.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang :

Không được chủ quan với cúm A (H1N1)

Cập nhật: 22:11, 09/06/2018 (GMT+7)

Như thông tin đã đưa, vừa qua Tiền Giang có 4 ca nhiễm cúm A (H1N1) khi điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh. Về những biện pháp phòng, chống dịch cúm A trên địa bàn tỉnh,  Báo Ấp Bắc đã gặp gỡ, trao đổi với đồng chí Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang .

ồng chí Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang
Đồng chí Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang.

* Phóng Viên (PV):  Xin đồng chí cho biết diễn biến dịch cúm A (H1N1) vừa qua trên địa bàn tỉnh? Công tác kiểm soát, khống chế cúm đã được ngành Y tế thực hiện ra sao?

* Đồng chí Lê Đăng Ngạn: Ngày 2-6, Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang nhận được thông tin từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh về chùm ca bệnh cúm A (H1N1) xuất hiện và lây lan tại khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ. Theo đó, tỉnh Tiền Giang có 4 trường hợp, trong đó huyện Cái Bè (3 ca) và huyện Tân Phước (1 ca) đã xuất viện theo dõi tại nhà.

Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế của 2 huyện trên, Trạm y tế các xã triển khai các biện pháp phòng, chống sự lây lan cho cộng đồng như: Tiếp tục theo dõi các trường hợp bệnh, tình hình sức khỏe những người tiếp xúc trực tiếp tại hộ gia đình người bệnh và hộ lân cận, khuyến cáo hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi không cần thiết hoặc khi tiếp xúc cần phải mang khẩu trang.

Hướng dẫn tăng cường thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng các loại dung dịch sát khuẩn thông thường, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng, chống cúm A (H1N1) theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho các hộ gia đình có tiếp xúc với người bệnh và các hộ lân cận.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hướng dẫn cho mọi người biết cách tự phòng bệnh, biết cách phát hiện bệnh sớm để nhập viện điều trị kịp thời, khai báo bệnh dịch xảy ra, phòng, chống lây lan trong cộng đồng.

Lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp trong gia đình của các trường hợp nhiễm bệnh, cán bộ y tế tham gia chống dịch và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Hiện tại các trường hợp nhiễm bệnh đều ổn định, không ghi nhận ca mắc mới tại địa phương.

* PV: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân làm dịch cúm bùng phát và dấu hiệu để nhận biết bị cúm như thế nào, cũng như tác hại của dịch cúm A (H1N1)?

* Đồng chí Lê Đăng Ngạn: Cúm A (H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng do vi rút có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đặc tính của vi-rút cúm A (H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.

Loại vi-rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Thời tiết lạnh, mưa dầm và ẩm, thiếu ánh nắng, phòng kín là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang vi-rút cúm A (H1N1) có khả năng truyền vi-rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1 là sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Do khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng nên rất dễ bùng phát dịch khi có ca bệnh. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000 - 500.000 ca tử vong do cúm. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây ghi nhận mỗi năm có khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Tuy không nguy hiểm như cúm gia cầm, nhưng những người nhiễm cúm A (H1N1) cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.

* PV: Để chủ động đối phó với dịch cúm A (H1N1), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có khuyến cáo gì đối với các địa phương, đặc biệt là người dân trong việc phòng, chống cúm này?

* Đồng chí Lê Đăng Ngạn: Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng trong việc chủ động đối phó với dịch cúm A (H1N1) như tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. Cần mang khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương.

Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và mang khẩu trang. Tiêm vắc xin cúm hằng năm là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

P. MAI
(thực hiện)

.
.
.