Thứ Tư, 13/09/2017, 14:24 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN VĂN TÚ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CÁI BÈ:

Chủ động, sẵn sàng ứng phó với lũ

Theo nhận định của ngành chức năng, lũ năm nay cao và diễn biến phức tạp. Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng lũ, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè đã triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2017. Trao đổi về công tác này, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết:

Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè khảo sát tình hình lũ.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè khảo sát tình hình lũ.

Tình hình thời tiết năm 2017 tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường, áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm, lốc xoáy xảy ra thường xuyên nên đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Cụ thể, cơn mưa lớn ngày 25-7 kèm theo lốc xoáy xảy ra trên địa bàn 4 xã An Thái Trung, Tân Hưng, Mỹ Lợi A và Mỹ Đức Tây gây thiệt hại 18 căn nhà, ước tổng thiệt hại 220 triệu đồng, trong đó sập 4 căn ở xã An Thái Trung và Mỹ Lợi A, tốc mái 14 căn. Còn cơn mưa giông kèm theo lốc xoáy vào chiều 31-8 đã làm 32 căn nhà ở xã Hậu Mỹ Phú, Mỹ Tân, Thiện Trung và Mỹ Trung bị tốc mái, nhiều vườn cây ăn trái bị đổ ngã, tổng tài sản thiệt hại ước tính hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện xuất hiện 28 điểm sạt lở và sụp lún, tổng chiều dài 1.878 m, trong đó có 10 điểm sạt lở lớn nguy hiểm, chiều dài 274 m, 18 điểm sạt lở vừa có tính chất nguy hiểm, chiều dài 1.604 m.

Để công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, UBND huyện Cái Bè kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ hoàn thiện các công trình cống, đập phòng, chống thiên tai năm 2017 như hỗ trợ kinh phí xây dựng đập tạm và khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm, trong đó xem xét hỗ trợ kinh phí dời tuyến đê bờ Đông kinh Rạch Ruộng do sạt lở quá nhiều nên xử lý rất tốn kém mà hiệu quả thấp; hỗ trợ kinh phí diễn tập và trang bị vật tư, thiết bị cho Ban Chỉ huy huyện như: Áo mưa, đèn pin, áo phao, phao cứu hộ, xe vận tải nhỏ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ kinh phí cho các phương án phòng sạt lở.

Để công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tổ chức triển khai kế hoạch PCTT-TKCN năm 2017 như sau: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, triển khai các chỉ thị của Trung ương và tỉnh cho thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN về việc tăng cường công tác PCTT-TKCN năm 2017. Còn ở cấp xã, đến nay đã có 25/25 đơn vị xã và thị trấn Cái Bè triển khai kế hoạch PCTT-TKCN trong nội bộ và ra các ấp.

* Phóng viên (PV): Cụ thể, công tác bảo vệ diện tích lúa hè thu chính vụ và vườn cây ăn trái trong mùa lũ năm nay ra sao, thưa ông?

* Ông Nguyễn Văn Tú: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.600 ha lúa hè thu chính vụ, tập trung ở các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Hậu Mỹ Bắc A, Mỹ Lợi B… dự kiến thu hoạch sau ngày 15-9. Đây là số diện tích rất cần được bảo vệ nếu như nước lũ từ thượng nguồn đổ về sớm và diễn biến phức tạp. Mặc dù toàn bộ diện tích lúa thu hoạch trễ đều nằm trong các ô đê bao, song các ô đê bao này là đê bao lửng, được xây dựng khá lâu, có khả năng bảo vệ cao trình + 1,5 m nên cần phải gia cố mới có thể bảo đảm cho việc thu hoạch lúa an toàn.

Cụ thể, UBND huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ nâng cấp 19 tuyến đê và đắp 15 đập tạm ở 7 xã phía Bắc Quốc lộ 1, trong đó cần ưu tiên khởi công gia cố khẩn cấp tuyến đê phía Đông kinh Chà dài 800 m có 120 ha lúa, tuyến đê kinh Rạch Giá dài 450 m có khoảng 100 ha lúa… Đây là các vùng trũng, giáp ranh tỉnh Đồng Tháp, dự báo sẽ bị ngập sâu khi nước lũ về. Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng để thu hoạch lúa an toàn, bảo đảm năng suất lúa nhằm đối phó với tình huống nước lũ có diễn biến bất ngờ và phức tạp.

Đối với vườn cây ăn trái, tổng diện tích vườn toàn huyện là 16.788 ha, trong đó diện tích ô đê bao chắc chắn khoảng 15.000 ha, số ít diện tích còn lại cũng đã được người dân đắp ô bao nội bộ. Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, số diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện có khả năng bị ảnh hưởng lũ năm nay không lớn. Tuy nhiên, để chủ động đối phó với lũ, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai gia cố một số ô đê bao có nguy cơ bị ảnh hưởng triều cường, đồng thời khuyến cáo người dân tự gia cố thêm một số đoạn đê bao nội bộ đã xuống cấp.

* PV: Theo nhận định của các ngành chức năng, lũ năm nay có khả năng cao và diễn biến phức tạp. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do lũ, địa phương có kế hoạch cụ thể nào?

* Ông Nguyễn Văn Tú: UBND huyện đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, các ngành và cấp xã; các ngành xây dựng, rà soát phương án PCTT-TKCN cần chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của ngành và phải gắn với phương châm “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, cấp xã đảm bảo trực 24/24 và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn để thông tin kịp thời cho người dân biết khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

UBND huyện cũng chỉ đạo xây dựng phương án, tổ chức lực lượng cơ động của huyện (chủ lực là lực lượng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện), phối hợp cùng lực lượng của các xã và dân quân tự vệ ấp để sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện; có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; thành lập các tổ chức, các tổ hợp tác, đội quản lý đê để quản lý các công trình thủy lợi, đê bao trên địa bàn ấp, xã theo phân cấp. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình ngăn lũ, triều cường và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp để chống nước ngập do bão, áp thấp nhiệt đới hoặc triều cường; đồng thời đề ra phương án hộ đê phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình nhằm sẵn sàng triển khai phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”…

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân kiến thức về phòng, chống thiên tai và các biện pháp đề phòng nhà cửa, xuồng ghe, kho bãi khi có gió bão, lốc xoáy, triều cường làm ngập nhà ở, kho tàng...

* PV: Xin cảm ơn ông!

HỮU CHÍ (thực hiện)

.
.
.