Thứ Sáu, 10/11/2017, 20:34 (GMT+7)
.

Công tác tiếp công dân đã đi vào nền nếp

Thời gian qua, tiếp công dân (TCD) là một trong những mặt công tác được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm và đã đi vào nền nếp. Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban TCD tỉnh Trần Văn Đồng cho biết:

Trước khi Luật TCD được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác TCD như: Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khi Luật TCD có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 144 về tổ chức triển khai thực hiện Luật TCD trên địa bàn tỉnh. Ngày 3-11-2014, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 239 tổ chức triển khai thực hiện Luật TCD và Nghị định 64 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch hướng dẫn cho cán bộ chủ chốt, cán bộ nghiệp vụ chuyên môn các phòng, ban cấp huyện có liên quan và Chủ tịch UBND cấp xã. Sau đó, các phòng, ban cấp huyện và UBND cấp xã phổ biến lại trong cơ quan, đơn vị mình và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân các quy định pháp luật về TCD.

Về công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác TCD, đầu năm 2017, UBND tỉnh đã mời cán bộ của Trung ương về tập huấn tại tỉnh cho cán bộ làm công tác TCD từ cấp tỉnh đến cấp xã. Từ khi Luật TCD được ban hành đến nay, đã tổ chức được 28 cuộc triển khai và tập huấn nghiệp vụ về TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 13.239 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Kết quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân được 12.533 cuộc, với 485.641 lượt người dự. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo tại nơi TCD; trách nhiệm của người TCD; trách nhiệm của Chủ tịch UBND và thủ trưởng cơ quan Nhà nước các cấp.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình và kết quả công tác TCD của tỉnh trong thời gian qua?

* Đồng chí Trần Văn Đồng: Trong những năm qua, công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành củng cố, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua TCD, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận, chỉ đạo thực hiện ngay một số vụ (việc), được người dân đồng tình, ủng hộ như: Trường hợp bà Lữ Ngọc Hành (phường 4, TP. Mỹ Tho), ông Đồng Nghĩa Hiệp (huyện Gò Công Tây), bà Nguyễn Thị Tuyết (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước)...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì buổi tiếp công dân.                                             Ảnh: NGUYỄN SƠN
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng chủ trì buổi tiếp công dân. Ảnh: NGUYỄN SƠN

Nhìn chung, số lượt công dân đi khiếu nại vụ (việc) mới phát sinh giảm, chủ yếu là các nội dung cũ đã được UBND cấp huyện, cấp tỉnh và các bộ, ngành Trung ương giải quyết, nhưng người dân vẫn còn tiếp tục khiếu nại, liên kết thành đoàn đông người nhiều lượt đến các cơ quan Nhà nước yêu cầu rà soát, xem xét, giải quyết lại như: Vụ khiếu nại đền bù giải tỏa Dự án mở rộng QL1A; Dự án Cụm dân cư và Khu thương mại khu 1, thị trấn Cai Lậy; Dự án Khu công nghiệp Long Giang... Bên cạnh đó, cũng còn một số vụ đơn lẻ như: Đòi lại đất cũ trước đây đã đưa vào tập đoàn, hợp tác xã; đòi lại nhà cửa, tài sản thuộc diện vắng chủ, cải tạo công thương nghiệp do Nhà nước quản lý; tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình, tranh chấp về ranh đất giữa các hộ liền kề; khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội đối với người có công với cách mạng...

Đa số những người đi khiếu nại sau khi được giải thích, giải quyết đúng quy định của pháp luật đã đồng tình, chấm dứt khiếu nại. Tuy nhiên, cũng có một số người cố tình khiếu nại kéo dài, dù vụ việc đã được nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình. Thậm chí, một số đối tượng có thái độ gay gắt, cực đoan, có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn.

* Phóng viên: Về thực hiện trách nhiệm TCD trong thời gian qua?

* Đồng chí Trần Văn Đồng: Về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện: Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức TCD định kỳ tại Trụ sở TCD theo quy định ít nhất 1 ngày/tháng, đã tiếp được tổng số 191 lượt, với 799 người; trong đó có 24 đoàn đông người, với 632 lượt người. Qua TCD, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận chỉ đạo giải quyết 62 vụ (việc) và ban hành 26 công văn trả lời cho công dân. Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp dân ít nhất 2 ngày/tháng, đã tiếp tổng số 404 lượt, với 538 người; trong đó có 10 đoàn đông người, với 144 người. Chủ tịch UBND cấp xã TCD mỗi tuần 1 ngày, tùy theo điều kiện công tác của xã mà bố trí ngày tiếp phù hợp.

Đối với việc TCD của Chủ tịch UBND tỉnh, đã thực hiện đúng theo quy định của Luật TCD, được Thanh tra Chính phủ đánh giá cao trong các báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết công tác TCD, là tỉnh đứng đầu trong cả nước về việc thực hiện tốt Luật TCD. UBND cấp huyện đều đã thành lập Ban TCD trực thuộc Văn phòng UBND cấp huyện, do Phó Chánh Văn phòng UBND cấp huyện làm Trưởng ban và đều đã ban hành nội quy, quy chế TCD theo quy định. Trụ sở TCD cấp tỉnh, cấp huyện đã được sắp xếp, bố trí riêng, vị trí thuận tiện, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân. Tổng số cán bộ làm công tác TCD thường xuyên trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 421 người, đa số có trình độ chuyên môn phù hợp, được qua bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác TCD.

Khó khăn trong việc thực hiện quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác TCD là do công việc của Chủ tịch UBND nhiều, tham dự các cuộc họp đột xuất thì phải thông báo dời lịch TCD (Luật TCD không quy định ủy quyền cho cấp phó). Công tác TCD thường xuyên ở cấp xã là công chức được phân công kiêm nhiệm phụ trách công tác TCD, do công việc chuyên môn chiếm nhiều thời gian nên áp lực trong công việc gây ảnh hưởng đến công tác TCD. Việc thực hiện chính sách cho người làm công tác TCD chưa được đồng bộ, vẫn còn một số đơn vị cấp xã chưa chi chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp dân.

* Phóng viên: Đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì với cấp trên để công tác TCD trong thời gian tới được hoàn thiện hơn?

* Đồng chí Trần Văn Đồng: Từ tình hình thực tế trên, UBND tỉnh đề nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để có biện pháp xử lý, chế tài đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân. Thanh tra Chính phủ cần sớm triển khai phần mềm liên thông về thông tin giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ Trung ương đến địa phương, để quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quản lý chặt chẽ hơn, tránh nhiều vụ (việc) đã được giải quyết ở địa phương nhưng khi người dân gửi đơn đến Trung ương thì tiếp tục nhận đơn và chuyển về địa phương yêu cầu giải quyết như thời gian qua. Thanh tra Chính phủ cần đề nghị Quốc hội chỉnh sửa Luật TCD theo hướng: Chủ tịch UBND các cấp TCD theo như quy định hiện nay. Không nên quy định việc TCD vào các ngày cố định, vì Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện các công việc đột xuất...

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

HỮU CHÍ (thực hiện)

.
.
.