Thứ Hai, 02/04/2018, 11:42 (GMT+7)
.

Ngành y tế nói gì về việc nước nhiễm arsen

Tỉnh Tiền Giang có 594 trạm cấp nước sinh hoạt. Trong đó, có 4 nhà máy xử lý nước mặt từ 10.000 - 50.000 m3/ngày đêm, gồm: Nhà máy nước Đồng Tâm, Nhà máy nước Bình Đức, Nhà máy nước Mỹ Tho, Nhà máy nước Xẻo Mây; 590 trạm cấp nước khai thác từ nguồn nước giếng khoan (13 trạm cấp nước có công suất cấp từ 1.000 - 2.000 m3/ngày đêm và 577 trạm cấp nước có quy mô nhỏ từ 50 đến dưới 1.000 m3/ngày đêm).

Một trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Một trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Về chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, Đồng chí Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, kết quả giám sát, phân tích chất lượng nước năm 2017 cho thấy, các trạm cấp nước sử dụng từ nguồn xử lý nước mặt không phát hiện hàm lượng arsen và các chỉ tiêu khác được phân tích đều đạt theo quy chuẩn quy định; một số trạm có hàm lượng arsen vượt mức tiêu chuẩn 0,01 mg/l, chủ yếu phát hiện từ nguồn nước cấp giếng khoan.

Nguyên nhân là do các trạm cấp nước này được bơm trực tiếp từ nguồn nước giếng khoan, không qua xử lý (phổ biến khu vực phía Tây của tỉnh); một số trạm có hệ thống xử lý nhưng đã xuống cấp, không được đầu tư, sửa chữa (phổ biến ở các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn khu vực phía Đông).

* PV: Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trạm cấp nước nhiễm arsen, với hàng ngàn hộ dân đang sử dụng nguồn nước này, Sở Y tế có ý kiến gì về vấn đề này?

* Đồng chí Trần Thanh Thảo: Sở Y tế đã có báo cáo UBND tỉnh tại Báo cáo số 2966 ngày 21-12-2017 về kết quả kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2017. Trong đó, sở có đề xuất hướng xử lý đối với một số cơ sở cung cấp nước có mẫu không đạt, đặc biệt đối với các trạm cấp nước nhiễm arsen.

Đối với khu vực phía Đông, TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, đường ống cấp nước BOO (Nhà máy nước Đồng Tâm) đã đấu nối vào đến trung tâm các xã; song các trạm cấp nước trong khu vực vẫn được duy trì hoạt động. Khi tất cả các hộ dân trong vùng chuyển sang sử dụng nguồn nước BOO thì các giếng khoan của các trạm cấp nước trong khu vực sẽ chuyển sang phương án dự phòng.

Đối với khu vực phía Tây cần cải tạo, nâng cấp các trạm xử lý nước mặt như: Nhà máy nước Xẻo Mây cần sớm đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước mặt Hòa Hưng (huyện Cái Bè) để cấp nước cho khu vực này. Đối với các trạm cấp nước có chất lượng không đảm bảo thì đấu nối vào đường ống nước BOO để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước chất lượng cho sinh hoạt của người dân đi đôi với cắt đứt nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Đối với khu vực có thể xử lý nguồn nước đảm bảo đạt theo tiêu chuẩn thì cho phép các nhà đầu tư khai thác và xử lý cấp cho người dân trong khu vực, nhưng đơn vị cung cấp phải cam kết với người dân và chính quyền đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp đạt theo quy chuẩn quy định.

Đối với các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn không đảm bảo chất lượng và không có hệ thống xử lý thì phải trang bị hệ thống xử lý ngay, nếu không thì ngừng hoạt động.

Ngày 30-1-2018, UBND tỉnh có Công văn 381 trả lời về việc đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu các đề xuất của Sở Y tế và căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

* PV: Nếu người dân sử dụng nguồn nước nhiễm arsen với hàm lượng cao hơn không nhiều so với ngưỡng cho phép (ngưỡng cho phép 0,01 mg/l) thì có ảnh hưởng đến sức khỏe không, còn sử dụng nguồn nước có các chỉ số nhiễm arsen cao hơn, từ 0,015 mg/l trở lên thì sẽ ra sao?

* Đồng chí Trần Thanh Thảo: Arsen là nguyên tố hóa học có trong thiên nhiên, nằm rải rác khắp nơi trong vỏ trái đất, có mặt hầu hết ở các loại đá và quặng kim loại. Arsen không thể bị tiêu hủy trong môi trường, nhưng có thể thay đổi hình dạng. Arsen được phát tán vào môi trường do các quá trình phong hóa, phân rã các chất hữu cơ và vô cơ; quá trình sản xuất công nghiệp, lọc dầu, luyện kim, dược, hóa chất, đốt nhiên liệu, đốt chất thải…

Trong cơ thể con người, arsen tích lũy nhiều ở hầu hết các cơ quan nội tạng và các tổ chức giàu Keratin như: Da, móng, tóc và tăng dần theo tuổi. Bệnh do nhiễm độc arsen đặc trư­ng bởi các tổn thương da điển hình như biến đổi sắc tố da, dày sừng, ung thư­ da; nặng hơn là gây tổn thương nhiều cơ quan khác, nhiễm độc thai nghén, sinh con thiếu cân, sảy thai, thai chết lưu.

Khi ăn, uống phải lượng arsen vào cơ thể từ 0,3 - 30 mg thì triệu chứng nhiễm độc cấp xuất hiện sau 30 - 60 phút, với tổn thương nặng ở thận, đường tiêu hóa, phổi… Tỷ lệ tử vong cao sau khi bị nhiễm vài giờ hoặc vài ngày. Nếu người nhiễm arsen cao và được cứu sống thì vẫn có thể để lại di chứng nặng nề.

Ảnh hưởng mạn tính của arsen tới sức khỏe con người là rối loạn hoạt động hệ thống enzym (P, L, G…), gây tác hại tới chức năng của nhiều hệ cơ quan: Viêm đa dây thần kinh ngoại biên, viêm tắc tĩnh mạch, rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, giảm hormon sinh dục nam…

Đối với phụ nữ đang mang thai bị nhiễm arsen thì có thể dẫn đến ngộ độc thai nghén, sảy thai, thai lưu, sinh con thiếu cân, thiếu tháng… Nhiễm arsen có thể gây ung thư một số cơ quan: Bàng quang, gan, thận, ruột, da… Nhiễm arsen có thể gây rối loạn gen như: Rối loạn tổng hợp ADN, nhiễm sắc thể, rối loạn trao đổi nhiễm sắc thể…

* PV: Nếu người dân sử dụng nước nhiễm arsen một thời gian dài sẽ gây ra những bệnh gì? Các biểu hiện của nó như thế nào và điều trị ra sao?

* Đồng chí Trần Thanh Thảo: Người bị nhiễm arsen thời gian dài có biểu hiện bằng các triệu chứng tổn thương đa cơ quan do sự tích lũy của arsen trong cơ thể. Các triệu chứng lâm sàng điển hình: Dày sừng, tăng hoặc giảm sắc tố, tắc mạch đầu chi, ung thư da. Ngoài ra, nó còn có các triệu chứng khác như: Sạm da lan tỏa, rụng tóc nhiều, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, huyết tán, thiếu máu, tiểu đường, rối loạn thai sản...

Cho đến nay, biện pháp duy nhất để can thiệp điều trị nhiễm độc arsen mạn tính là chấm dứt sử dụng nước bị nhiễm arsen; lập hồ sơ quản lý, theo dõi, điều trị triệu chứng, can thiệp khi có biến chứng. Đối với trường hợp nghi ngờ (sống trong vùng nhiễm arsen) thì cần đi khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định bệnh.

Nếu đã chẩn đoán bệnh nhiễm độc arsen mãn tính thì lập hồ sơ bệnh án, còn nếu chưa phát hiện bệnh thì tư vấn và hẹn khám năm sau. Đối với trường hợp theo dõi tiến triển bệnh thì khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh và có các biện pháp dự phòng, điều trị kịp thời; quản lý hồ sơ bệnh án.

* PV: Xin đồng chí nói rõ làm thế nào để người dân nhận biết nước nhiễm arsen?

* Đồng chí Trần Thanh Thảo: Arsen là nguyên tố hóa học có dạng rắn kết tinh màu xám bạc, giòn dễ vỡ. Trong nước uống, arsen không thấy được, không mùi, vị; do đó nếu không có phương tiện xét nghiệm thì không thể phát hiện được. Các biện pháp giảm thiểu nhiễm độc arsen là theo dõi chất lượng nước và đánh giá nguy cơ sức khỏe; xác định nguồn nước bị ô nhiễm arsen, cũng như nguồn nước an toàn; dự trù những nguồn nước an toàn không có arsen.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.