Thứ Tư, 25/12/2019, 11:49 (GMT+7)
.

Nâng trách nhiệm trong công tác bảo đảm ATGT

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Trưởng Ban ATGT tỉnh khảo sát tình hình ATGT ở huyện Châu Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Trưởng Ban ATGT tỉnh khảo sát tình hình ATGT ở huyện Châu Thành.

Năm 2019, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh xảy ra 360 vụ, làm chết 242 người, bị thương 198 người. Để kiềm chế, kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết:

Trong năm 2019, tình hình TNGT (từ ngày 15-12-2018 đến 14-12-2019) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2018. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (làm chết 3 người) và 8 vụ TNGT rất nghiêm trọng (làm chết 16 người và bị thương 3 người).

* Phóng viên: Đồng chí đánh giá gì về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT tăng trong năm 2019?

* Đồng chí Trần Văn Bon: Trong năm 2019, mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhưng tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tăng 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, số vụ tăng gần 7,5%, số người chết tăng trên 6,6%, số người bị thương tăng trên 3%. Tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra (Quốc lộ 1, cầu Rạch Miễu), nhất là trong các ngày Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn và các ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.

So với cùng kỳ năm 2018, TNGT ở các huyện Chợ Gạo, Cái Bè, Tân Phú Đông và TX. Gò Công tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; TX. Cai Lậy, các huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; các huyện Tân Phước, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho tuy tăng về số vụ, tăng về số người bị thương nhưng giảm về số người chết; còn huyện Châu Thành tuy giảm về số người bị thương nhưng tăng về số vụ và số người chết.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do: Nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh, dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân còn thấp…, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được mở rộng, từ đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra, nhất là tại các cầu hẹp trên Quốc lộ 1 và cầu Rạch Miễu vào những dịp lễ, tết, các ngày cuối tuần.

Công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ còn nhiều bất cập, việc vi phạm hành lang ATGT còn xảy ra nhiều ở các địa phương như: Tình trạng xây dựng, kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè... mặc dù đã có chỉ đạo nhưng vẫn còn vụ việc chưa xử lý hoặc xử lý chưa triệt để.

Việc xử lý “điểm đen”, điểm nguy cơ TNGT trên các tuyến quốc lộ còn chậm do công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương còn chậm, chưa chặt chẽ; kinh phí còn hạn chế, khắc phục từng giai đoạn, thời kỳ nên mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện kiểm tra giám sát về công tác ATGT ở một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra; trách nhiệm người đứng đầu địa phương chưa quan tâm sâu sát…

* Phóng viên: Trong thời gian tới, ngành chức năng cần có những giải pháp gì để kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Trần Văn Bon: Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT; trong đó, cần thực hiện quyết liệt nhằm thực hiện đạt mục tiêu, yêu cầu giảm TNGT, khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT từ tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; phải xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT là nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông; tiếp tục đổi mới phương pháp, nội dung và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, đề cao trách nhiệm tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm trật tự ATGT.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, Lực lượng vũ trang phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, vận động người thân, gia đình cùng thực hiện; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp; kết hợp tuyên truyền các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật để tuyên truyền về văn hóa
giao thông.

Song song đó là nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT; bảo đảm tình hình trật tự ATGT thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài; tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất ATGT.

Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi trên địa bàn tỉnh để thu hút hành khách đi lại bằng dịch vụ công cộng, giảm mức độ sử dụng phương tiện cá nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân trong khu vực đô thị và các vùng lân cận, góp phần kiềm chế TNGT và ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó là đổi mới quản lý công tác đăng ký phương tiện giao thông theo hướng gắn trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện giao thông với trách nhiệm quản lý, sử dụng xe; siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê.

Tiếp theo đó là tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ, bằng thuyền trưởng, máy trưởng; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu; các phương tiện tham gia giao thông phải được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, về trật tự ATGT, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thi hành công vụ; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban ATGT các cấp, xây dựng cơ chế hoạt động
có hiệu quả.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

PHÙNG LONG
(thực hiện)

.
.
.