 (GMT+7)
.

Cần quy hoạch thống nhất, đồng bộ phát triển ĐBSCL

Một trong những vấn đề của công tác quy hoạch lâu nay là cách làm tương đối riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương. Do đó, lần này để tạo ra đột phá các bên cần ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề của vùng, thống nhất về vấn đề này, không phải “tỉnh tôi tôi làm” bất kể xung đột lợi ích với địa phương khác.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch-Bộ Kế hoạch và Đầu tư. VGP/Huy Thắng
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch-Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đây là ý kiến của ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch-Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những yêu cầu đặt ra trong quy hoạch khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

* Phóng viên (PV): Vấn đề chuyển đôi mô hình phát triển khu vực ĐBSCL là vấn đề đã đặt ra lâu nay, tuy nhiên, dường như thời gian qua chưa có sự đột phá, theo ông nguyên nhân là gì?

* Ông Vũ Quang Các: Một trong những vấn đề của công tác quy hoạch lâu nay là cách làm tương đối riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương.

Quan điểm của Bộ KH&ĐT là vấn đề của khu vực ĐBSCL không thể giải quyết dựa trên một ngành địa phương nào, mà cần giải bài toán tổng thể.

Do đó, lần này các bên cần ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề của vùng, thống nhất về vấn đề này, không phải “tỉnh tôi tôi làm” bất kể xung đột lợi ích với địa phương khác. Muốn có sự đột phá, đầu tiên phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các địa phương trong vùng.

Các địa phương cần thay đổi tư duy sản xuất, phải đáp ứng quy luật của kinh tế thị trường là làm gì hiệu quả nhất, không nên duy trì sự không hiệu quả chỉ vì “quen làm”.

Ví dụ, có thể thay đổi các mô hình sản xuất ở các vùng ngập mặn là 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, nhưng để triển khai, Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ người dân phù hợp để thay đổi phương thức sản xuất.

Hoặc về vấn đề trồng lúa hiện nay, nhiều địa phương vẫn tận dụng đất đai, vẫn trồng lúa 3 vụ. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, nếu sử dụng lâu dài thuốc trừ sâu, phân bón, trồng trọt với cường độ cao, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đất.

Do đó, ở một số khu vực cần có sự thay đổi tư duy sản xuất, cần nghiên cứu việc giảm số vụ, ví dụ xuống còn 2 vụ nhưng bảo đảm năng suất chất lượng, mang lại giá trị cao hơn. Còn vụ thứ 3 có thể nghiên cứu kiểm soát lũ vào, bù đắp phù sa.

Với khu vực chịu nhiều biến đổi khí hậu (lũ lụt vào mùa mưa và ngập mặn vào mùa khô) thì không thể xây dựng hạ tầng theo cách thông thường, không tính toán đầy đủ sự biến đổi sẽ không mang lai nhiều hiệu quả.

 

Sạt lở đang là vấn đề chung của ĐBSCL, cần có sự phối hợp để giải quyết. Ảnh: Vân Anh
Sạt lở đang là vấn đề chung của ĐBSCL, cần có sự phối hợp để giải quyết. Ảnh: Vân Anh

* PV: Xin ông cho biết, quan điểm quan trọng quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBCSL để đạt nâng cao hiệu quả phát triển vùng?

* Ông Vũ Quang Các: Khu vực ĐBSCL là đồng bằng trẻ, có độ chênh cao 0,5-1,5 m nên bất cứ sự tác động ở điểm nào đó trên đồng bằng đều tác động lan toả đến khu vực khác.

Do đó, giải quyết vấn đề quy hoạch vùng ĐBSCL không nên riêng rẽ mà cần có cách làm tổng thể. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tình trạng hạn hán, ngập mặn, sạt lở, lún sụt, các hoạt động khác nhau ở thượng nguồn sông Mekong… ảnh hưởng lan toả toàn vùng, chứ không chỉ một địa phương, do đó, không thể giải quyết riêng rẽ mà cần có sự đồng bộ toàn vùng.

Thực tế, ở khu vực ĐBSCL, các địa phương trong vùng có đặc thù giống nhau với 3 thế mạnh chính là sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây ăn trái. Ba thế mạnh này không riêng rẽ từng địa phương mà đan xen thành các vùng sản xuất lớn. Nếu phát triển riêng từng địa phương thì sẽ khó giải quyết. Một ví dụ dễ thấy là nếu không thống nhất, có thể sẽ xung đột tình trạng nuôi thuỷ sản hay với lựa chọn trồng lúa thì cần nước ngọt.

Hơn nữa, cần nhận thức rằng, sự phát triển vùng ĐBSCL không nên đi trái quy luật tự nhiên, mà phải tận dụng mặt mạnh, đồng thời hạn chế tiêu cực.

Cần có quan điểm thích ứng với biến đổi khí hậu, thậm chí phải chấp nhận có lũ, nhưng vấn đề là lũ phải kiểm soát được. Không phải chỗ nào cũng đê, mà vùng nào cần đê, vùng nào nên để lũ vào một cách hợp lý có kiểm soát, mô hình canh tác theo lũ thế nào, đó là tư tưởng thích ứng biến đổi khí hậu.

Việc phát triển hạ tầng góp phần tạo ra động lực phát triển cho vùng. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực có hạn việc phát triển hạ tầng cần tính toán kỹ để chủ động thích ứng biến đổi khi hậu phòng chống thiên tai, tập trung kết nối các khu vực lân cận như với TPHCM. Cần có sự phát huy thế mạnh tiềm năng của giao thông thuỷ.

Cần kết nối hạ tầng theo hướng đa ngành đa mục tiêu, làm cống kết hợp với cầu, làm đường kết hợp với đê, để bảo đảm đầu tư tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả cao.

Quan điểm của quy hoạch vùng là có tính kế thừa một cách hợp lý các bản quy hoạch trước đó, nếu điều đó phù hợp với tư tưởng, quan điểm của Chính phủ về quy hoạch ĐBSCL.

* PV: Yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ đặt ra là quy hoạch cần khả thi, thực chất, có tính đột phá. Quy hoạch phân vùng, lãnh thổ, những điểm quan trọng nhất cần lưu ý là gì thưa ông?

* Ông Vũ Quang Các: Tư tưởng quy hoạch cần chú ý đến 2 trụ cột chính là quản lý nước và đất. Dựa trên đó có khung chiến lược cho toàn vùng, làm sao các ngành khi phát triển không gây ra xung đột, mâu thuẫn với nhau.

Cần chủ động quản lý tài nguyên nước, nước mặt lợ, ngọt ngầm, giảm bớt sự phụ thuộc vào thượng lưu. Quy hoạch lần này cần đưa ra chiến lược về quản lý tổng hợp nguồn nước, vì nếu khai thác nước ngầm lớn quá cũng dễ dẫn đến sụt lún…

Các vấn đề trọng tâm của ĐBSCL cần được giải quyết trong mối quan hệ đa lĩnh vực, quản lý kinh tế-xã hội, nguồn nước, nông lâm nghiệp, nông thôn hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường sinh thái, liên kết vùng...

Yêu cầu đặt ra bản quy hoạch vùng là phải có phương án phân vùng hợp lý, phân bổ không gian sản xuất nông nghiệp, phân ranh giới khu vực nước ưu tiên tận dụng nước mặn, hay nước ngọt bảo đảm tối ưu hoá lợi ích nguồn lợi hệ sinh thái tự nhiên. Khi quy hoạch các khu cụm cần tính toán thích ứng nước biển dâng.

Quy hoạch phải tính toán cả các phương án để sẵn sàng chủ động “sống chung với lũ” theo hướng bảo đảm khai thác lợi ích từ lũ. Với địa phương, cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, vừa bảo đảm an ninh lương thực, nhưng phải hướng sang nền kinh tế nông nghiệp có năng suất giá trị và hiệu quả cao.

Quy hoạch phải giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng, đưa ra các khung để các địa phương bám sát vào đó, đưa ra định hướng phát triển của mình không mâu thuẫn với quy hoạch vùng. Nguyên tắc phải bảo đảm sao cho khi phát triển sản xuất phải hài hoà, đặt lợi ích phát triển lợi ích quốc gia lên trên hết, sau đó mới đến lợi ích vùng, địa phương…

Quan trọng là sau khi có các quy hoạch vùng, phải chuyển đổi được mô hình phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu thị trường, duy trì phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến tương xứng, đồng thời, phát triển các mảng khác như dịch vụ, du lịch. Cần củng cố phát triển liên kết chuỗi không chỉ trong vùng ĐBSCL mà cả các vùng khác bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo tôi, để có tính đột phá, quy hoạch vùng ĐBSCL hiệu quả, rất cần sự phối hợp tham gia các bộ, ngành địa phương và sự điều phối, chỉ đạo của Chính phủ để đạt được mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả tốt nhất cho vùng. Quy hoạch này cần sớm thực hiện để có hiệu lực từ năm 2019, phù hợp với thời gian dự kiến có hiệu lực của Luật Quy hoạch.

* PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.