"Chưa thể để các trường đại học tự công nhận các chức danh giáo sư"
Giáo sư Đào Trọng Thi. (Ảnh: TTXVN) |
Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận đạt tiêu chuẩn năm nay tăng đột biến so với các năm trước.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
- Thưa giáo sư, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 1.226 người, tăng gần 60% so với năm 2016. Điều này đang gây xôn xao dư luận. Chính phủ cũng vừa có công văn yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước rà soát kỹ lưỡng việc này. Là một giáo sư, một người luôn theo sát các vấn đề về giáo dục, ông nghĩ sao về điều này?
Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ việc năm nay số lượng người được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng mạnh không phải là một vấn đề lớn.
Thứ nhất là vì năm nay thời gian nhận hồ sơ xét duyệt muộn hơn 6 tháng so với mọi năm. Các năm trước thời gian nhận hồ sơ là tháng Năm nhưng năm 2017 là tháng Mười một. Do đó, nhiều người có thêm thời gian để chuẩn bị.
Thứ hai là Chính phủ hiện nay đang nghiên cứu thay đổi tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, dự kiến áp dụng từ năm 2018.
Những người muốn đăng ký công nhận các chức danh này đều đã phải mất thời gian dài để chuẩn bị theo các tiêu chí hiện hành. Nếu Chính phủ thay đổi tiêu chí thì thì họ sẽ phải mất công chuẩn bị lại, trong đó có những yêu cầu không phải một, hai năm mà đáp ứng được, như yêu cầu về bài báo khoa học hay nghiên cứu sinh.
Vì thế, tâm lý cố gắng hoàn tất hồ sơ năm nay, tránh để sang năm phải chuẩn bị lại, là tâm lý hết sức bình thường, hoàn toàn chính đáng, ai cũng sẽ như vậy.
Vấn đề không phải nhiều người hay ít người được phong. Vấn đề là những người được phong có xứng đáng không, theo quy định hiện hành. Nếu những người được phong là xứng đáng, không phải vớt vát hay nhân nhượng, thì việc nhiều người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là rất tốt.
Có ý kiến rất không chuẩn khi nói rằng Việt Nam nhiều giáo sư, phó giáo sư. Thực tế, Việt Nam rất thiếu giáo sư, phó giáo sư. Nhiều trường đại học của Việt Nam không có giáo sư, có ngành không có phó giáo sư nào. Trong khi đó, nếu ở trường đại học nghiêm chỉnh thì đứng đầu một ngành phải có một giáo sư.
Ở các trường đại học đạt chuẩn trên thế giới thì số lượng giáo sư, phó giáo sư phải chiếm trên 50% lực lượng cán bộ giảng dạy. Cán bộ giảng dạy chuẩn học vị khoa học phải là tiến sỹ, trợ giảng cũng phải là tiến sỹ.
Trong khi đó, tỷ lệ tiến sỹ trong các trường đại học của Việt Nam vẫn đang rất thấp, chỉ trên 20%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư chỉ 15-16%.
Vì vậy, nói Việt Nam nhiều giáo sư và phó giáo sư là quá ngây ngô, chưa hiểu biết về chuyên môn.
Nếu có thắc mắc thì phải thắc mắc xem quy trình đánh giá công nhận chuẩn giáo sư, phó giáo sư đó có đúng không, có đảm bảo chặt chẽ không, có tiêu cực trong đó không? Những người đó có xứng đáng thực sự hay không? Người xét có thực hiện đúng hay không, có khiên cưỡng không? Nếu quy trình nghiêm chỉnh, người đăng ký nghiêm chỉnh, người xem xét thẩm định nghiêm chỉnh thì đây là điều tốt.
- Nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện hành là chưa tiệm cận quốc tế và có nhiều bất cập. Giáo sư có thể cho biết quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Đào Trọng Thi: Đúng là bây giờ chúng ta phải hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư phải phù hợp quốc tế.
Tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam nhiều giáo sư quốc tế về đăng ký là trượt. Mình có nhiều quy định khó nhưng không phải cái cần, trong khi cái cần lại không có.
Ví dụ cần công trình khoa học, bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, tiêu chuẩn của Việt Nam thì bài báo đăng trên tạp chí trong nước cũng được, cứ tính điểm. Đây là chức danh của người có chất lượng rất cao, nhưng lại chạy theo số lượng là không ổn. Dù viết hàng trăm bài báo nhưng không chất lượng cũng không thể bằng một hoặc hai bài báo chất lượng.
Các xét chuẩn giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam là thiên về số lượng, không nhấn mạnh tiêu chí về chất lượng, thủ tục cồng kềnh. Đó là cái chúng ta cần khắc phục và Chính phủ cũng đang thay đổi theo hướng đó để hội nhập quốc tế hơn.
- Hiện ở Việt Nam, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Các trường đại học sẽ bổ nhiệm chính thức, tùy theo nhu cầu của mình. Nhưng ở nhiều nước, các trường đại học được tự đánh giá, tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư. Theo ông, cách này có phù hợp với Việt Nam?
Giáo sư Đào Trọng Thi: Đúng là ở nhiều nước, các trường đại học được tự đánh giá và tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, điều này chưa thực hiện được ở Việt Nam.
Vì việc đánh giá của các trường là khác nhau, nên giáo sư trường này có thể không bằng phó giáo sư trường khác. Trong khi hiện nay, các giáo sư, phó giáo sư ở các trường đang hưởng bậc lương, chế độ chính sách như nhau. Nếu cứ để các trường tự phong và nhà nước trả lương cao là không phù hợp.
Đó là chưa kể, các trường công của Việt Nam đặt trong một hệ thống thang bảng lương chung, có thể luân chuyển từ trường này sang trường kia và được giữ nguyên bậc lương và các chế độ.
Cả hệ thống thống nhất như vậy thì phải có tiêu chuẩn chung, để giáo sư trường này ít nhất cũng phải tương đương về tiêu chuẩn tối thiểu với giáo sư trường khác.
Điều này khác với các nước là các trường tự chủ hoàn toàn.
Trên thế giới hiện vẫn có hai mô hình: để trường tự đánh giá, tự bổ nhiệm, hoặc như Việt Nam là nhà nước công nhận đạt chuẩn dựa trên tiêu chuẩn chung, trường bổ nhiệm. Nhiều nước tiên tiến họ vẫn thực hiện như cách chúng ta đang làm.
- Xin cảm ơn giáo sư!.
Theo vietnamplus.vn