Thứ Bảy, 12/05/2018, 10:14 (GMT+7)
.

Xây dựng chất lượng cán bộ là đặt nền móng cho lòng tin nhân dân

Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được trình Trung ương thảo luận trong hội nghị lần 7 là việc cấp thiết -  đó là khẳng định của ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với DĐDN.

- Hội nghị TƯ 7 đang bàn một đề án quan trọng về xây dựng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Ông đánh giá thế nào về đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay?
- Trước khi bàn tới phương hướng, nội dung để xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt ở cấp chiến lược, thì việc đánh giá thực trạng là rất quan trọng. Theo đánh giá của tôi, tình hình cán bộ của chúng ta hiện nay đang ở mức tương đối thấp so với cán bộ lãnh đạo ở các thời kỳ như cách mạng tháng 8, chống Pháp, chống Mỹ cho đến thống nhất tổ quốc.

a
Ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Sau năm 1975 tôi chia làm 3 thời kỳ. Thời kỳ đầu từ 1976 đến 1986, đây là dấu mốc quan trọng chuyển đổi rất quan trọng, trong giai đoạn đó chúng ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh Tây Nam, ở phía bắc là với Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh của chúng ta. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, nền kinh tế vô cùng nan giải, lòng dân có nhiều băn khoăn. Nhưng dù sao trong giai đoạn đó, đội ngũ cán bộ của chúng ta rất vững vàng, hy sinh tất cả để khôi phục đất nước và phát triển kinh tế.

Giai đoạn từ năm 1986 đến 1997 là giai đoạn chúng ta đi vào đổi mới. Đây là giai đoạn khá hào hứng, sôi nổi và rất tâm huyết. Còn giai đoạn từ 1997 đến nay thì đội ngũ cán bộ đang có xu hướng... “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đây là nguy cơ và là hiểm họa rất lớn cho đất nước, trong đó nạn tham nhũng bùng lên đến mức khó kiểm soát.

Cơ chế kiểm tra giám sát theo Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 được thực hiện đồng bộ theo hướng cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát chéo giữa các cơ quan và giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử và vai trò của truyền thông.
 Như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nhận định, chất lượng cán bộ từ trung ương cho đến cấp cơ sở đang có rất nhiều “vấn đề”.
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị trung ương 7 phải bàn về công tác cán bộ, đánh giá cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược là rất quan trọng, đúng thời điểm và không thể muộn hơn được nữa.

- Như ông nói, mặt trái của kinh tế thị trường tác động không tốt đến công tác cán bộ… Một giải pháp được đưa ra trong đề án trình Trung ương, coi tiêu chí đầu tiên với các bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là phải trong sạch, không tham nhũng, không vun vén cho người thân, gia đình... Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
- Xác định thế là đúng, nhưng trước hết, về tiêu chuẩn cán bộ, nói như Bác Hồ, phải chú trọng cả “tài” và “đức”, không có “tài” không làm được cán bộ nhưng “đức” là gốc để phát huy cái “tài”. Tổng Bí thư đương nhiệm đã nêu câu hỏi trước Trung ương, “đức”, “tài” cái nào quan trọng hơn và khẳng định cả hai cùng quan trọng.

Giờ để làm tốt việc này thì vẫn phải giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, phải bổ sung những thể chế luật pháp như quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực, để cán bộ có muốn “hư hỏng” cũng không được, và phải dựa vào nhân dân, phát động nhân dân tham gia công tác cán bộ thì mới làm được.
Và sau cùng, phải siết công tác quản lý cán bộ thì mới bảo đảm được cán bộ trong sạch. Quy định xây dựng luôn chặt chẽ, không thiếu các tầng nấc kiểm soát nhưng thực tế qua các khóa, chúng ta vẫn để lọt vào hệ thống nhiều cán bộ cấp cao không xứng đáng. Thậm chí, có những cán bộ lúc đầu rất tốt, nhưng do có những diễn biến, tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường làm cho con người lung lay, khi có quyền rồi thì cán bộ tha hóa chứ không phải những cán bộ đó sinh ra đã hư hỏng đâu.
Khái quát thì vẫn phải nói đa số cán bộ của ta là tốt, người hư hỏng chiếm tỷ lệ thấp thôi.

- Tại phiên khai mạc hội nghị Trung ương 7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “cán bộ của chúng ta đông nhưng không mạnh”. Ông có nhận xét gì về công tác cán bộ hiện nay?
- Tôi nhớ lại thời kỳ làm Cách mạng tháng 8, số lượng cán bộ chỉ trên dưới 5.000 cán bộ và đảng viên. Đây là thời kỳ rất đặc biệt nhưng vẫn làm nên Cách mạng tháng 8 vẻ vang. Còn bây giờ nếu nói về đội ngũ cán bộ, công nhân việc chức theo thống kê thì thấy đội ngũ cán bộ rất đông. Riêng ngành y tế có khoảng gần 700.000 người, giáo dục khoảng 1,4 triệu, cộng với các lực lượng vũ trang thì chúng ta có gần 2,7 triệu người. Để nuôi bộ máy này hiện nay đang quá lớn và quá nặng, có thể nói rằng tình hình đất nước lúc này đang có rất nhiều bức xúc, gay gắt và phải giải quyết đồng bộ và nhiều vấn đề.

- Vậy theo ông, “nuôi dưỡng nguồn lực” cán bộ cần có những giải pháp tổng thể để “giải quyết đồng bộ” như ông nói?
- Việc chúng ta đề cao, nhấn mạnh việc luân chuyển cán bộ, theo tôi cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, theo tôi, thứ nhất, trong công tác cán bộ, chú ý đến cấp chiến lược là đúng nhưng phải đồng thời quan tâm cả cán bộ cấp sơ sở vì đó là cấp gần dân, tác động không nhỏ tớ niềm tin của nhân dân… Cán bộ cơ sở mà không vững vàng, không hăng hái thì trên có đề ra bao nhiêu việc thì cũng trôi đi hết.
Đặc biệt, thể chế phải đầy đủ và có hiệu lực pháp lý trong Đảng, trong Nhà nước thì mới đảm bảo được.
Ngoài ra cũng cần chế tài phù hợp, chẳng hạn khi giới thiệu, tiến cử người nếu sai thì cần phải chịu trách nhiệm. Thực tế có những thỏa thuận ngầm mà chúng ta cần triệt tiêu, kiểu nếu tôi chấp nhận anh là cấp ủy thì anh phải chấp nhận người của tôi vào cấp này, cấp khác...
Vì vậy, chúng ta càng phải xây dựng một chế tài mạnh - mạnh đến mức quan chức “muốn tham nhũng cũng không dám, không muốn và không thể tham nhũng”.
- Xin cảm ơn ông!
 
Yêu cầu cấp bách
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có đánh giá, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả…. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta phải tập trung một hệ thống các giải pháp từ xây dựng quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; xây dựng các quy chế về công tác cán bộ, trong đó có đánh giá cán bộ, tuyển chọn cán bộ, bầu cử, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ, luân chuyển cán bộ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ đến đổi mới và chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ… Trong các giải pháp đó, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên.

PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Theo đó, không tạo dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực thì suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, hay “khuyết tật” trong Đảng sẽ không thể loại trừ. Do đó, kiểm soát phải được xem là vấn đề rất lớn bởi quyền lực nếu được sử dụng đúng sẽ có sức mạnh to lớn. Nhưng quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, từ đó sẽ đưa tới nhiều hệ lụy khó lường.

Giám sát quyền lực có nhiều kênh và một trong những kênh quan trọng nhất là lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần bổ sung thêm một quy trình rất quan trọng là phải lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú trước khi bổ nhiệm. Nhưng việc lấy ý kiến của nhân dân phải thực chất chứ không được làm chiếu lệ cho xong.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.