Thứ Năm, 21/11/2019, 09:59 (GMT+7)
.

Cần "số hóa" để nâng hiệu quả Tủ sách pháp luật

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định 355/1999 ngày 22-11-1999 của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo “Quy chế xây dựng quản lý khai thác Tủ sách pháp luật (TSPL) xã, phường, thị trấn”, đến nay mỗi đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành đã được đầu tư, duy trì TSPL. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TSPL đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển công nghệ số. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi và lược ghi ý kiến của cán bộ, công chức Tư pháp xoay quanh vấn đề trên.

PHÓ TRƯỞNG PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN CHÂU THÀNH LÊ VĂN LƯU: Cần đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được lãnh đạo huyện quan tâm; trong đó, hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác TSPL cũng được xem là một kênh truyền thông quan trọng đến cán bộ, công chức và nhân dân.

Đến thời điểm này, các cơ quan ban, ngành huyện và 23 xã, thị trấn đều được trang bị TSPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và người dân. Mỗi TSPL có từ 150 đến 200 đầu sách, có phân công người khai thác, quản lý; hằng năm đều bổ sung thêm những sách pháp luật mới, loại bỏ những sách hết hiệu lực. Tại các trường học, bưu điện văn hóa, thư viện còn trang bị phòng đọc phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và người dân.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là TSPL hiện nay tại nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện không còn phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Việc vận hành TSPL tại các xã, thị trấn, đơn vị đã bộc lộ sự lãng phí, không hiệu quả. Do công nghệ thông tin phát triển dẫn đến ít người đến đọc sách hoặc mượn về, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức đang đi học cần bổ sung kiến thức mới mượn đọc.

Đa phần cán bộ, viên chức, người lao động tra cứu trên mạng (Internet), cổng thông tin điện tử rất tiện lợi và có thể truy cập, nghiên cứu mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm được nhiều thời gian. Cấp trên đã thấy điều này, chúng tôi cũng đang lấy ý kiến các xã, thị trấn tổng hợp gửi về Sở Tư pháp để đánh giá lại hiệu quả khai thác, sử dụng TSPL. Đồng thời, xác định nhu cầu khai thác, sử dụng TSPL tại các xã, thị trấn, đơn vị để có hướng đề xuất có nên tiếp tục duy trì TSPL hay không.

Với tốc độ phát triển công nghệ 4.0 và thực hiện chính quyền điện tử, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan cần đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL, trong đó, có thể nghiên cứu điều chỉnh TSPL thành TSPL điện tử để TSPL thật sự phát huy hiệu quả, phục vụ tốt hơn công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp.

CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH XÃ ĐIỀM HY NGUYỄN MINH PHONG: Cần xây dựng phần mềm Thư viện pháp luật trực tuyến

Khoảng 5 - 7 năm trước, người dân còn đến xã mượn sách pháp luật về đọc, nhưng 2 - 3 năm gần đây không còn nữa, vì ai cũng trang bị cho mình chiếc điện thoại thông minh nên tra cứu trên mạng rất nhanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng các phương tiện truyền thông hiện đại khiến cho mô hình TSPL gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc làm sao để tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tích cực của nó.

Thực tế trên cho thấy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, quản lý và khai thác TSPL là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân thông qua hoạt động của các TSPL.

Nguồn lực cấp cơ sở có hạn, dù thấy những hạn chế của TSPL nhưng cũng chưa có giải pháp để thay đổi. Chúng tôi rất mong UBND tỉnh, ngành Tư pháp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện để khai thác, sử dụng hiệu quả các TSPL.

Trong đó, cần xây dựng các TSPL điện tử để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý của người đọc hiện nay.

CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH XÃ PHÚ PHONG NGUYỄN TRƯỜNG HUẨN: Nên thay TSPL bằng máy vi tính

Tại nhiều xã trên địa bàn huyện, hằng năm TSPL thường xuyên được cập nhật các đầu sách cũng như các văn bản pháp luật mới. Thế nhưng, gần như cả năm nay không có người dân nào tới tra cứu văn bản tại TSPL.

Thường chỉ có cán bộ, công chức đang công tác tại xã thực hiện việc tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu xử lý công việc, rất hiếm khi có người dân đến đọc.

Người dân khi tới UBND xã chỉ làm thủ tục hành chính rồi về, không quan tâm tới TSPL.Từ đó, mô hình TSPL chưa phát huy hết hiệu quả. Nếu được, tôi mong cấp trên trang bị một máy vi tính cho xã thay cho TSPL để cán bộ, công chức và người dân có thể tra cứu Thư viện pháp luật trực tuyến khi có nhu cầu, vừa tiện ích vừa thiết thực. Như vậy sẽ hiệu quả hơn việc trưng bày TSPL như hiện nay.

GIA BẢO

.
.
.