.
TỔNG GIÁM ĐỐC GODACO NGUYỄN VĂN ĐẠO:

Người nuôi cá tra "vỡ trận" do cung vượt cầu

Cập nhật: 21:31, 25/07/2019 (GMT+7)

 

Diễn biến trên thị trường cho thấy, giá cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đã chạm đáy so với 10 năm trở lại đây. Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) phân tích:

Giá cá tra nguyên liệu những tháng gần đây diễn biến theo chiều không tốt là do quy luật cung cầu. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn về sản phẩm cá tra Việt Nam có giới hạn, nhưng nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu hiện quá lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này là do dư âm của năm 2018 giá cá tra tăng đột biến nên rất nhiều người dân đổ xô vào nuôi cá này dẫn đến nguồn cung lớn, tạo ra áp lực cần tiêu thụ trong thời điểm nhất định đã kéo theo giá bán có xu hướng giảm nhanh.
* Phóng viên (PV): Ông có thể phân tích chi tiết hơn về diễn biến của thị trường hiện nay?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Phân tích một cách chi tiết là xưa nay thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu và một số nước ASEAN. Trong khoảng 2 năm gần đây, cá tra Việt Nam đã mở thêm được thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ lớn cá tra Việt Nam do sản phẩm này phù hợp với nhu cầu của thị trường, giá bán hợp lý và thuận lợi về yếu tố địa lý của 2 quốc gia.

Đặc biệt là thị trường Trung Quốc đòi hỏi về rào cản kỹ thuật, thương mại cũng tương đối “dễ thở” hơn so với các thị trường khó tính khác. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam tăng cao trong một thời gian dài. Cao điểm là vào đầu năm 2018, giá cá tra nguyên liệu tăng lên đến 36.000 - 37.000 đồng/kg. Chính sức hấp dẫn về lợi nhuận đã tạo đà cho người dân đổ xô vào nuôi cá tra nguyên liệu và nuôi bằng mọi giá do tỷ suất lợi nhuận thời điểm này lên đến khoảng 30%. Sức hút này không chỉ dẫn đến nhiều người nuôi cá tra, mà còn thúc đẩy nhiều người làm con giống.

Người nuôi cá tra hiện đang gặp khó khăn.
Người nuôi cá tra hiện đang gặp khó khăn.

Hệ lụy là đến lúc nào đó, do thị trường tiêu thụ có giới hạn, nguồn cung vượt cầu dẫn đến áp lực dư thừa là đương nhiên. Thực tế hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang giảm sâu, người nuôi cá tra lỗ rất lớn. Với giá cá tra hiện nay, người nuôi cá tra đã “vỡ trận”, không còn kiểm soát được nên ai cũng muốn bán nhanh để cắt lỗ. Chưa kể, áp lực vòng quay vốn vay ngân hàng đến đáo hạn nên giá nào người nuôi cũng phải bán, càng tạo nên yếu tố lây lan thị trường.

Chưa kể, chính người mua, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng sợ giá tiếp tục giảm nên giảm lượng mua hoặc chờ giá giảm tiếp mới mua vào. Sức mua chậm gây hiệu ứng “domino” càng tạo thêm tâm lý “hoảng loạn” cho người nuôi, nên tiếp tục bán giá thấp. Vòng luẩn quẩn này tạo nên áp lực rất lớn đối với người nuôi cá tra hiện nay. Bằng chứng là giá bán cá tra nguyên liệu hiện tại đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.

* PV: Tình hình hiện nay liệu có ảnh hưởng đến các đơn vị chế biến xuất khẩu?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Cần phải thừa nhận rằng, nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với các sản phẩm cá tra Việt Nam nói chung hiện nay là không giảm, nhất là thị trường Trung Quốc. Các thị trường vẫn chào đón sản phẩm cá tra Việt Nam rất tốt, thậm chí nhu cầu tiêu thụ còn tốt hơn năm 2018.

Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu giảm một cách bất ngờ, do nguồn cung trong nước tác động, làm cho khách hàng tiêu thụ ở các nước khựng lại để thăm dò thị trường. Khi thị trường tiêu thụ chậm lại tạo nên tâm lý lo lắng cho người nuôi và người nuôi tiếp tục tự hạ giá bán. Hệ quả là người nuôi tiếp tục lỗ, nhà máy chế biến cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy, trong giai đoạn này người nuôi nên bình tĩnh, không nên bán lỗ do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra ở các thị trường vẫn còn rất tốt.

* PV: Là đơn vị chế biến xuất khẩu có quy mô lớn, ông có khuyến cáo gì đối với người nuôi?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Câu chuyện khi giá lên cao nhiều người đổ xô nuôi dẫn đến khủng hoảng thừa và ngược lại không còn là câu chuyện mới. Chính vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để kiểm soát được sản lượng nuôi, chẳng hạn như quy định về điều kiện môi trường, tay nghề, liên doanh liên kết với nhà máy chế biến…

Từ đó mới tính toán được nguồn cung, kiểm soát được thị trường và ổn định được giá tiêu thụ. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên nuôi một cách tự phát, mà cần có những hợp đồng liên kết với các đơn vị chế biến xuất khẩu một cách chặt chẽ. Thực tế vừa qua cho thấy, người nuôi cá tra nhiều nhưng cũng không đến mức quá dư thừa, chỉ có điều thị trường đang bị “vỡ trận”, người nuôi hoảng loạn tranh nhau bán.

Thực tế hiện nay, có 2 nguồn cung ứng cá tra nguyên liệu là doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi riêng và người dân tự nuôi. Vì thế, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản chế biến xuất khẩu cần chủ động hơn về giá bán. Bởi hơn ai hết, chính các doanh nghiệp đã và đang hiểu được nhu cầu của thị trường tiêu thụ nên cần tính toán cơ chế giá thu mua cho người nuôi một cách phù hợp. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng không nên mua với giá quá thấp làm cho người nuôi thua lỗ, dẫn đến thiệt hại cho người nuôi, doanh nghiệp và xã hội…

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.