Thứ Tư, 15/11/2017, 16:22 (GMT+7)
.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành của UBND tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào triển khai ứng dụng phần mềm theo dõi hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết:

Ngay từ năm 2016 - năm đầu tiên của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh công tác trọng tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai hạn - mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang, đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng triển khai các công việc trọng tâm theo Nghị quyết cả nhiệm kỳ, nên khối lượng công việc năm đầu nhiệm kỳ và năm 2017 là khá lớn. Để theo dõi các công việc đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, kết luận (năm 2016 chỉ đạo 324 đầu công việc, từ đầu năm 2017 đến nay đã có trên 550 đầu công việc được chỉ đạo), trong năm 2016, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ Công tác của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (gọi tắt là Tổ Công tác “2702”) và đưa cả nhiệm vụ của Tổ vào Quy chế làm việc của UBND tỉnh; đồng thời trong năm 2017 đã đề xuất UBND tỉnh cho nghiên cứu triển khai phần mềm Theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (gọi tắt là Phần mềm theo dõi) và phần mềm được vận hành chính thức vào đầu tháng 11-2017.  

Mục đích triển khai Phần mềm theo dõi nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; giúp lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, thống kê tình hình thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đã ban hành bằng văn bản, hoặc các ý kiến kết luận tại hội nghị; giúp các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành (gọi tắt là cấp huyện) theo dõi, kiểm soát việc thực hiện, cũng như báo cáo nhanh quá trình, kết quả thực hiện công việc được giao; giúp chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện công việc được giao đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện để tổng hợp, báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện công việc được giao.

Phần mềm theo dõi được đưa lên bảng điện tử công khai tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh. 	Ảnh: MINH THÀNH
Phần mềm theo dõi được đưa lên bảng điện tử công khai tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh. Ảnh: MINH THÀNH

* Phóng viên (PV): Để vận hành hiệu quả Phần mềm theo dõi chỉ đạo của UBND tỉnh, trách nhiệm sở, ngành (trong đó có cơ quan Văn phòng UBND tỉnh) và UBND cấp huyện được xác định ra sao?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Điều 49 Quy chế làm việc của UBND tỉnh quy định rất rõ ràng về chế độ báo cáo việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, thực tế thời gian qua, ngoại trừ cơ quan Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, tiến độ thực hiện, còn hầu hết các sở, ngành và UBND cấp huyện chưa thật sự chủ động thực hiện báo cáo, chỉ tập trung rà soát khi có Đoàn công tác “2702” tỉnh làm việc hoặc đoàn công tác của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND đến làm việc (hoặc phải họp khối báo cáo kết quả với Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối)… Chính vì vậy, việc triển khai Phần mềm theo dõi được đưa lên bảng điện tử công khai tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh (từ vị trí công cộng trung tâm trụ sở cũng như bố trí tại một số phòng họp của UBND tỉnh (kể cả phòng họp tại Khu nhà làm việc của UBND tỉnh) để mọi người theo dõi, giám sát, giúp các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện nâng cao ý thức chủ động trong rà soát, thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, không thể lơ là. Phần mềm sẽ tự động cập nhật thông báo kết quả xử lý công việc khi gần hết hạn hoặc quá thời hạn được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quy định phải hoàn thành (ví dụ trạng thái hiển thị nội dung công việc sẽ chuyển từ màu xanh sang màu đỏ khi công việc đó đã trễ hạn phải báo cáo, thực hiện…). 

Để vận hành Phần mềm theo dõi mang lại hiệu quả, trách nhiệm cơ quan đầu mối và cơ quan phối hợp cũng được xác lập. Theo đó:

- Cơ quan Văn phòng UBND tỉnh sẽ là đơn vị đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ đạo, kết luận của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể, chuyên viên Văn phòng được phân công theo dõi có trách nhiệm trao đổi, đôn đốc cơ quan được giao nhiệm vụ phải hoàn thành công việc theo đúng thời hạn được giao (nếu nhận thấy nhiệm vụ giao sở, ngành, cấp huyện có khó khăn, vướng mắc hoặc chậm trễ trong quá trình thực hiện phải báo cáo ngay cho lãnh đạo để xin ý kiến chỉ đạo). Khi công việc của các sở, ban, ngành và cấp huyện đã hoàn thành, chuyên viên báo cáo lãnh đạo Văn phòng để xem xét, kết thúc công việc, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo các phòng nghiên cứu có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chuyên viên trong phòng được phân công theo dõi đơn vị thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Văn phòng theo yêu cầu hoặc theo định kỳ.
Định kỳ 2 tuần/lần, Chánh Văn phòng tổ chức họp với các Phó Văn phòng và trưởng các phòng nghiên cứu để xem xét các báo cáo theo dõi công việc được giao, chấn chỉnh đối với các công việc được giao quá hạn xử lý; đôn đốc việc thực hiện công việc được giao ở các sở, ngành và UBND cấp huyện; quyết định bổ sung các đầu việc cần được theo dõi; có ý kiến khắc phục sai sót (nếu có) hoặc điều chỉnh, uốn nắn cho phù hợp với quy chế.

- Các sở, ngành và UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phải thường xuyên rà soát, nắm bắt tiến độ thật chặt và nhận diện kết quả cuối cùng (có những kết quả khi kết thúc “xong” có khi phải là sản phẩm từ các văn bản của UBND tỉnh chứ không đơn thuần kết thúc từ văn bản tham mưu của cấp sở và cấp huyện).

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện công việc được giao; tổ chức việc tiếp nhận và triển khai thực hiện, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ để được hướng dẫn hoặc hỗ trợ giải quyết, trong trường hợp hoàn thành công việc được giao trễ hạn phải có báo cáo giải trình; phải  phân công cán bộ trong đơn vị truy cập hàng ngày vào Phần mềm để nắm bắt tiến độ công việc được giao và tổ chức thực hiện, phối hợp chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh cập nhật tiến độ; chỉ đạo việc cập nhật, trao đổi tình hình và báo cáo kết quả thực hiện (kèm tập tin văn bản) cho đến khi công việc được giao được xác nhận đã hoàn thành. Đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi chuyên viên các sở, ngành từ cơ quan chuyên môn (sở chuyên ngành) đến cơ quan trực tiếp tham mưu tổng hợp (Văn phòng UBND tỉnh) phải phối hợp thật chặt chẽ và có trách nhiệm.

* PV: Đồng chí có thể nêu một số yêu cầu, định hướng sắp tới để Phần mềm này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của Chủ tịch UBND tỉnh?

* Đồng chí Phạm Văn Trọng: Có thể nói, bước đầu ứng dụng Phần mềm có nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có sự bất ngờ do chưa nắm được các tiện ích, nhưng sau đó đã thấy được hết tác dụng, hiệu quả nên đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ hơn với Văn phòng UBND tỉnh để rà soát, kiểm tra tiến độ công việc. Điều này cho thấy thành công bước đầu khi đưa vào sử dụng Phần mềm theo dõi.

Như đã nêu trên, hiện Phần mềm theo dõi đã vận hành chính thức từ đầu tháng 11-2017. Sau thời điểm này, việc tổng hợp, theo dõi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ căn cứ theo số liệu báo cáo từ Phần mềm. Cơ quan, đơn vị nào không cập nhật thông tin vào phần mềm thì xem như chưa thực hiện nhiệm vụ được giao và sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm tại các phiên họp thành viên UBND tỉnh hằng tháng và sẽ áp dụng quy định tại Quy chế làm việc của UBND tỉnh để xử lý nếu công việc chậm trễ kéo dài, đã được UBND tỉnh nhắc nhở...

Về lâu dài, phần mềm này dự kiến được mở rộng đối tượng đến cấp xã. Khi kết nối đến cấp xã, đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp (Văn phòng UBND cấp huyện và tỉnh) sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo một cách nhanh gọn và chính xác; các đơn vị hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, thị, thành và xã, phường, thị trấn có thể tổng hợp, báo cáo tiến độ xử lý công việc của đơn vị mình thường xuyên, chủ động đến cấp trên; đồng thời giúp lãnh đạo UBND tỉnh và cấp huyện, thị, thành quản lý, giải quyết công việc, cho ý kiến chỉ đạo kịp thời với cơ sở thông qua hệ thống mạng điện tử. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị hành chính thuộc UBND tỉnh, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai gần theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Q.A  (thực hiện)

.
.
.