Luật An ninh mạng không ngăn cản quyền tự do ngôn luận
(ABO) Luật An ninh mạng (ANM) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, sau khi được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Với 7 chương, 43 điều, Luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Xoay quanh vấn đề này, Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Văn Trảng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang.
Luật ANM không ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân. Ảnh: N.T |
* Phóng viên: Những điều gì bị cấm trong Luật, thưa Đại tá?
* Đại tá Phan Văn Trảng: Luật chỉ nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã được pháp luật (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan) quy định. Điều 8 của Luật ANM đã liệt kê cụ thể, rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm về ANM, góp phần thuận lợi trong việc thực hiện và xử lý hành vi vi phạm điều cấm, bao gồm:
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi sau đây:
+ Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (bao gồm đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội...).
Như vậy, Luật ANM không ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân; không cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google; không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Luật ANM quy định người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 9, Luật ANM). |
Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
+ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
+ Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ ANM; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ ANM.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ ANM để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
* Phóng viên: Để Luật ANM được thi hành kịp thời, hiệu quả, thống nhất trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai những công việc gì?
* Đại tá Phan Văn Trảng: Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 194 ngày 2-7-2019 về triển khai thi hành Luật ANM trên địa bàn tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thi hành Luật ANM bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả.
Công an tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch 343 ngày 18-4-2019 triển khai thi hành Luật ANM trong Công an tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, Công an các địa phương, nhằm tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt Luật và nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trong lực lượng Công an tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an, Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch 773 ngày 10-6-2019 về tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật ANM” trong Công an tỉnh để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Luật ANM đến toàn thể CB-CS trong Công an tỉnh, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ ANM; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trong và ngoài nước về Luật ANM và chính sách ANM của nước ta.
Hướng tới, Công an tỉnh sẽ chủ động rà soát các văn bản pháp luật trong Công an nhân dân nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung có liên quan đến ANM để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo trình tự được pháp luật quy định để báo cáo đề xuất Bộ Công an, HĐND và UBND tỉnh.
* Phóng viên: Cảm ơn Đại tá!
PHÙNG LONG (thực hiện)