Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế
Ngày nay, việc ứng dụng ngày càng rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất đã làm tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, khoa học và công nghệ dù có sức mạnh thế nào cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Đối với ngành Y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh. Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ:
Để đảm bảo lực lượng cán bộ y tế hoạt động, trong thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều giải pháp để tuyển dụng và phân công viên chức y tế phù hợp với từng tuyến, từng cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời đề xuất HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, hỗ trợ tạo nguồn nhân lực bền vững cho ngành Y tế. Đặc biệt, ngành Y tế thực hiện tốt chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, với mức trợ cấp bằng 0,9 mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, để đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Y tế đã cử nhiều cán bộ, nhân viên y tế tham gia các lớp đào tạo bác sĩ hệ liên thông, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu của tỉnh ở các Trường Đại học Y, dược. Qua các năm đào tạo, số lượng cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học tăng lên.
Kết quả từ năm 2011 đến nay, đào tạo 7 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 30 BS CKII, 115 bác sĩ chuyên khoa I, 119 bác sĩ, 47 dược sĩ và 145 cử nhân y khoa. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân của tỉnh là 6,4; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân là 1,19 và 164/173 trạm y tế có bác sĩ.
* Phóng viên (P.V): Theo đánh giá của ông, chất lượng nhân lực ngành Y tế của tỉnh hiện nay như thế nào so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực?
* BS CKII Trần Thanh Thảo: So với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh thấp thứ 2. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều yếu tố. Trong đó, hằng năm, số lượng bác sĩ của tỉnh được đào tạo tốt nghiệp ra trường còn rất thấp, chỉ khoảng từ 20 - 25 bác sĩ chính quy tốt nghiệp ra trường.
Điều đáng nói, hầu như số bác sĩ này không trở về địa phương công tác mà tập trung ở lại làm việc tại các thành phố lớn, các bệnh viện tư nhân. Bên cạnh đó, số bác sĩ nghỉ hưu, thôi việc, bỏ việc,… cũng tăng lên hằng năm.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh luôn nâng cao tay nghề để thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị bệnh. |
Tỉnh cần hơn 350 bác sĩ để đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã làm việc với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và được nhà trường thống nhất hỗ trợ đào tạo cho tỉnh 100 chỉ tiêu bác sĩ ngành Y đa khoa trong năm học 2017 - 2018.
* P.V: Ông vui lòng cho biết định hướng phát triển nhân lực ngành Y tế trong thời gian tới?
* BS CKII Trần Thanh Thảo:
Hiện nay, ngành Y tế đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt ở các tỉnh, thành cũng như ở tuyến cơ sở.Thực hiện các chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, để tìm nguồn và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên kết với các Trường Đại học Y dược của TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ đào tạo cán bộ có trình độ cao như: Bác sĩ, dược sĩ, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, phục hồi chức năng,… theo địa chỉ sử dụng và nhu cầu cán bộ y tế của tỉnh.
Giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế; tạo sự chuyển biến nhận thức, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người thầy thuốc, vì người bệnh mà phục vụ. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường làm việc và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy được khả năng chuyên môn nghiệp vụ.
Ngành Y tế sẽ thực hiện chính sách thu hút, ưu đãi, đầu tư kinh phí đào tạo cho cán bộ y tế về công tác tại tỉnh.
Ngoài ra, vấn đề cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho nhân lực y tế công cũng là giải pháp bền vững, để hạn chế trình trạng biến động nhân lực y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thực hiện xã hội hoá về y tế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập phù hợp với Nghị định 43 của Chính phủ.
MAI HÀ