Đổi mới, nâng chất giảng viên là nhiệm vụ hàng đầu
Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) đã không ngừng cải tiến chương trình đào tạo; nâng chất đội ngũ giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy… Ghi nhận sự nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, mới đây, Trường ĐHTG vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Chia sẻ về những thành quả đạt được trong thời gian qua cũng như phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, PGS. TS. Võ Ngọc Hà, Hiệu Trưởng Trường ĐHTG cho biết:
Với truyền thống đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, giảng viên và viên chức, nhà trường đã từng bước vượt qua những khó khăn và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Nổi bật trong năm học 2015 -2016 và 2016 - 2017 là những năm đầu tiên nhà trường triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên của trường đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu khối thi đua các trường trung cấp, cao đẳng, đại học của tỉnh.
Cụ thể: Kết quả công tác tuyển sinh hệ cao đẳng, đại học chính quy của trường: Năm 2016 đạt tỷ lệ 73% (2.168 sinh viên) và năm 2017 đạt tỷ lệ 72% (3.510 sinh viên), góp phần duy trì quy mô đào tạo của trường gần 10.000 sinh viên.
Hằng năm, tỷ lệ bình quân sinh viên được xếp loại tốt nghiệp từ loại khá trở lên là 63,7% và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 89%. Nhà trường thường xuyên cải tiến và phát triển chương trình đào tạo.
Năm 2016, trường đã mở 3 ngành đại học mới gồm: Toán ứng dụng, Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Hiện tại, trường cũng đang xây dựng mở 2 ngành đại học mới: Văn hóa học và Quản lý kinh tế.
Song song đó, nhà trường còn triển khai kế hoạch phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: Thực hiện thí điểm xây dựng chương trình đào tạo đối với đại học Công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ thông tin theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế CDIO, hiện đang tiến hành khảo sát các đối tượng liên quan nhằm phân tích, đánh giá xây dựng chuẩn đầu ra cấp độ 3.
Ngoài ra, trường cũng đã phát triển 14 chương trình đào tạo; hiệu chỉnh và cập nhật 34 chương trình đào tạo bậc cao đẳng và đại học; biên soạn chuẩn đầu ra cho các học phần giảng dạy.
Bên cạnh đó, trường còn liên kết với Công ty Esuhai tổ chức đào tạo tiếng Nhật và thực tập kỹ năng tại Nhật Bản vào tháng 2-2016. Tính đến tháng 12-2017, chương trình đã khai giảng 20 lớp với 420 sinh viên tham gia chương trình và có 43 học viên đã xuất cảnh, 22 học viên đã trúng tuyển đang chờ xuất cảnh sang Nhật Bản trong năm 2018.
Trường tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các đối tác mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ đó, đã nhận được nhiều nguồn tài trợ học bổng và trang thiết bị từ các tổ chức nước ngoài, góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của trường.
Cụ thể: Trường Đại học Quốc gia Changwon, Hàn Quốc tài trợ 110.000.000 đồng; công ty TNHH Royal Foods tài trợ 1 tỷ đồng và 2 suất học bổng thạc sĩ toàn phần tại Thái Lan và nhiều suất học bổng cho sinh viên từ Hội Canelle, Pháp.
Lễ phát Bằng tốt nghiệp năm 2017. Ảnh: ĐỖ PHI |
Trường không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên. Tính đến tháng 1-2018, trường có 478 viên chức (1 phó giáo sư, 29 tiến sĩ và 258 thạc sĩ). Ngoài ra, trường cũng đã tham gia thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 52 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường… Trường còn tiên phong trong việc phát triển và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tháng 9-2017, trường đã vinh dự đón nhận Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Đây là trường đại học thứ hai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia đăng ký và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.
* Phóng viên (PV): Xin PGS.TS cho biết hiện nhà trường có những khó khăn, hạn chế gì không và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới?
* PGS.TS. Võ Ngọc Hà: Hiện tại, trường gặp một số khó khăn nhất định: Chưa có đủ giảng viên, nghiên cứu viên có học hàm, học vị cao, nhất là giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển theo hướng đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ngân sách đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy thực hành chủ yếu từ nguồn mua sắm thường xuyên (khoảng 3 tỷ đồng/năm), chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.
Trường chưa đủ kinh phí mua chương trình đào tạo tiên tiến để đào tạo giảng viên, chưa có ký túc xá, thiếu sân chơi, bãi tập cho sinh viên.
Bên cạnh đó, trường cũng đang đối diện với những thách thức lớn trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay: Thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo; thách thức trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo; thách thức về năng lực cạnh tranh và nguy cơ tụt hậu; thách thức trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý.
* PV: Trường đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác đào tạo và vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ. Xin PGS.TS cho biết những giải pháp để tiếp tục giữ vững các danh hiệu thi đua của trường và một số nội dung chính trong chiến lược phát triển trường trong thời gian tới?
* PGS.TS. Võ Ngọc Hà: Để tiếp tục giữ vững các danh hiệu thi đua và đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2020, trường thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng đội ngũ viên chức trường đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo để từng bước phát triển quy mô đào tạo.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng quan hệ hợp tác; hoàn thành dự án xây dựng trường với trang thiết bị hiện đại, môi trường giáo dục văn minh; xây dựng cơ chế tài chính thông thoáng, minh bạch.
Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường, gắn với thiết lập mối quan hệ bền chặt với chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị tuyển dụng, sử dụng lao động và xã hội trong xây dựng và phát triển.
Năm là, đổi mới công tác quản lý, điều hành, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; các đoàn thể vững mạnh và đội ngũ viên chức công tâm, liêm khiết, tận tâm, tận lực, tận tụy.
Sáu là, Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác trong nhà trường.
Trong năm học 2017 - 2018, trường sẽ tích cực đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với phương châm cốt lõi là: “Hội nhập và Đổi mới, Kỷ cương và Chất lượng”.
Lãnh đạo nhà trường tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Bộ GD&ĐT, sự nỗ lực không ngừng của quý thầy cô và các em sinh viên sẽ góp phần quan trọng tạo thêm những xung lực mới và niềm tin mạnh mẽ để nhà trường hoàn thành tốt sứ mạng của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
* PV: Xin cảm ơn PGS.TS!
QUẾ ANH (thực hiện)