Thứ Hai, 30/10/2017, 20:43 (GMT+7)
.

Tinh giản biên chế: Ai cũng đồng ý, nói thì dễ nhưng làm thì... vướng

Việc tinh giản biên chế với khối các cơ quan hành chính trong hai năm 2015 và 2016 mới đạt hơn 2.200 người trong tổng số gần 273.000 biên chế, tức là mới được 0,83%. Số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thậm chí còn không giảm mà tăng gần 122.000 người trong giai đoạn 2011-2016 trong khi phần lớn các đơn vị này vẫn do ngân sách Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động.

Hành trình tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông) là cơ bản “ai cũng đồng ý” nhưng chỉ “nói thì dễ.” Theo ông, nếu không có bộ tiêu chí đánh giá đội ngũ cán bộ và sự khách quan từ người đứng đầu thì hậu quả là, khó giữ người làm được việc trong khi để lại người làm không được việc.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đã có những trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này ngày 30/10 bên lề Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14.

a
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông). (Ảnh": PV/Vietnam+)

- Các đại biểu Quốc hội ngày 30/10 đã thảo luận về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Tôi cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao với việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn năm 2011-2016, đây là giai đoạn gối đầu của 3 nhiệm kỳ Quốc hội.
Việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế theo tôi không thể đặt trong từng cơ quan mà phải xem xét tổng thể trong bộ máy của Nhà nước. Tôi cho là đây là chủ trương đúng. Vừa qua Hội nghị Trung ương 6 cũng đã có quyết sách quan trọng về cách bộ máy Nhà nước.

- Vậy ông đánh giá sao về công tác cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước trong 5 năm qua, có những tồn tại gì ông còn lo lắng?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Có những ý kiến cho rằng, nhận thức thời gian qua của một số cấp ủy, của người đứng đầu trong công tác cải cách bộ máy hành chính Nhà nước vẫn còn hạn chế, có thể nghị quyết rất thuộc, các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã có nhưng khi triển khai thực tế thì có vướng mắc.

Theo tôi, có những vấn đề nhiều khi người đứng đầu chưa quyết liệt, cấp ủy chưa quyết liệt. Nếu bàn về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, về tinh giản biên chế thì cơ bản ai cũng đồng ý, nói thì dễ nhưng để làm được thì quan trọng nhất là trong một thời gian dài, ta phải có một bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng đội ngũ công chức.

Hai là hàng năm, người đứng đầu phải đánh giá khách quan về đôi ngũ công chức của mình, đưa ra khỏi biên chế những người không đủ năng lực.
Nếu không có bộ tiêu chí và đánh giá khách quan của người đứng đầu thì sẽ dẫn tới tình trạng, ta khó giữ được người làm việc thực sự, người có năng lực và ngược lại, ta giữ lại người không có năng lực. Đây là việc Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan thời gian tới cần hướng dẫn ra sao để việc đánh giá công chức hàng năm được khách quan.

- Nhiều ý kiến tại hội trường đã cho rằng, bộ máy của ta hiện cồng kềnh vì có quá nhiều đơn vị trực thuộc như phòng trong vụ. Ông cho rằng nên quy định cụ thể vấn đề này ra sao?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Một trong những kiến nghị của đoàn giám sát là cần có quy định về tiêu chí như thế nào để thành lập phòng, bao nhiêu phòng mới được thành lập cục.

Một vấn đề nữa tôi cho là Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua là ban hành nghị định về việc không thành lập các phòng trong vụ, chỉ trường hợp đặc biệt mới quy định. Đây cũng là một trong những giải pháp Chính phủ thực hiện từ đầu nhiệm kỳ.

Thời gian qua, ta khó nói là nhiều phòng vì bản thân quy định của ta, ví dụ quyết định của Bộ trưởng, thông tư, hay chính trong Nghị định đã quy định các phòng ra sao thế nên các cơ quan họ cứ thành lập.

Vì thế, ta phải rà soát từ thể chế, khi thể chế được ban hành thì ta phải thực hiện nghiêm theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Theo vietnamplus.vn

 

.
.
.